Bóng đá

Lo cho tham vọng của đội tuyển Việt Nam

08/06/2020, 14:08

Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu cao cho hai giải đấu vào cuối năm nhưng những diễn biến thực tế cho thấy tình hình nhân sự có thể biến động.

img
Trọng Hoàng bị rách cơ đùi, phải nghỉ thi đấu ít nhất 3 tuần

Điều này sẽ ảnh hưởng tới tham vọng của thầy trò HLV Park Hang-seo.

Lo những đôi chân

Bóng đá Việt Nam đã tái khởi động sau giai đoạn nghỉ vì dịch Covid-19 với các trận đấu tại cả ba giải chuyên nghiệp gồm: Cúp Quốc gia 2020, Giải hạng Nhất 2020 và V-League 2020. Việc các giải quốc nội trở lại sớm là tiền đề để HLV Park Hang-seo thực hiện kế hoạch về nhân sự cho đội tuyển Việt Nam. Trong bối cảnh đoàn quân áo đỏ phải tham dự hai đấu trường quan trọng gồm: AFF Cup 2020 và Vòng loại World Cup 2022, HLV Park đương nhiên cảm thấy vui mừng khi bóng lăn trở lại. Suốt những ngày qua, nhà cầm quân người Hàn Quốc cùng cộng sự đã liên tục “vi hành” nhằm tuyển chọn lực lượng.

Mặc dù vậy, bên cạnh tín hiệu tích cực đó, giới chuyên môn cũng không khỏi lo lắng khi nhiều trụ cột của đội tuyển Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe. Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh dính chấn thương ở trận gặp Thanh Hóa tại vòng 1/8 Cúp Quốc gia hôm 30/5. Các bác sĩ nói anh cần nghỉ ngơi nhưng chân sút gốc Hải Dương vẫn kiên quyết ra sân ở V-League cuối tuần qua. Hệ quả, anh chơi cực mờ nhạt trước Sài Gòn FC. Đáng nói hơn, việc phớt lờ chỉ định của bác sĩ có thể khiến chấn thương diễn biến phức tạp.

Một tiền đạo khác là Hà Đức Chinh cũng chấn thương ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia và phải nghỉ 2 - 3 tuần. Cầu thủ quê Phú Thọ còn gặp một rắc rối khác là bệnh viêm gan siêu vi B. Theo tiết lộ của HLV Lê Huỳnh Đức, Chinh không thể duy trì cường độ tập luyện và thi đấu cao trong thời gian dài. Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn hay tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh đau nhẹ, tuy chưa đến mức phải nghỉ thi đấu nhưng rõ ràng bộ đôi HAGL chưa thực sự sẵn sàng.

Dưới hàng thủ, hậu vệ Nguyễn Trọng Hoàng bị rách cơ đùi khi Viettel thắng An Giang. Anh dự kiến cũng mất ít nhất 3 tuần để điều trị. Phạm Xuân Mạnh tái phát chấn thương dây chằng và cần 2 - 3 tháng nghỉ ngơi.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, việc nhiều tuyển thủ gặp vấn đề sức khỏe sau khi trở lại xuất phát từ việc các đội bóng phải nghỉ quá dài. “Với thể thao hiện đại, thể lực là số một, tăng tải là tiên quyết. Thông thường trước mỗi mùa giải, các đội bóng sẽ có 2 - 3 tháng chuẩn bị, tập luyện tích cực. Nếu có ngắt quãng thì cũng chỉ 1 - 2 ngày. Nhưng thời gian qua, các CLB nghỉ quá dài, đa phần chỉ tập duy trì nên sẽ không tích lũy được thể lực. Khi chuyển trạng thái sang thi đấu, phải tăng tải, tức cường độ vận động mạnh hơn đột ngột sẽ dễ dẫn tới chấn thương”, ông Thủy nhận xét.

Đồng quan điểm, bình luận viên Ngô Quang Tùng khẳng định: “Đó là quy luật hết sức bình thường. Nguy cơ chấn thương cao đến với mọi cầu thủ bởi anh vừa trải qua một giai đoạn nghỉ, tập ít đã lao vào thực chiến, va đập nhiều. Đương nhiên, nó còn phụ thuộc và sức chịu đựng, nền tảng thể lực và thậm chí cả sự may mắn của mỗi cầu thủ”.

Bác sĩ Thủy còn lo ngại, trong thời gian tới, khi mật độ thi đấu dày, cộng với nền tảng thể lực không đảm bảo, sẽ xuất hiện thêm nhiều ca chấn thương. Nếu kịch bản này xảy ra, tham vọng của đội tuyển Việt Nam sẽ bị tác động không nhỏ. Nên nhớ, nhà đương kim vô địch AFF Cup hiện cũng còn nhiều ca chấn thương nặng như của Đỗ Duy Mạnh, Lương Xuân Trường, Trần Đình Trọng.

Đi tìm giải pháp

Trước thực trạng như đã nêu, theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, các đội bóng cần phải lên giáo án tập luyện phù hợp, giúp cầu thủ tích lũy thể lực. “Điều này không đơn giản bởi từ nay tới cuối mùa lịch thi đấu đã kín. Cầu thủ phải vừa tập vừa đấu, không thể nhồi thể lực quá nặng bởi như vậy sẽ ảnh hưởng tới phong độ. Nhưng cũng không thể tập nhẹ vì sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương.

Trong thể thao đỉnh cao, VĐV cần đảm bảo 4 yếu tố nhanh - mạnh - khỏe - khéo. Các CLB nên dựa vào tiêu chí này để đưa ra phương pháp tập luyện sao cho phù hợp. Đặc biệt, giáo án cần có sự chuyên biệt chứ không nên đánh đồng ở thời điểm này bởi cơ địa của mỗi cầu thủ khác nhau. Áp dụng chung giáo án có thể không đem lại hiệu quả mà còn phản tác dụng”, ông Thủy phân tích.

Cũng theo ông Thủy, để tránh chấn thương, các cầu thủ cần có ý thức chuyên nghiệp trong sinh hoạt, tập luyện, thi đấu: “Không ai hiểu cơ thể chúng ta bằng chính chúng ta. Trước khi chờ đợi tác động từ bên ngoài, cầu thủ phải tự giúp mình bằng việc có thời khóa biểu khoa học, lối sống lành mạnh và tích cực tập luyện. Chỉ như vậy mới giúp các em giảm thiểu nguy cơ chấn thương”.

Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, việc cầu thủ tự nắm bắt thể trạng của mình không những nhằm tự điều chỉnh mà còn phải thông tin lại cho ban huấn luyện, đội ngũ y tế. “Điều này giúp ban huấn luyện hay nhân viên y tế kịp thời đưa ra quyết định liên quan tới cầu thủ, đặc biệt là thi đấu hay không thi đấu. Tôi biết có nhiều bạn bị đau nhưng không nói, cố gắng vào sân rồi chấn thương”, ông Tùng nói.

Về lo lắng đội tuyển Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt nhân sự do chấn thương, ông Tùng hiến kế: “Đội ngũ y tế của đội tuyển và các CLB nên có sự liên kết chặt chẽ. Khi quân lên tuyển, CLB cần đính kèm hồ sơ về thể lực, bệnh lý, chấn thương đang gặp. Ngược lại, các chuyên gia ở đội tuyển phải lắng nghe, trao đổi với phía CLB để đảm bảo sự chăm sóc hoặc sử dụng cầu thủ một cách tốt nhất. Thời gian qua không hiếm trường hợp CLB nói một đằng, đội tuyển nói một nẻo, cuối cùng cầu thủ là người chịu thiệt. Nói nôm na, lợi ích của CLB và lợi ích của đội tuyển phải hòa làm một, chứ không thể tính toán ích kỷ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.