Trạm thu giá Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới |
Trong văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cho biết, dự án đã thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Ngay sau khi dự án hoàn thành và được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhà đầu tư đã tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Tổ chức đàm phán với địa phương về miễn, giảm giá cho các chủ phương tiện trong vùng bị ảnh hưởng của trạm thu phí,…
Tiếp đó, ngày 19/1/2018, Bộ GTVT ban hành văn bản 656 về việc đồng ý cho thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại một trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và chỉ đạo sau 3 tháng, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án, báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể. Trong khi hợp đồng BOT ký kết và giấy chứng nhận đầu tư là dự án được phép thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại 2 trạm: Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và Km77+922,5 trên tuyến QL3.
Theo ông Huỳnh, đến ngày 25/4/2018, sau 3 tháng thu giá thực hiện tại một trạm, trên cơ sở thực tế doanh thu, lưu lượng phương tiện, tình hình sử dụng, ATGT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã tính toán phương án tài chính, phân tích việc không đủ khả năng hoàn vốn cho dự án nếu thu chỉ một trạm này và đã có báo cáo, đề xuất kiến nghị giải pháp với Tổng cục Đường bộ VN là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép tổ chức thực hiện việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên cả 2 trạm để hoàn vốn cho dự án ngay từ tháng 4/2018 theo phương án giảm giá dịch vụ nhà đầu tư đã làm việc và thống nhất với địa phương.
Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ mới được xây dựng theo tiêu chuẩn tiền cao tốc |
“Đến nay, sau một năm dự án được chấp thuận đưa vào vận hành sử dụng và sau thời gian một tháng, kể từ ngày kết thúc phương án của Bộ GTVT cho thu thử 3 tháng với một trạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có ý kiến phản hồi với nhà đầu tư để giải quyết tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án”, văn bản nêu rõ.
Theo đại diện nhà đầu tư, trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho dự án, doanh nghiệp dự án vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động,... “Trong một năm qua, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã phải vay mượn bằng nhiều nguồn kinh phí để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng. Tiền lương của cán bộ công nhân viên thực hiện dự án chưa có. Các khoản chi phí và duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án, chi phí duy tu bảo trì cho hoạt động dự án là trên 220 tỷ đồng”, ông Huỳnh cho biết.
“Để dự án không bị phá sản, vì cuộc sống của hơn 8.000 cổ đông và 6.500 cán bộ, nhân viên, người lao động cùng gia đình nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan ban ngành giải quyết để dự án được hoàn vốn theo đúng cam kết của hợp đồng mà nhà nước đã ký kết với nhà đầu tư”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh đề nghị.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, dự án sẽ đặt hai trạm thu giá để hoàn vốn, một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt trên QL3 cũ tại Km 77+922 (khu vực Bờ Đậu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận