Thêm một khách hàng vừa được Vietlott trao giải đặc biệt (Jackpot) gần 65 tỷ đồng khiến loại hình xổ số này càng thêm sức nóng |
Doanh nghiệp lo mất thị phần, địa phương lo hụt thu
Trong quán cà phê tại một con hẻm nhỏ quận Tân Bình (TP.HCM), anh Đỗ Hoài Chung cùng mấy người bạn đang chụm đầu trên chiếc smartphone bàn nhau chọn mua xổ số điện toán của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott). Trong lúc ấy, hai người bán vé số ngang qua chào mời đều đã bị nhóm bạn của anh Chung từ chối kèm lời giải thích: “Giải thưởng lớn đến mức khó tin, nhưng mà cũng thấy ham. Chơi xổ số kiến thiết hoài mà chưa đổi đời được, nay thử sang loại hình mới này xem vận may có tới không”.
Anh Chung là một trong số nhiều khách hàng “ruột” của xổ số truyền thống nay chuyển qua xổ số điện toán mới của Vietlott. Mới ra đời chưa lâu, song loại hình xổ số này đã “hâm nóng” thị trường xổ số, đặc biệt là sản phẩm Mega 6/45 khi liên tiếp công bố những trường hợp trúng thưởng vài chục đến gần trăm tỷ đồng. Sau khi “đổ bộ” 5 tỉnh tại Đông và Tây Nam bộ (Cần Thơ, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), Vietlott cũng công bố trong quý IV sẽ mở rộng địa bàn ra: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội và tiến tới là Hải Phòng, Quảng Ninh vào đầu năm 2017.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, đã nhận được phản ánh của đại diện các công ty XSKT miền Nam. Ông Nam cho hay, bước đầu chưa thể khẳng định Vietlott có vi phạm hay không. “Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ sự việc. Khi nào có kết quả sẽ công khai với báo chí”, ông Nam nói. Cũng liên quan đến phản ánh này, đại diện Bộ Tài chính cho PV Báo Giao thông biết đã có kết luận về vụ việc song không tiết lộ chi tiết. Hoàng Ngân |
Trái với sự hào hứng và kỳ vọng của Vietlott là sự lo lắng, bức xúc của nhiều doanh nghiệp xổ số truyền thống. Tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam tổ chức hồi cuối tháng 10 mới đây, lãnh đạo công ty xổ số các tỉnh, thành đã “tố” xổ số điện toán cạnh tranh không lành mạnh khiến cho kinh doanh của họ bị ảnh hưởng, làm thất thu ngân sách của địa phương, đồng thời gửi văn bản lên Bộ Tài chính kiến nghị nội dung này.
Nỗi niềm của các doanh nghiệp xổ số truyền thống cũng là dễ hiểu bởi với vị thế độc quyền, từ khi ra đời đến nay, các doanh nghiệp xổ số không cần đầu tư vốn lớn, không cần đổi mới mô hình quản trị, công nghệ cũng như sản phẩm cũng vẫn tăng trưởng ổn định, doanh thu lớn, thu nhập người lao động cao. Đơn cử như: Công ty XSKT Tiền Giang, năm 2015, thu nhập bình quân người lao động lên tới gần 29 triệu đồng/người/tháng; 4 viên chức quản lý 57,6 triệu đồng/người/tháng (nhiều năm trước cũng ở mức cao tương tự). Doanh nghiệp này cũng được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của địa phương. Trong một cuộc họp báo hồi đầu năm 2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức cho biết: “Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, với 80.000 công nhân, nộp ngân sách khoảng 1.300 tỷ đồng cũng chỉ tương đương với phần nộp ngân sách của Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang”.
Tương tự, tại nhiều địa phương, dù đã cơ cấu nguồn thu theo hướng tăng thu nội địa như thu từ đất, khu vực doanh nghiệp, dịch vụ... song, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của ngành xổ số vẫn rất lớn, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Ước tính bình quân giai đoạn 2008 - 2010, nguồn thu từ xổ số kiến thiết đóng góp hơn 27% tổng thu ngân sách các tỉnh này; cá biệt như Hậu Giang lên đến gần 48%, Vĩnh Long hơn 46%... Do vậy, nếu các công ty xổ số truyền thống bị cạnh tranh dẫn tới giảm thị phần, doanh thu, ngân sách các địa phương này chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Xổ số không nên “ngăn sông cấm chợ”
Vậy Vietlott có vi phạm Luật Cạnh tranh? Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico bình luận, việc “tố” nhau giữa các doanh nghiệp xổ số có thể xuất phát nguy cơ Vietlott đã và đang làm thu hẹp lại miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp xổ số truyền thống nhiều năm vốn giữ vị thế độc quyền. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số và lợi nhuận của những công ty xổ số truyền thống. Thậm chí, rất có thể nhiều công ty xổ số sẽ bị dồn tới bước phá sản do loại hình mới thể hiện được các ưu thế như tính phổ biến rộng rãi hơn, hấp dẫn hơn, chi phí phát hành ít hơn, thuận tiện cho người mua...
Chưa đánh giá Vietlott có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không vì chưa có thông tin rõ ràng về thị phần, song ông Đức cho rằng, kể cả khi Vietlott nắm thị phần chi phối cũng không có nghĩa là cấm tuyệt đối công ty này không được kinh doanh mà sẽ chỉ chịu một số hạn chế nào đó.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia trong ngành Tài chính bày tỏ, ông không hiểu có quy định hay thỏa thuận bất thành văn nào hay không mà các công ty xổ số lâu nay chia khu vực, địa bàn để kinh doanh thành miền Bắc - Trung - Nam và không “ông” nào phạm vào địa bàn của “ông” nào. Cho nên, nếu người dân ở Hà Nội muốn mua xổ số của TP.HCM không được và ngược lại. “Thực tế này như ngăn sông cấm chợ. Đáng lý, người dân có thể được mua xổ số của công ty nào họ muốn hay một công ty xổ số có thể bán trên phạm vi toàn quốc”, vị này nói và đặt vấn đề, nếu cả nước chỉ có một công ty xổ số cũng không sao vì “ở đây không có sự cạnh tranh về giá và đằng nào tiền cũng sẽ vào ngân sách mà lại dễ quản lý, tiết giảm chi phí”.
Góc tiếp cận này không phải thiếu cơ sở vì nhiều công ty xổ số truyền thống hiện có doanh thu cao nhưng chi phí cũng rất lớn, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Đơn cử như Công ty XSKT Tiền Giang, năm 2015 có doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.931,1 tỷ đồng thì giá vốn bán hàng cũng lên tới 2.375,9 tỷ đồng. Hay Công XSKT Hậu Giang có doanh thu từ xổ số 1.540 tỷ đồng nhưng chi phí cũng tới là 1.058,5 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí trực tiếp phát hành xổ số 282,1 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận