Người dân lo "đội giá" vào mùa nắng nóng
Giá điện bình quân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng lên mức 1.920,3732 đồng/kWh kể từ ngày 4/5. Từ đó, giá điện sinh hoạt cũng tăng thêm từ 50-88 đồng mỗi số điện, tuỳ bậc thang (biểu giá 6 bậc thang).
Mặc dù theo tính toán của EVN, với mức giá mới, mỗi hộ tiêu dùng điện chỉ phải trả thêm từ 2.500-36.000 đồng mỗi tháng, nhưng nhiều gia đình vẫn dấy lên nỗi lo “chi phí bị đội lên cao thời điểm nắng nóng”.
Ông Nguyễn Quang Hùng (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết, lâu nay, mỗi tháng tiền điện của gia đình ông hết hơn 1,5 triệu đồng, nhưng vào thời điểm hè lên tới 3-3,5 triệu. Tới đây, ngoài khoản chi tăng theo giá điện mới thì tiền điện thực tế gia đình ông Hùng còn đội lũy kế theo mức tiêu dùng ở bậc thang cao. Kèm với đó, là mối lo nhiều sản phẩm khác có thể tăng, "ăn theo" giá điện. "Nếu không kiểm soát tốt thì dù mỗi thứ tăng một chút, nhưng cộng dồn lại, chi tiêu gia đình cũng chịu tác động không nhỏ", ông Hùng nói.
Cần 1-2 tháng để đánh giá mức tiêu hao năng lượng ảnh hưởng như thế nào tới giá thành sản xuất, kinh doanh
Tương tự, ông Trần Thanh ở xã Xuân Hoà (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, bình thường mỗi tháng, gia đình ông phải trả khoảng 600.000 đồng tiền điện, nhưng 2 tháng trở lại đây, tiền điện ngốn hơn 1 triệu đồng khi ông lắp thêm máy bơm nước.
Ông lo lắng, chi phí tiền điện của gia đình có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 vào những ngày hè, khi phải sử dụng nhiều máy bơm do nước giếng cạn kiệt.
Cùng chung nỗi băn khoăn chi phí gia tăng, bà Nguyễn Mai Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trung bình 1 tháng, gia đình bà phải trả 2,5-3 triệu đồng tiền điện, mùa hè dùng nhiều hết khoảng 4 triệu đồng.
Mấy ngày qua, bà phải giảm thời gian bật điều hoà để tiết kiệm chi tiêu. Theo bà, năm nay việc kinh doanh buôn bán của gia đình khó khăn, doanh thu giảm gần một nửa, nên việc tiêu dùng điện cũng phải tính toán.
Lo lắng của ông Hùng, ông Thanh, hay bà Hoa cũng là tâm lý chung của hầu hết người dân sau khi giá điện tăng.
Doanh nghiệp tìm cách giữ giá sản phẩm
"Giá điện tăng, giá hàng hoá có tăng?". Trả lời câu hỏi của PV, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, hiện nay hệ thống siêu thị BRG phủ sóng khá rộng và lượng tiêu thụ điện năng trong 1 tháng cũng tương đối lớn.
Tuy nhiên, để đánh giá tác động của tăng giá điện tới giá thành sản xuất, kinh doanh thì phải sau 1-2 tháng mới có dữ liệu về mức tiêu hao năng lượng.
Song, theo bà Dương, trong bối cảnh chung hiện nay, các siêu thị đều mong muốn tiếp tục kích cầu tiêu dùng, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm.
“Vì thế, hệ thống siêu thị BRG sẽ cố gắng tiết giảm và thay thế trang thiết bị để tiết kiệm điện và vận hành hiệu quả nhất để giữ giá sản phẩm”, bà Dương cho hay.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT cho biết: Trung bình mỗi tháng tiền điện của doanh nghiệp hết khoảng hết 200 triệu đồng. Khi giá điện tăng 3%, DN cũng tính toán lại các chi phí sản xuất, thay thế thiết bị cũ, sản xuất tránh vào khung giờ cao điểm… để tiết giảm chi phí.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, dù tăng khiêm tốn nhưng giá điện sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế, tác động đến người sản xuất, giá thành sản phẩm.
“Việc tăng giá điện cũng là sức ép để doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm điện”, ông Doanh nói và khuyến nghị đây là thời điểm cần tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện, để dần trở thành thói quen.
Để ngăn việc “té nước theo mưa” khi giá điện tăng, chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần yêu cầu tất cả doanh nghiệp đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá…để tránh tình trạng điện tăng 3% thì doanh nghiệp cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận