Hàng hải

Lo ngại 10 xác tàu đắm dưới biển cản luồng hàng hải

18/08/2023, 07:30

Nhiều tàu thuyền chìm đắm trên các luồng hàng hải không được trục vớt, uy hiếp tới an toàn cho các tàu thuyền qua lại trên luồng.

Chướng ngại vật nguy hiểm

Đã 8 tháng trôi qua, xác tàu Hoàng Gia 46 vẫn nằm tại vùng biển Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi) sau khi gặp tai nạn va phải đá ngầm hồi đầu năm 2023.

Vị trí mắc cạn của tàu nằm ngoài và cách xa vùng nước cảng biển khoảng 100km về phía Nam, cách đường bờ biển khu vực Sa Huỳnh khoảng 130m.

img

Nhiều tàu chìm đắm, mắc cạn trở thành những chướng ngại vật đe dọa tới an toàn hàng hải (ảnh minh họa).

Lý giải về việc đã quá thời hạn quy định nhưng chủ tàu vẫn chưa trục vớt, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cho hay, trong vòng 30 ngày kể từ khi tàu bị chìm đắm, chủ tàu phải trình phương án tổ chức trục vớt. Cảng vụ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu nhưng chưa được thực hiện.

Dù vị trí xác tàu không ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, không gây ô nhiễm do trên tàu không còn dầu và hàng hóa song việc chậm trễ trục vớt tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động dân sinh tại khu vực.

Cũng gặp tai nạn hàng hải nhưng khác với tàu Hoàng Gia 46, tàu Phú Long 08 lại trở thành chướng ngại vật nguy hiểm cho hoạt động hàng hải tại khu vực Hải Phòng.

Bị tai nạn và chìm tại vị trí cách phao báo hiệu hàng hải số 0 luồng Lạch Huyện khoảng 4,4 hải lý về phía Nam – Đông Nam từ năm 2016 nhưng tới nay, xác tàu vẫn chưa được trục vớt.

Từ đó tới nay, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) miền Bắc đã thả phao báo hiệu, vận hành, bảo trì đảm bảo duy trì tính năng của phao báo hiệu vị trí tàu đắm.

Gần nhất có tàu QN-3457 bị đắm tại vị trí gần đê chắn cát luồng hàng hải Hải Phòng về phía đoạn luồng Nam Triệu, cách đăng tiêu B1 khoảng 600m về phía hạ lưu.

Các phương tiện thủy hoạt động trên luồng hàng hải Hải Phòng được hướng dẫn tăng cường cảnh giới và lưu ý vị trí tàu bị đắm.

Ngoài ra, còn có tàu Glory bị mắc cạn tại vị trí gần đê chắn cát luồng hàng hải Hải Phòng về phía đoạn luồng Nam Triệu, cách đăng tiêu B4 khoảng 150m về phía hạ lưu. Tuy nhiên, tàu hiện đã được di dời.

Thống kê của Cục Hàng hải VN, trên vùng biển cả nước hiện nay có khoảng 10 tàu đắm được các doanh nghiệp BĐATHH thiết lập báo hiệu hàng hải và duy trì quản lý vận hành.

Nhiều trường hợp chủ tàu chưa trục vớt hoặc trốn tránh trách nhiệm, không trục vớt thanh thải. Thậm chí, có chủ tàu tuyên bố bỏ tàu.

Có nên đề xuất sử dụng ngân sách để trục vớt?

Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cho biết, chủ tàu Hoàng Gia 46 đã có văn bản về phương án xử lý tài sản chìm đắm.

Chủ tàu khẳng định, sẽ thực hiện trách nhiệm để xử lý các công việc tiếp theo cho đến khi hoàn thành việc xử lý xác tàu.

Tuy vậy, không phải chủ tàu nào cũng có trách nhiệm với tài sản chìm đắm của mình như vậy. Ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty BĐATHH miền Bắc cho biết, theo quy định, các chủ phương tiện chìm đắm sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm.

Ngay khi xảy ra vụ việc, tổng công ty đã phối hợp với cảng vụ hàng hải các khu vực và các đơn vị liên quan làm việc nhiều lần với các chủ phương tiện để yêu cầu thanh toán các khoản chi phí thực hiện các công việc đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.

Thế nhưng, hầu hết các chủ phương tiện không hợp tác trong việc thanh toán. Trong khi, chi phí vận hành, bảo trì phao báo hiệu hàng tháng là không nhỏ.

“Đến nay, vụ việc vẫn chưa được thanh toán kinh phí thực hiện, còn doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục quản lý vận hành hệ thống phao báo hiệu vị trí tàu đắm, xử lý sự cố đột xuất. Các chi phí liên quan ngày càng phát sinh nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết”, ông Đức chia sẻ.

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, chi phí trục vớt các tàu bị đắm khá lớn, tùy vị trí tàu đắm và độ phức tạp của việc trục vớt, chi phí có thể cao gấp nhiều lần con tàu. Thậm chí một số vụ việc, chi phí trục vớt lớn hơn giá trị tài sản nên chủ tàu tuyên bố bỏ tàu.

Có những vụ đắm tàu, cơ quan quản lý liên hệ để yêu cầu thực hiện trách nhiệm thì chủ tàu đã khóa số điện thoại, không hợp tác.

Với những tài sản chìm đắm gây nguy hiểm mà chủ sở hữu không trục vớt, cơ quan quản lý có trách nhiệm tổ chức lập phương án trục vớt để đảm bảo an toàn trên luồng hàng hải.

“Một số vụ tàu chìm đắm gây nguy hiểm cần trục vớt ngay, cơ quan quản lý không có kinh phí. Do đó, chỉ thả phao báo hiệu vị trí tàu đắm, đánh dấu trên hải đồ điện tử”, vị đại diện nói và đề nghị thời gian tới, cần chỉnh sửa các quy định liên quan để các chủ tàu gắn trách nhiệm với tài sản của mình.

Một chuyên gia giao thông cho rằng, có thể đưa việc trục vớt tài sản chìm đắm vào hạng mục được sử dụng ngân sách nhà nước với những tiêu chí cụ thể, áp dụng trong các trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cần xử lý ngay.

Ngoài ra, cần có chế tài để buộc các chủ tàu có trách nhiệm như phải có bảo hiểm hoặc ký quỹ về trách nhiệm trục vớt tài sản. Khi đó, trường hợp chủ sở hữu phương tiện không thực hiện trách nhiệm, cơ quan quản lý sẽ có nguồn kinh phí để tiến hành trục vớt.

Chậm trục vớt bị phạt 10-20 triệu đồng

Theo Nghị định 05/2017 về xử lý tài sản bị chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm và chịu mọi chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản chìm đắm.

Các cảng vụ có trách nhiệm tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không tổ chức trục vớt hoặc không có khả năng bảo đảm thực hiện trục vớt đúng thời hạn quy định.

Các cảng vụ sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình thủ tục rút gọn để lựa chọn đơn vị đủ điều kiện thực hiện trục vớt. Sau đó, thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm về chi phí của việc trục vớt. Với tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu, chi phí trục vớt được thanh toán bằng hiện vật.

Nghị định 142 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, hành vi chậm trục vớt/trục vớt tài sản chìm đắm không đúng quy định hoặc không thanh toán các chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản chìm đắm sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.