Vùng đất thiêng
Sẽ có 10 vận động viên ưu tú được lựa chọn tham giải chạy tiếp sức THACO Marathon vì An toàn giao thông Điện Biên Phủ 2024 xuất phát lúc 11h ngày 10/4 từ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình), mang theo phiên bản của lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng về Sở chỉ huy trên Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Đây là giải chạy do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Báo Giao thông, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức diễn ra từ ngày 10 đến 14/4/2024 nhằm dành sự tri ân, kính trọng, biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ và những người đã hy sinh, đã tham gia vào chiến dịch làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần rất lớn cho việc giành độc lập dân tộc của đất nước.
Thấm thoắt đã 11 năm trôi qua, kể từ khi mảnh đất thiêng Vũng Chùa - Đảo Yến tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch đón linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ ngàn thu.
Hơn một thập kỷ qua, Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành địa chỉ thiêng liêng để người dân khắp mọi miền Tổ quốc hướng về.
Theo "Đại Nam dư địa chí ước biên", Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra Biển Đông thoáng đãng nhưng kín gió.
Nơi đây được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành với thế "rồng cuộn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển" bằng đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây bắc.
Vũng Chùa nằm ẩn mình dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng Đông Nam, Vũng Chùa - Đảo Yến là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La.
Vũng Chùa được bao bọc bởi các đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (còn có tên là đảo Yến vì trên đảo có nhiều chim yến về làm tổ).
Đảo Yến rộng khoảng 10ha, cách bờ 1km, vẻ đẹp hoang sơ như bức bình phong nổi lên giữa biển, giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn nên tàu, thuyền thường vào đây neo đậu tránh trú.
Trước đây, mảnh đất thiêng này vẫn rất hoang vu, xa lạ ít người biết đến, chỉ đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng, mảnh đất thiêng này đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho hàng vạn người dân Việt Nam tìm đến dâng hương, viếng mộ vị tướng tài ba và chiêm bái cảnh quan.
Cùng với đó, địa danh Vũng Chùa nằm trong quần thể Khu kinh tế Hòn La nên được tỉnh Quảng Bình đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình, nhà máy đã mọc lên, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II đang được triển khai xây dựng, nơi đây đang thực sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Địa chỉ đỏ du lịch tâm linh
Hơn một thập kỷ trôi qua, kể từ ngày Vũng Chùa - Đảo Yến đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ, vùng đất linh thiêng này chưa lúc nào ngớt những dòng người hành hương về viếng thăm.
Cũng từ đó, xã Quảng Đông từ một vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang đã có những bước đổi thay tích cực, được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Các tuyến đường ven biển, đường vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều được nâng cấp, thuận tiện cho việc lưu thông, đi lại.
Vẫn luôn tay mải miết với công việc dọn dẹp, chăm sóc cây ở khu mộ, bác Nguyễn Tiến Bình (xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch) cho biết, từ khi Đại tướng chọn nơi đây để "yên giấc ngàn thu", chẳng ngày nào không có người đến viếng. Đặc biệt, những dịp lễ, Tết hoặc những ngày lễ lớn của dân tộc thì lượng khách đến viếng thăm càng đông hơn.
"Thời điểm này tương đối ít khách viếng thăm nhưng chúng tôi ước tính cũng khoảng từ 500 đến 600 lượt người đến viếng", ông Bình cho biết.
Hòa cùng đoàn người lặng lẽ tiến bước, anh Nguyễn Tiến Hùng (Nghệ An) cho biết: Tôi nhiều lần đến xã Quảng Đông, mỗi khi đến đây, điều đầu tiên tôi làm là vào dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nơi yên nghỉ của Đại tướng vừa linh thiêng vừa hữu tình với cảnh sắc hoang sơ của núi rừng, biển đảo. Nhìn từ xa, Đảo Yến toát lên dáng vẻ một thế núi uy nghi trấn giữ đất liền và biển cả.
Theo lãnh đạo UBND xã Quảng Đông, hiện công tác quản lý, bảo vệ mộ Đại tướng đã được lực lượng bộ đội biên phòng bàn giao cho gia đình thực hiện.
Sau 4 năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19 và tu sửa nhiều hạng mục, từ đầu tháng 11/2023, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở cửa trở lại để người dân, du khách có thể viếng thăm, dâng hương.
Theo ghi nhận, mặc dù lượng khách đến viếng thăm, dâng hương khá lớn nhưng công tác quản lý, bảo vệ và hướng dẫn được thực hiện rất tốt, tạo không khí trang trọng, lịch sự và trật tự.
Trước tết Nguyên đán Giáp Thìn, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về Vũng Chùa - Đảo Yến sửa soạn ban thờ, dọn dẹp khu mộ và tổ chức gói bánh chưng, dâng hương. Dịp này các con cháu của Đại tướng cũng mang về trồng trong khuôn viên khu mộ rất nhiều loại cây.
Bà Nguyễn Thị Thanh (người bán đồ lễ phục vụ du khách) cho biết, bà và nhiều người dân xã Quảng Đông kiếm được thêm thu nhập từ việc bán hàng phục vụ người dân đến thắp hương viếng Đại tướng.
"Mỗi ngày chúng tôi bán hương, hoa ở đây cũng kiếm được khoản tiền kha khá đủ để trang trải cuộc sống. Kể từ khi đón Đại tướng về, vùng đất này chưa lúc nào ngớt những dòng người hành hương", bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông thông tin, kinh tế của xã Quảng Đông vốn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản trên biển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xã đã chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển du lịch, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân.
Hiện, trên địa bàn xã có gần 100 nhà hàng, khách sạn đủ sức phục vụ một lượng lớn khách du lịch khi đến với Quảng Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận