Thông tin khách hàng bị "bêu" trên mạng"
Một số lái xe taxi công nghệ khi không hài lòng về khách hàng, họ sẵn sàng công khai thông tin của khách lên mạng xã hội để bêu riếu, châm chọc.
Anh N.Q.H, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội phản ánh, cách đây không lâu anh nhận được khá nhiều cuộc gọi từ những số máy lạ với những lời lẽ tục tĩu, giọng điệu gay gắt mang tính lăng mạ.
Quyền tự do riêng tư của người dân sử dụng dịch vụ taxi công nghệ dễ bị tiết lộ, theo dõi - Ảnh minh họa
Cũng theo anh H, các cuộc gọi này là phê phán việc anh gọi xe taxi Grab nhưng lại yêu cầu lái xe phải đi vào tận cửa, trong khi đó lối vào thì vừa nhỏ vừa lòng vòng. Lái xe yêu cầu khách hàng hủy chuyến vì không đáp ứng được yêu cầu thì khách hàng kiên quyết không hủy.
Tìm hiểu thêm, anh H được biết, thông tin cá nhân của mình đã được một lái xe đưa lên một diễn đàn mạng với các thành viên chủ yếu là các lái xe taxi công nghệ mang tính “cảnh báo” về đối tượng khách hàng cần tránh.
Không chỉ số điện thoại, tên, địa chỉ nhà riêng, khách hàng sử dụng dịch vụ taxi công nghệ còn có nguy cơ lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, thẻ visa.
Một số khách hàng không hài lòng về chất lượng dịch vụ, khi kết thúc chuyến đi đã đánh giá cho chất lượng dịch vụ của tài xế chỉ đạt từ 1 - 2 sao. Khi bị đánh giá sao thấp, tài xế sẽ ít nhận được cuốc xe, quyền lợi bị ảnh hưởng nên nhắn tin, gọi điện khách mắng mỏ.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định khá rõ về quyền bảo mật thông tin. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Khi phát hiện thông tin của mình bị lộ lọt từ bên cung cấp dịch vụ, cá nhân có thể phản ánh tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan chức năng có liên quan. Nếu khách hàng bị thiệt hại có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu đòi bồi thường. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về công tác quản lý đối với người điều khiển ô tô, mô tô 2 bánh kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa có ứng dụng công nghệ.
Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường công tác quản lý đối với đơn vị kinh doanh vận tải, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải, mô tô 2 bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa có ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường mạng.
Xử nghiêm hành vi sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn và yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải, người điều khiển mô tô 2 bánh để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ năm và Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng như các quy định của địa phương.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh và tài xế công nghệ cũng cần tuân thủ pháp luật về an ninh mạng. Chống hành vi sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, hành vi xâm phạm quyền riêng tư của hành khách trong hoạt động của lái xe có ứng dụng công nghệ.
Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật theo từng lĩnh vực chuyên ngành quản lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận