Tổng thống Obama quyết định điều thêm quân tới Iraq. |
Hôm qua (11/6), hội nghị chống khủng bố khai mạc tại TP Sydney (Australia) với sự tham dự của các bộ trưởng và đại diện của hơn 30 quốc gia.
Đẩy lùi ý thức hệ cực đoan
Ông Tony Abbott, Thủ tướng Australia cho biết hội nghị cần tìm cách đẩy lùi ý thức hệ của các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thu hút hàng nghìn các tay súng nước ngoài tìm mọi cách tới Iraq, Syria để gia nhập. Theo giới chức Australia, đến nay, hơn 100 công dân nước này gia nhập các nhóm thánh chiến tại Trung Đông và ít nhất 30 người đã thiệt mạng.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa giới chức an ninh với các nhóm xã hội dân sự, truyền thông nhằm ngăn chặn IS lôi kéo phụ nữ trở thành “cô dâu thánh chiến”. Giới chức Australia cũng đang thảo luận về một đạo luật cho phép tước bỏ quyền công dân Australia đối với những người có hai quốc tịch bị nghi là phần tử khủng bố.
Một hội nghị tương tự đã được tổ chức hồi tháng 2 trước đó tại Mỹ và Tổng thống Obama cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự; nhưng các cuộc hội đàm lần đó không đưa ra được các biện pháp cụ thể. Hôm qua, ông Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết ,180 công dân Mỹ vừa gia nhập IS ở Iraq và Syria. Ông này tỏ ra rất lo ngại khi các đối tượng này trở về nước sau khi tham chiến tại Trung Đông, sẽ tạo thành đường dẫn cho các cuộc tấn công khủng bố. Số liệu của tình báo Mỹ cho thấy có khoảng 30 nghìn tay súng nước ngoài đang tham chiến cùng IS.
IS có tên lửa cầm tay
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn việc gửi 450 binh sỹ Mỹ tới Iraq, tham chiến cùng hơn 3 nghìn binh sĩ đang có mặt tại đó và thành lập một căn cứ huấn luyện mới ở tỉnh Anbar. Các binh sỹ này không trực tiếp tham chiến mà làm nhiệm vụ “huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ”. Động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu trước đó của Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi.
Ông Josh Earnest, Người phát ngôn Nhà Trắng nói: “Tổng thống và nhóm cố vấn quyết định điều thêm quân vì việc đó có lợi cho huấn luyện binh sỹ và các chiến binh bộ lạc Iraq. Tình hình chiến sự ở tỉnh Anbar đã khiến chúng tôi rất lo ngại”. Tuy nhiên, Tiến sĩ Brayan Glyn Uyliaams - chuyên gia Hồi giáo của Đại học Massachusetts (Mỹ) cho rằng: Chiến lược chống IS của Mỹ thiếu hoàn chỉnh và không hiệu quả. Có vẻ như thực tế chiến trường đang đẩy liên quân do Mỹ đứng đầu lún sâu vào một cuộc chiến tốn kém hơn, đẫm máu hơn, tốn nhiều thời gian hơn.
Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ, John Boehner cho rằng, kế hoạch điều thêm quân là “bước đi đúng hướng” nhưng chưa phải là chiến lược đủ mạnh để đánh bại IS. Trong khi đó, theo ông John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ thì cần một chiến lược mang tính kết nối hơn.
Cuộc chiến chống IS tại Syria. |
Trước đó, ngày 10/6, bản báo cáo của Viện nghiên cứu Vũ khí loại nhỏ (SAS) cho thấy: Những vũ khí nhẹ, dễ sử dụng hay những hệ thống tên lửa vác vai (MANPADS) đang trở nên khó kiểm soát do nạn cướp phá các kho vũ khí ở Libya cũng như tình trạng buôn lậu vũ khí tới Iraq. Và an toàn hàng không có thể bị đe dọa bởi sự lan tràn của MANPADS tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi nếu chúng rơi vào tay IS.
Báo cáo có đoạn: “Việc IS có thể tiếp cận MANPADS là một mối đe dọa đối với an ninh hàng không” và cảnh báo “nguy cơ một máy bay thương mại bị bắn rơi tương đối cao trong bối cảnh nhóm khủng bố này đang gia tăng các hành động tàn bạo nhằm nâng cao danh tiếng, điều này có thể làm gián đoạn giao thông hàng không khu vực trong một thời gian nhất định”. Báo cáo cũng cho biết, các lực lượng cực đoan ở Iraq và Syria đã chiếm được hàng chục hệ thống MANPADS đời mới, như: MANPADS Igla Super của Nga - hệ thống tấn công đời thứ ba với tầm bắn, đầu nổ và kíp nổ được cải tiến và FN-6 của Trung Quốc.
“Cướp biển” chiến đấu chống IS Ông Michael Enright, 51 tuổi, một diễn viên người Anh quyết định tới Rojava (Syria) chiến đấu chống lại phiến quân IS. Michael Enright từng thủ vai Deckhand trong bộ phim bom tấn “Cướp biển Caribbean: Chiếc rương tử thần”, theo CNN. Ông này cho biết, động lực khiến ông dấn thân tới nơi đây bắt nguồn từ vụ IS hành quyết dã man nhà báo James Foley hồi tháng 8 năm ngoái. Tiếp đến là hàng loạt vụ hành quyết con tin Anh và Nhật Bản. “Hình ảnh đó thật đau lòng, gây phẫn nộ cho nhiều người”, Enright nói và kêu gọi nước Anh giúp đỡ lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống lại giáo phái cực đoan dòng Sunni. Theo Enright, người Kurd có ý chí chiến đấu mạnh mẽ nhưng họ vẫn thiếu sự hỗ trợ, thiếu vũ khí trong cuộc chiến chống lại các tay súng IS. Mục đích của Enright là giúp đỡ những người Kurd, người mà ông coi như bạn bè và đồng chí. Michael Enright cho biết ông chưa chắc về kế hoạch của mình trong tương lai, nhưng cam kết ở lại đến khi IS bị đẩy lùi khỏi Rojava. Đình Thông |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận