Chuyện cá cứu người
"Với ngư dân Cửa Lò (Nghệ An), cá ông (hay còn gọi là cá voi) được tôn kính là “ngài”. Khi cá ông chết thì gọi là “ngài lụy"", ông Nguyễn Ngọc Trinh (75 tuổi), người trông coi, hương khói tại đền Làng Hiếu vừa dẫn chúng tôi vãn cảnh, vừa kể.
Đền Làng Hiếu nằm ở phường Nghi Hải, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ngôi đền linh thiêng với hơn 350 tuổi, không chỉ được nhân dân trong vùng tôn thờ, mà còn là địa điểm thu hút khách thập phương ghé thăm.
Một điều đặc biệt của ngôi đền này là bên cạnh các cung, điện là khu nghĩa trang thờ 89 xương cốt vị Thần Ngư (hay còn gọi là cá voi, cá ông).
Trong số gần 90 ngôi mộ cá voi được ngư dân và địa phương chôn cất, hương khói tại đây, có một ngôi mộ đặc biệt hơn cả. Đó là lăng thờ Nam Hải Thần Ngư, được đặt trên cùng, trang trọng và uy nghi nhất.
Tương truyền, đây là “ông cá” đầu tiên được an táng tại đền từ thế kỷ 19. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán “Lăng Thần Ngư”.
Ngoài ra, ở trong đền Làng Hiếu, cũng có một cung thờ riêng Sát Hải Đại Vương, để ngư dân cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, thuyền bè ra khơi vào lộng an toàn, tôm cá đầy khoang.
Theo ông Trinh, các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, xưa vùng Cửa Hội thường xuất hiện một con cá voi to như chiếc tàu. Mỗi khi tàu thuyền gặp nạn trên biển, ngư dân chắp tay vái lạy rồi gọi tên, sau đó “ngài” có mặt cứu giúp ngư dân và dìu vào bờ an toàn.
Khi “ngài lụy”, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng tới 60 đôi chiếu để đắp nhưng vẫn không kín thân. Lễ an táng "ngài" diễn ra vô cùng long trọng với sự tham gia của hầu hết người dân miền biển này.
Về sau, bộ xương của cá được cất táng vào lăng chính của khu nghĩa trang Ngư Ông cạnh đền Làng Hiếu. Cho đến hôm nay, hài cốt của “ngài” vẫn đang nằm trong ngôi mộ lớn này. Đây là phần mộ linh thiêng nhất trong toàn bộ nghĩa trang.
Đền ơn đáp nghĩa
Theo ông Nguyễn Ngọc Trinh, cá ông có một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của ngư dân địa phương. “Ngài” chính là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương.
Với những người dân miền biển này, họ không bao giơ săn bắt và ăn thịt cá voi, mỗi lần “ngài” mắc cạn, hoặc gặp nạn, họ còn đều ra sức cứu giúp và đưa cá ra biển. Còn nếu phát hiện cá Ông đã chết, dạt vào bờ, người dân đều đưa về đây chôn cất cẩn thận.
Theo tục lệ của ngư dân, người nào phát hiện thấy “thần” đầu tiên, người đó có bổn phận chôn cất. Dựa vào kích thước của “thần” mà người dân sẽ nhận biết “vị” nào cá ông, “vị” nào thần cô, thần cậu.
Toàn bộ những nghi lễ liên quan đều phải được thực hiện dưới quy mô của làng vạn. Sau khi làm lễ chôn cất, ngư dân sẽ để tang cá ông 3 năm. Sau thời gian trên, họ sẽ làm lễ cất mồ, mang hài cốt ông về đền Làng Hiếu thờ phụng.
Hàng năm, những gia đình thờ cá ông phải tổ chức làm giỗ, trước ngày giỗ phải đến đền thắp hương, khấn mời như người trong gia đình. Còn vào các ngày rằm và dịp lễ hội, đông đảo người dân tìm đến nghĩa trang nằm trong khuôn viên đền Làng Hiếu để thắp hương, khấn bái, cầu xin sự bình an.
Ông Trinh kể: Cách đây 5 năm, lúc đó ông còn đi biển. Tầm 10h sáng ngày tháng 10, thuyền đang trên đường ra khơi, khi ra đến vùng nước 18 sải (cách bờ khoảng 20 hải lý) thì phát hiện “ngài lụy”.
Ngay lập tức, các ngư dân tập trung vớt “ngài lên”, rồi tăng tốc chạy vào bờ rồi làm thủ tục chôn cất, xây thành lăng cho “ngài” ở bờ sông khu vực xã Phúc Thái Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Dù đã nhiều năm, giờ không làm nghề biển nữa, nhưng mỗi ngày lễ, tết gia đình đều hương khói đủ đầy.
“Theo tục lệ của người dân nơi đây, ai phát hiện “ngài lụy” thì dù mới trên đường ra khơi, hay đang đánh bắt cũng phải vớt “ngài lên” và khẩn trương chạy về bờ, chôn cất và để tang như để tang bố mẹ mình. Không biết chuyến đi đó có tiêu tốn bao nhiêu tiền dầu máy…”, ông Trinh nói và cho biết thêm:
Trong năm 2023, có 4 “ngài lụy”, được ngư dân Cửa Lò vớt vào bờ chôn cất, dự kiến khi “hết tang” sẽ đưa vào khu nghĩa trang ở đền.
Theo ngư dân nơi đây, ngày nay họ đi biển với một tâm thế khác xưa, không còn "sợ biển" như tổ tiên trước đây. Bởi lẽ, họ đã có thuyên to máy lớn, với nhiều phương tiện, thông tin hiện đại với đất liền. Thêm vào đó, mỗi ngày, mỗi giờ ngư dân đều cập nhật tình hình thời tiết nên tránh được những hiểm họa từ thiên nhiên ngoài biển khơi.
Thế nhưng, trong tâm thức của các ngư dân, cá ông vẫn là loài cá linh thiêng, là "vị thần" phù hộ cho họ được xuôi chèo mát mái. Vì thế, những tục lệ liên quan đến cá ông đến ngày nay vẫn được mọi người duy trì, thực hiện bằng cả tấm lòng thành. Tục thờ cúng đức ngư ông - cá voi thể hiện nét đẹp “đền ơn, đáp nghĩa” trong truyền thống văn hóa của người Việt nói chung.
Hàng năm, tại đền Làng Hiếu có nhiều kỳ lễ trọng nhưng quan trọng và quy mô nhất là lễ Cầu ngư ngày 15 tháng 3 âm lịch thu hút đông đảo nhân dân trong vùng, vùng phụ cận và du khách thập phương về dự.
Lễ Cầu ngư hay còn gọi là lễ Nghinh Ông, là dịp để dân làng thể hiện lòng tri ân đối với cá ông và các vị thần linh, đồng thời cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, xóm làng sung túc, người ra khơi bình yên trở về, đánh bắt được nhiều cá tôm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận