“Bến cóc” núp bóng văn phòng chuyển phát nhanh
Sáng 3/8, trong vai hành khách, PV Báo Giao thông gọi đến số hotline 096.222.6668 của nhà xe Trần Anh hỏi xe từ Hà Nội về Nghệ An, nhân viên xác nhận tối cùng ngày sẽ có hai xe (loại giường nằm thường và loại cabin) của nhà xe này đón khách từ văn phòng.
Văn phòng chuyển phát nhanh hoá "bến cóc" của xe trá hình tuyến cố định.
Khách có thể đến văn phòng ở số 12 Phạm Văn Đồng (nếu gần khu vực bến xe Mỹ Đình) hoặc số 11 Trần Thủ Độ (nếu ở quanh khu vực bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát).
Theo ghi nhận của PV, các xe trá hình tuyến cố định của nhà xe Trần Anh sẽ xuất phát từ văn phòng ở Phạm Văn Đồng trong khoảng thời gian từ 21h - 22h đêm và di chuyển ra khu vực bến xe Nước Ngầm hoặc văn phòng ở Trần Thủ Độ để đón thêm khách trước khi rời Hà Nội về Nghệ An, Hà Tĩnh.
Phía ngoài các văn phòng ở Phạm Văn Đồng hay Trần Thủ Độ (Hà Nội) đều treo biển chuyển phát nhanh hàng hoá nhưng thực tế lại là một “bến cóc” gom khách lẻ cho các xe khách trá hình.
Ghi nhận của PV tối 2/8 (5 ngày sau khi PV Báo Giao thông phối hợp với CSGT kiểm tra xử lý xe khách của nhà xe này) tại văn phòng ở 12 Phạm Văn Đồng, vẫn có khá nhiều khách đến văn phòng mua vé (thực tế chỉ là phiếu nhận hàng ghi giá tiền, vị trí ghế, biển số xe thay cho vé) và ngồi chờ xe. Dưới lòng đường, xe trá hình chờ xếp khách và hàng hoá lên xe nhộn nhịp.
Tại đây, nhân viên nhà xe cũng sẽ trực tiếp thu tiền hành khách với giá 250.000 đồng/giường/người nằm đối với xe thường và 400.000 đồng/cabin/người đối với xe giường kiểu cabin.
Đáng chú ý, nhân viên nhà xe tiếp tục xác nhận với PV đối với xe cabin có thể xếp hai khách/cabin với giá 500.000 đồng/cabin dù theo quy định mỗi cabin chỉ được xếp một người.
Theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội cho biết, việc xếp hai khách một cabin sẽ làm tăng nguy cơ mất ATGT của phương tiện trong quá trình di chuyển do làm lệch trọng tâm, mất cân bằng của xe, đặc biệt khi di chuyển trên đường đồi núi, nhiều khúc cua sẽ khiến lực li tâm, trọng tâm xe thay đổi không còn đúng theo thiết kế của nhà sản xuất dựa trên tính toán khi xếp “tải” cân bằng và đủ “tải” trên các cabin.
Xe hợp đồng trá hình nhà xe Trần Anh vẫn gom đón khách lẻ tại văn phòng chở theo tuyến cố định Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh dù loạt xe trá hình của nhà xe này đã bị kiểm tra, xử lý.
Liên tục tái phạm
Cần phải nói rằng sau loạt bài điều tra “Hàng nghìn xe bỏ bến đi đâu” của Báo Giao thông, ngày 5/7, xe khách BKS 29B-128.83 của nhà xe Trần Anh đã bị thanh tra giao thông (TTGT) Hà Nội kiểm tra, xử lý và tiến hành tước phù hiệu do vi phạm lỗi “Đón hành khách tại nơi cấm đỗ”, “Điều khiển xe vận chuyển khách du lịch không có hợp đồng vận chuyển theo quy định”.
Đến ngày 28/7, PV tiếp tục phối hợp với Đội CSGT số 6 Công an TP Hà Nội phát hiện xe khách này dù bị tước phù hiệu vẫn hoạt động, gom đón khách tại văn phòng số 12 Phạm Văn Đồng cùng 2 xe khách BKS 29B-600.06 và 29B - 603.38.
Tổ công tác Đội CSGT số 6 cũng lập biên bản đối với hành vi vi phạm đón hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ và điều khiển xe chở hành khách không có phù hiệu theo quy định đối với tài xế điều khiển xe 29B-128.83 và lỗi đón hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ đối với tài xế xe 29B-603.38.
Tuy nhiên, thay vì khắc phục sai phạm, nhà xe Trần Anh lại “nhờn luật” tiếp tục tái diễn vi phạm khi đưa chiếc xe giường nằm khác cũng mang phù hiệu xe hợp đồng BKS 29B-622.26 về đón khách trước văn phòng ở Phạm Văn Đồng vào khoảng 21h10 tối 2/8.
Sau gần 50 phút đỗ ngay trên đường Phạm Văn Đồng chờ đón khách và nhận hàng hoá, khoảng 21h57, tài xế cho xe lùi lại để lên cầu Mai Dịch theo Vành đai 3 ra bến xe Nước Ngầm gom thêm khách tại đây.
Sáng 3/8, nhân viên nhà xe này cũng tiếp tục tư vấn giá vé khách lẻ cho PV theo tuyến từ Hà Nội - Nghệ An.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, các xe kinh doanh vận tải đã gắn thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe nhưng cơ quan quản lý chưa khai thác sử dụng dữ liệu một cách triệt để.
Ông kiến nghị cần quy định thời hạn cấp phù hiệu các xe hợp đồng ngắn lại, dao động từ 6 tháng đến 1 năm. Giữa 2 kỳ cấp phù hiệu cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng để rà soát việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải, quy định về Luật GTĐB, việc gửi hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, vé điện tử có đầy đủ hay không. Nếu chấp hành nghiêm thì cấp lại phù hiệu, còn vi phạm thì thu hồi có thời hạn. Trường hợp tái diễn nhiều lần cần thu hồi phù hiệu vĩnh viễn.
Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Vận tải - Bộ GTVT cho biết, để dẹp vấn nạn “xe dù, bến cóc”, trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) rất quan trọng, vì nắm bắt sát sao địa bàn, do đó cần quyết liệt trong quản lý, xử lý vi phạm của loại xe trá hình tuyến cố định này, đặc biệt là tình trạng gom khách lẻ tại văn phòng.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp của lực lượng CSGT, TTGT trong xử lý tình trạng lặp đi lặp lại dừng đỗ đón/trả khách tại một tuyến phố, ứng dụng camera giao thông để phạt nguội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận