Vì Trung Quốc ban hành luật quản lý dữ liệu?
Theo hãng tin CNN, thông thường, các công ty dữ liệu tàu biển có thể theo dõi hoạt động tàu qua lại trên khắp thế giới vì các phương tiện đều lắp Hệ thống Nhận diện Tự động (AIS).
Hệ thống AIS cho phép tàu gửi tín hiệu như vị trí, tốc độ, chặng đường, tên tàu bằng sóng vô tuyến tần số cao tới các trạm có lắp đặt bộ tiếp nhận tín hiệu, đặt dọc các bờ biển trên thế giới.
Nếu tàu đi ra ngoài phạm vi theo dõi của trạm thì thông tin có thể được trao đổi qua vệ tinh.
Song, thời gian gần đây, tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một phần quan trọng trong thương mại toàn cầu, cách hoạt động này đã thay đổi.
Trong 3 tuần qua, số lượng tàu gửi tín hiệu từ vùng biển Trung Quốc đã giảm gần 90% - theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu vận tải toàn cầu VesselsValue.
Trong 3 tuần qua, số lượng tàu gửi tín hiệu từ vùng biển Trung Quốc đã giảm gần 90%
“Chúng tôi nhận thấy lượng tín hiệu AIS tại Trung Quốc giảm mạnh”, ông Charlotte Cook, nhà phân tích thương mại của VesselsValue cho biết.
CNN dẫn lời chuyên gia nhận định, nguyên nhân có thể là vì Trung Quốc ban hành luật quản lý dữ liệu.
Luật bảo vệ Thông tin Cá nhân của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/11 yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu cần phải được chính phủ phê duyệt trước khi đưa thông tin cá nhân ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Quy định này phản ánh thực tế, Bắc Kinh e ngại các thông tin nhạy cảm có thể rơi vào tay chính quyền nước ngoài, theo CNN.
“Tuy luật không đề cập tới dữ liệu của tàu thuyền song các nhà cung cấp dữ liệu của Trung Quốc có lẽ đang giữ lại thông tin để đề phòng”, ông Anastassis Touros, lãnh đạo nhóm quản lý hệ thống AIS thuộc công ty cung cấp thông tin tàu biển quy mô lớn Marine Traffic nhận định.
“Bất cứ khi nào một quốc gia ban hành luật mới, các đơn vị liên quan đều cần thời gian để dò xét, kiểm tra và đánh giá”, ông Touros giải thích thêm.
Nhiều chuyên gia khác trong ngành ghi nhận thông tin, có nhiều bộ tiếp sóng AIS đã bị gỡ khỏi trạm dọc các bờ biển Trung Quốc tại thời điểm đầu tháng 11, theo hướng dẫn của các cơ quan an ninh quốc gia sở tại. Chỉ những hệ thống do các đơn vị chất lượng lắp đặt mới được giữ lại.
Thực tế, ngoài các trạm trên mặt đất có thể thu thập dữ liệu, còn có các vệ tinh trong không gian vẫn có thể thu tín hiệu của tàu nhưng khi tàu gần bờ, thông tin thu được trên không gian sẽ không tốt bằng thông tin thu trực tiếp trên mặt đất, ông Touros cho biết.
“Chúng tôi cần trạm trên mặt đất để có bức tranh toàn cảnh tốt hơn, chất lượng cao hơn”, ông Touros nói.
Thêm gánh nặng cho chuỗi cung ứng
Tàu đi qua vùng biển Trung Quốc
Hiện tại, các chuỗi cung ứng đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng cảng tắc nghẽn nặng trong khi nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng nhanh.
Tình trạng này đang ngày càng căng thẳng và không có dấu hiệu giảm nhẹ, đơn vị phân tích và nghiên cứu Moody’s Analytics cho biết.
Hơn nữa, dịp lễ Giáng sinh - thời điểm hoạt động mua sắm tại nhiều thị trường rộn ràng - đang cận kề, việc thiếu hụt lượng lớn tín hiệu từ Trung Quốc - nơi có 6 trong 10 cảng bận rộn nhất thế giới - có thể tạo thêm gánh nặng cho ngành vận tải biển toàn cầu.
Thực tế, các công ty vận tải cần dựa vào dữ liệu AIS để dự đoán lượng tàu thuyền qua lại, theo dõi xu hướng tàu thuyền theo mùa và cải thiện hiệu quả của cảng, theo nhà phân tích Charlotte Cook đến từ VesselsValue.
Do đó, việc thiếu hụt dữ liệu từ Trung Quốc có thể tác động tới tầm nhìn về chuỗi cung ứng qua đường biển trên khắp Trung Quốc.
Ông Georgios Hatzimanolis, chuyên gia truyền thông của Marine Traffic dự báo, tình trạng thiếu hụt dữ liệu tàu thuyền theo từng phút từ Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới chuỗi cung ứng vì các công ty sẽ không có đủ thông tin cần thiết về lượng tàu vào cảng, dỡ hàng và thời gian dời đi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc: AIS hoạt động bình thường
Theo CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, các trạm AIS dọc các bờ biển của Trung Quốc được xây dựng hợp pháp theo các hiệp ước quốc tế vẫn hoạt động bình thường, không có trạm nào bị đóng. Các nền tảng AIS có sẵn cũng hoạt động bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận