Giá dầu có thời điểm chạm mức thấp nhất trong vòng 7 tháng
Kỳ điều hành giá ngày 15/8, giá xăng dầu trong nước tăng trở lại (mức tăng 160-180 đồng/lít), sau 5 phiên giảm liên tiếp gần 2.000 đồng mỗi lít.
Diễn biến này, theo Bộ Công thương, là do biến động của giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới biến động mạnh, bởi những biến động từ dầu thô.
Theo ghi nhận, trong tháng 7, giá dầu thô WTI và dầu Brent đã chịu sức ép rất lớn. Với 4 tuần suy yếu liên tiếp, giá dầu thế giới đã giảm gần 15% trong giai đoạn này và có thời điểm đã chạm mức thấp nhất trong vòng 7 tháng.
Một trong những nguyên nhân chính và có tác động mạnh nhất tới xu hướng giá này là các dữ liệu kém tích cực của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như nhu cầu suy yếu tại quốc gia này.
Cụ thể, dữ liệu công bố ngày 15/7 của Tổng cục Thống kê nước này cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2024 chỉ đạt 4,7% so với cùng kỳ 2024, thấp hơn so với dự báo 5,1% của giới phân tích. Dữ liệu tăng trưởng thất vọng của nền kinh tế số 2 thế giới đã tạo ra sự "u ám" bao trùm lên thị trường năng lượng thế giới.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc mất dần đi động lực tăng trưởng kinh tế cũng đã gây sức ép lên nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, quốc gia vốn được coi là đầu tàu cho tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 9,97 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Tuy nhiên, trong thời gian trở lại đây, sức ép trên thị trường đã gần như biến mất sau khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông có chiều hướng gia tăng.
Dữ liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/8 giá dầu WTI chạm ngưỡng 78,35 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent đóng cửa tại 81,19 USD/thùng. Như vậy chỉ trong vòng hơn một tuần, giá dầu đã tăng hơn 5% giá trị.
Ngoài yếu tố rủi ro địa chính trị, bài toán lạm phát, tăng trưởng và chính sách tiền tệ của Fed dần có lời giải cũng là động lực thúc đẩy đà tăng của giá dầu. Lạm phát Mỹ tháng 7 tăng 2,9% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 3% của tháng 6 và là tháng giảm tốc thứ 4 liên tiếp. Điều này đã khiến niềm tin Fed xoay trục chính sách trong tháng 9 ngày càng được củng cố.
Theo công cụ theo dõi lãi suất của CME Group, hiện thị trường gần như đặt cược 100% vào việc Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất một lần trong tháng sau. Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị hạ lãi suất trong năm nay được coi là một trong những chất xúc tác chính hỗ trợ cho giá, khi chi phí cơ hội của việc nắm giữ bắt đầu giảm bớt.
Đà tăng duy trì trong ngắn hạn, sức nóng giảm bớt về cuối năm
Đánh giá về triển vọng giá trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang, Phó ổng giám đốc MXV cho rằng, giai đoạn hiện tại, yếu tố cung cầu sẽ hỗ trợ giá trong ngắn hạn, giá dầu thế giới có thể tiếp tục diễn biến quanh vùng 80 USD/thùng, ít nhất cho tới cuối quý III, trùng với thời điểm thị trường kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất.
Tuy nhiên sức ép có thể quay về chi phối thị trường sau khi mùa tiêu thụ cao điểm đi qua và OPEC+ dần bơm thêm nguồn cung vào thị trường.
Song, xét về cán cân cung cầu dầu thô hiện tại, trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vẫn giữ vững dự báo thị trường sẽ duy trì trạng thái thâm hụt nguồn cung trong năm 2024 với con số 580.000 thùng/ngày. Ước tính mới nhất của EIA thậm chí còn cao hơn 80.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó một tháng của tổ chức này bất chấp "gam màu xám" của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này cho thấy, sức nóng trên thị trường có chăng sẽ chỉ vơi bớt vào thời điểm cuối năm vì quý III thị trường vẫn còn chứng kiến mức thâm hụt lớn.
Với diễn biến tình hình chính trị ở Trung Đông, đại diện MXV cho rằng, với vị thế quan trọng trên bản đồ năng lượng thế giới với một loạt các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu dầu thô hàng đầu, kịch bản leo thang xung đột sẽ là yếu tố đẩy giá dầu lên ngưỡng 85-90 USD/thùng, hay thậm chí có thể chạm mốc 3 con số.
Ở chiều ngược lại, cũng cần lưu ý rằng nhóm xuất khẩu OPEC+ vẫn để ngỏ khả năng có thể bổ sung dần nguồn cung ra thị trường bắt đầu từ tháng 10. Tuy nhiên, theo ông Dương Đức Quang, các thành viên như Saudi Arabia, Nga, Iraq sẽ không vội vàng dỡ bỏ ngay chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện của họ, vì điều này có thể làm sụp đổ nỗ lực ổn định thị trường dầu thô của nhóm. Thêm vào đó, đứng ở vị thế các nước xuất khẩu, OPEC+ tất nhiên sẽ không muốn giá dầu thế giới giảm quá sâu.
Giá xăng dầu thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá, dẫn tới giá trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá quốc tế, do đó, ông Quang cho rằng, vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động đến giá xăng dầu trong nước trong những tháng cuối năm xung quanh các yếu tố địa chính trị và động thái điều hành lãi suất của Fed...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận