Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định xăng dầu mới, thay thế cho các nghị định trước đây như Nghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu. Theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần (giá tối đa) quy định.
Giá trần được tính trên nguyên tắc cộng các chi phí như tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế.
Theo cơ chế được đề xuất, cơ quan Nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần.
"Thụt lùi" so với hiện hành
VCCI nhận định, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành.
Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nói thẳng, đề xuất mới không có quy định đột phá, đổi mới về giá, thậm chí còn "kênh" so với Luật Giá.
Ông Thoả phân tích, dự thảo quy định, doanh nghiệp được quyền quy định giá không vượt quá giá trần, nhưng phải tính theo các yếu tố cấu thành giá do Nhà nước hướng dẫn, cách tính mức chi phí của yếu tố hình thành giá được tính bao nhiêu do Nhà nước quy định.
Như vậy, dù có thay cách quản lý hiện hành là Nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ để doanh nghiệp định giá bằng Nhà nước không công bố giá mà công bố chi phí để doanh nghiệp định giá thì không thay đổi bản chất là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng giá trần, trong đó có những loại chi phí thị trường.
Thậm chí, ông Thoả cho rằng, đề xuất mới "thụt lùi" hơn so với quy định hiện hành. Ở chỗ, Bộ Công thương chưa công bố các yếu tố hình thành giá thì doanh nghiệp chưa được quyết công bố giá. Doanh nghiệp chỉ có nhiệm vụ thực hiện phép tính cộng toàn bộ các chi phí hình thành giá đã được Nhà nước quy định sẵn để hình thành mức giá của mình.
"Đây là những quy định mâu thuẫn với Luật Giá khi Luật Giá quy định xăng dầu không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá mà là mặt hàng do doanh nghiệp định giá theo cơ chế giá thị trường.
Nhà nước nếu có quy định giá tối đa thì cũng chỉ can thiệp khi thực hiện bình ổn giá, chứ không phải chỉ áp đặt thường xuyên liên tục cả khi thị trường diễn biến bình thường như những dự thảo nghị định", ông Thoả nói.
Cứng nhắc, thiếu linh hoạt
Chủ tịch Hội Thẩm định Giá Việt Nam cũng đánh giá, một số chi phí cấu thành giá được quy định do Nhà nước công bố khá cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt theo thị trường.
Cụ thể, chi phí kinh doanh hiện hành sử dụng làm gốc để tính toán chi phí kinh doanh hàng năm, thế nhưng, loại chi phí này đang lạc hậu và bất hợp lí khi các yếu tố chi phí cấu thành đã biến động tăng như tiền lương, vận tải…
Ngoài ra, chi phí kinh doanh hàng năm được điều chỉnh không căn cứ vào chi phí kinh doanh thực tế của ngành xăng dầu mà căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thực tế năm trước do Tổng cục Thống kê công bố.
Trong khi đó, CPI là chỉ số đo lường lạm phát của nền kinh tế được tính từ số hàng hóa gồm 754 mặt hàng, bao gồm những mặt hàng không liên quan đến chi phí kinh doanh xăng dầu.
Mặt khác, các chi phí vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ được Bộ Công thương công bố 3 tháng 1 lần, trong khi có những chi phí thường xuyên biến động…
"Cung cách điều hành như trên hệ quả vẫn là chậm về phản ứng chính sách, luôn "lệch pha" với vận động thị trường, không có cạnh tranh thực sự về giá", ông Thoả nói và cho rằng, dẫn đến việc quy định Quỹ Bình ổn giá cũng "mập mờ", không rõ.
Kiểm soát độc quyền giá thế nào?
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, một số thương nhân trăn trở, quy định mới trao quyền cho thương nhân đầu mối tự quyết giá sẽ tạo nên thế độc quyền cho doanh nghiệp lớn.
"Thị phần xăng dầu đang do doanh nghiệp nhà nước là Petrolimex và PVOil chi phối, nên dù có gần 40 đầu mối xăng dầu, vẫn khó có thể có nhiều mức giá khác nhau mang tính cạnh tranh cho thị trường do các doanh nghiệp đầu mối có thị phần sẽ "neo" theo mức giá của các đầu mối lớn", một thương nhân lo ngại.
Để tránh sự độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường, một số thương nhân cho rằng, nên có quy định cụ thể về biên độ lợi nhuận so với chi phí giá đầu vào được Bộ Công thương quy định.
Ông cũng nhấn mạnh, giao quyền tự định giá cho doanh nghiệp nhưng không phải Nhà nước "buông" hoặc "thả nổi" để doanh nghiệp tự định giá, mà Nhà nước vẫn phải điều tiết và kiểm soát quyền tự định giá của doanh nghiệp bằng những hình thức thích hợp.
Như là, Nhà nước ban hành quy chế hướng dẫn tính giá xăng dầu, bao gồm: Căn cứ tính toán, phương pháp định giá chung, phương pháp tính từng khoản chi phí cấu thành giá cho tất cả các loại giá (bán buôn, bán lẻ).
Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc hình thành chi phí kinh doanh, lợi nhuận của từng khâu giá… để doanh nghiệp có chuẩn mực trong tính toán (được tính chi phí nào, cách tính và mức độ được tính)… để tự quyết định giá.
Cơ quan giám sát sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm việc thực hiện quyền định giá của doanh nghiệp để xem xét, kiểm tra việc định giá theo quy chế tính giá, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường, liên minh lạm dụng, vị thể thống lĩnh thị trường định giá quá bất hợp lý gây phương hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận