Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132 về chống chuyển giá đối với các công ty có giao dịch liên kết, thay thế Nghị định 20 trước đây.
Nghị định 132 được coi là có tiến bộ hơn so với Nghị định 20 khi nâng mức trần tổng chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp (DN) cho rằng điểm mấu chốt vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Khoảng 1.000 DN nội chịu tác động
So với Nghị định 20, Nghị định 132 đã nâng mức khống chế tổng chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay không được vượt quá 30% so với tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay và khấu hao trong kỳ (EBITDA). Có nghĩa, nếu tổng chi phí lãi vay vượt quá mức trần 30% EBITDA thì sẽ không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập DN.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Nghị định 132 đã giải quyết được các vướng mắc của Nghị định 20 qua tiếp thu ý kiến của các DN trong nước và cũng nhận được đồng thuận từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp VN- VCCI.
Cũng theo ông Minh, cả nước có 16.500 DN có quan hệ liên kết, trong đó khoảng 8.000 DN có giao dịch liên kết. DN FDI chiếm 83%, DN trong nước chỉ chiếm 17%, tương đương khoảng 800 - 1.000 DN.
“Việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận không chỉ diễn ra ở các DN FDI mà còn xuất hiện ở các DN trong nước bởi ngay trong hoạt động nội địa, các DN Việt Nam cũng đã đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, sản xuất…
Rõ ràng, ngay trong nội địa cũng có hiện tượng chuyển lợi nhuận từ DN, địa bàn có thuế suất cao sang DN, địa bàn có thuế suất thấp; chuyển lợi nhuận từ DN có lãi sang DN lỗ”, ông Minh lý giải.
Cũng theo ông Minh, nguyên tắc quan trọng nhất về thuế là phải bình đẳng, công bằng cho tất cả các DN bởi từ lúc chúng ta gia nhập WTO năm 2006 đến nay thì tất cả những gì mang tính chất ưu đãi, phân biệt đối xử giữa DN trong và ngoài nước đã được xóa bỏ, kể cả thuế.
Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định với 80 nước và trong bất kỳ hiệp định nào cũng đều có nội dung không phân biệt đối xử.
Chỉ nên áp dụng với tập đoàn đa quốc gia
Tuy nhiên, đại diện một DN sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con phản ánh, một số quy định bất hợp lý và không phù hợp với hệ thống pháp luật chung trong Nghị định 20 vẫn được giữ nguyên trong Nghị định 132, gây thiệt thòi và rủi ro cho DN có hoạt động liên doanh liên kết.
“Việc khống chế tổng chi phí lãi vay ở mức 30% của người nộp thuế tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 (cũng tương tự Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20) có thể dẫn đến việc đánh thuế 2 lần đối với cùng một giao dịch”, vị đại diện nói và phân tích: Nhiều trường hợp công ty mẹ phải đứng ra vay vốn ngân hàng (do không phải công ty thành viên nào cũng đủ điều kiện vay vốn), sau đó chuyển số vốn vay cho công ty con hoạt động. Nhưng cả công ty mẹ - con đều không được khấu trừ thuế thu nhập DN do chi phí lãi vay vượt 30% EBITDA.
Theo vị này, đối với các DN hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ không tránh khỏi các giao dịch liên kết giữa các DN thành viên. Do vậy, việc hạn chế tổng chi phí lãi vay trong kỳ mà không tính đến các yếu tố thị trường hoặc yếu tố độc lập, liên kết trong tổng chi phí lãi vay là đi ngược tinh thần phát triển kinh tế tư nhân.
“Chống chuyển giá là cần thiết, nhưng phải nhắm đến đúng đối tượng là các DN đa quốc gia lạm dụng các lỗ hổng về thuế trong đó có chi phí lãi vay”, vị đại diện nêu quan điểm.
Chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chúng ta đang đi ngược xu thế giới vì mức khống chế chi phí lãi vay được tham chiếu từ Chương trình hành động số 4 trong 15 chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD.
Trong đó, đối tượng chính mà BEPS muốn hướng đến là các tập đoàn đa quốc gia có thể lợi dụng chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập DN ở các nước khác nhau và dùng chi phí lãi vay giữa các công ty thành viên tại các quốc gia khác nhau trong tập đoàn để điều chuyển lợi nhuận với mục đích tránh thuế.
“Nếu vượt qua mức 30% EBITDA thì cùng một khoản tiền nhưng DN liên kết phải chịu mất 2 lần thuế”, ông Hiếu nói và cho rằng, cần xem xét lại việc áp dụng cho tất cả các DN, đặc biệt là khối nội địa.
Đồng quan điểm trên, Bà Nguyễn Thị Cúc, Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc khống chế tổng chi phí lãi vay không cần áp dụng với các công ty nội địa không phát sinh giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ - con có cùng một mức lãi suất. Tức là, những đối tượng này không có khả năng trốn thuế khi chịu chung một mức thuế suất trong nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận