Hình ảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên |
Tuy nhiên, nghị quyết này thể hiện sự cam kết và thỏa hiệp đang ngày càng tăng cao của các cường quốc trên thế giới trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Chưa thể khuất phục
Lệnh trừng phạt Triều Tiên vì động thái thử hạt nhân lần thứ 6 vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hôm 12/9. Biện pháp trừng phạt lần này do Mỹ soạn thảo, sẽ có thêm một số yêu cầu: Cấm tất cả hoạt động xuất khẩu dệt may của Triều Tiên; Cắt giảm hơn 55% các sản phẩm dầu mỏ đã lọc như xăng và nhiên liệu tới Triều Tiên; Hạn chế mức vận tải dầu thô vào lãnh thổ của Bình Nhưỡng; Cấm các nước thuê công nhân Triều Tiên; Kiểm tra, lục soát các hoạt động buôn lậu qua đường hàng hải của Triều Tiên; Áp thêm hạn chế mới với các tổ chức Chính phủ như Ủy ban Quân sự Trung ương Triều Tiên.
Tổng cộng, nghị quyết trừng phạt này có thể làm suy giảm 1,3 tỉ USD lợi nhuận của Triều Tiên và được nhận định là cú giáng mạnh vào kinh tế cùng khả năng theo đuổi chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghị quyết trừng phạt lần này cũng chưa thể nào khuất phục được ý chí và quyết tâm của Bình Nhưỡng.
Trên thực tế, lệnh trừng phạt đã được Mỹ sửa đổi, giảm bớt hạn chế so với dự thảo ban đầu để chắc chắn nhận được sự đồng thuận từ Trung Quốc và Nga. Cả Trung Quốc và Nga đều lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng hai nước này còn lo hơn về viễn cảnh: Nếu thế giới gây áp lực mạnh hơn nữa, Bình Nhưỡng có thể sẽ hành động liều lĩnh hoặc rơi vào tình trạng bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tị nạn/an ninh mới tại khu vực biên giới với hai nước Mỹ - Nga. Việc lệnh trừng phạt được thông qua suôn sẻ cho thấy Mỹ, Nga và Trung Quốc đã thỏa hiệp được với nhau, theo trang tin Vox.
Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận: “Đây chỉ là một bước đi vô cùng nhỏ, chưa phải biện pháp giải quyết đáng kể... Nó chưa là gì so với biện pháp đáng lẽ Triều Tiên phải đối mặt”. Tuy nhiên, ông Trump cũng khẳng định: “Tôi chưa biết các biện pháp này có tác động gì không nhưng chắc chắn việc các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đồng nhất thông qua là điều rất tốt đẹp”.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao phụ trách các lệnh trừng phạt Triều Tiên và Iran, ông Joseph De Thomas cho rằng ông không hy vọng lệnh trừng phạt mới có tác động tới vấn đề Triều Tiên. Bởi theo ông này, lệnh cấm lao động Triều Tiên gần như không thể giám sát, các thống kê thương mại về lợi nhuận từ dệt may của nước này cũng thường xuyên được phóng đại. Một quan chức cấp cao khác của Mỹ thừa nhận, các lệnh trừng phạt mới không đủ để thay đổi hành vi của Triều Tiên nhưng sẽ giúp các nước khác nâng cao khả năng tuân thủ các hạn chế mà Liên hợp quốc đặt ra.
Không ngừng gây áp lực với Trung Quốc
Bên cạnh tăng cường lệnh trừng phạt với Triều Tiên, Mỹ vẫn đang gây áp lực với Bắc Kinh để nước này tuân thủ nghiêm túc và mạnh tay với Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo nếu Trung Quốc không tuân thủ các biện pháp trừng phạt mới, Washington sẽ “áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và ngăn chặn nước này tiếp cận hệ thống USD và quốc tế”. Tại thời điểm này, tất cả các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng và công ty khác của Trung Quốc đang bị tạm dừng để quốc gia đông dân nhất thế giới có thời gian thể hiện những gì họ đã chuẩn bị để thực thi lệnh trừng phạt mới nhất cũng như các vòng trừng phạt trước đó, một quan chức cấp cao khác cho biết.
Trước câu hỏi liệu chính quyền ông Trump có cân nhắc các hành động khác như cắt quan hệ với ngân hàng Trung Quốc trong hệ thống tài chính của Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Tất cả các lựa chọn đều đang được đặt lên bàn đàm phán. Tổng thống cũng cho biết rằng, ông muốn tất cả các nước đều phải tham gia để tăng cường hành động hơn nữa (về vấn đề Triều Tiên)”.
Tháng 11 này, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ dừng chân tại Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới châu Á kể từ khi ông nhậm chức. Chi tiết chuyến thăm đã được hai bên bàn thảo trong các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.
Về phần mình, Nga và Trung Quốc đều khẳng định, họ tôn trọng các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và kêu gọi Mỹ quay trở lại đàm phán với Triều Tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận