Thị trường

Lộ điều bất ngờ từ kết quả kiểm tra loạt "ông lớn" xăng dầu

07/08/2024, 14:39

Lực lượng QLTT đã phát hiện một số doanh nghiệp không còn hoạt động, hoặc đang tạm dừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý. Việc kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục được Bộ Công thương thực hiện trong thời gian tới.

Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, lực lượng QLTT đã có báo cáo về kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp có nghi vấn.

Nhiều doanh nghiệp "bỏ" thị trường

Cụ thể, với Công ty cổ phần dầu khí Nam Long, lực lượng QLTT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối và xử phạt 35 triệu đồng về hành vi không đăng ký hệ thống phân phối.

Vi phạm tương tự cũng diễn ra tại Công ty TNHH thương mại và xây dựng Petrol Thành Phát HP; Công ty Cổ phần thương mại nhiên liệu Cửu Long; Công ty Cổ phần nhiên liệu Đông Sài Gòn. Các công ty này bị phạt 30 triệu đồng.

Công ty TNHH Lan Lê cũng bị phạt 95 triệu đồng với hành vi như không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu; không đăng ký hệ thống phân phối…

Lộ điều bất ngờ từ kết quả kiểm tra loạt "ông lớn" xăng dầu- Ảnh 1.

Công ty TNHH Hải Linh là một trong những thương nhân đầu mối xăng dầu có quy mô lớn tại miền Bắc, trụ sở tại Phú Thọ. Ảnh: Hồng Hạnh.

Điều đáng nói, qua kiểm tra, lượng lượng QLTT đã phát hiện một số doanh nghiệp không còn hoạt động, hoặc đang tạm dừng kinh doanh…

Đó là, Công ty Cổ phần dầu khí và dịch vụ Hàng Hải D.T.D. Trụ sở đóng tại P301C tòa nhà Việt Úc, lô 16 Lê Hồng Phong, phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng, không hoạt động kinh doanh, không treo biển hiệu của Công ty.

Qua xác minh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, công ty này và tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.

Kiểm tra Công ty TNHH thương mại xăng dầu Hoàng Lâm Petrol (Hải Phòng), trụ sở công ty này cũng không treo biển hiệu. Qua xác minh, công ty đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ ngày 29/12/2022.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ đầu tư và Phát triển Thành Phát, có trụ sở tại số 14/55/124 đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội…

Vẫn tiếp tục kiểm tra điều kiện kinh doanh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trong nửa đầu năm, thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối, hiện nay đang trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

Được biết, trong đợt kiểm tra này của Bộ Công thương, có Công ty TNHH Hải Linh - một trong những thương nhân đầu mối xăng dầu có quy mô lớn tại miền Bắc, có trụ sở tại Phú Thọ.

Sở Công thương Phú Thọ được đề nghị xác minh và cung cấp thông tin về cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của Hải Linh trên địa bàn tỉnh này. Bao gồm 9 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu và hàng chục cửa hàng thuộc 15 đại lý trực thuộc của công ty này.

Bộ Công thương cũng đề nghị Sở Công thương một loạt tỉnh khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh xác minh, cung cấp thông tin về đại lý bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Công ty Hải Linh trên địa bàn với hàng chục cửa hàng, đại lý trực thuộc.

Đối với việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân xăng dầu, bà Hiền đánh giá, 6 tháng đầu năm, các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công thương. Tuy nhiên, vẫn còn một số thương nhân chưa chủ động báo cáo để Bộ phải nhắc nhở.

Nguồn cung xăng dầu có ảnh hưởng?

Việc có hàng loạt doanh nghiệp rời thị trường, bà Hiền khẳng định, không ảnh hưởng đến tổng nguồn xăng dầu trong nước.

Theo bà, năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu Bộ Công thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là hơn 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

6 tháng đầu năm, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, trong đó: nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.

Lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 13,2 triệu m3 tấn. Tồn kho thời điểm 30/6 khoảng 1,85 triệu m3/tấn - tương đương 6 tháng đầu năm 2023.

Dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước 6 tháng cuối năm, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn. Ước tiêu thụ 6 tháng cuối năm khoảng 13,2 triệu m3/tấn (bình quân khoảng gần 2,2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho từ 1,8-2 triệu tấn. 

"Như vậy, nguồn cung xăng dầu sẽ đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp sản xuất", bà Hiền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.