Đường bộ

Nhà đầu tư BOT lâm cảnh nợ nần, lo “lỗ chồng lỗ”

Loạt dự án BOT không thể triển khai thu phí theo hợp đồng ký kết đang khiến nhiều nhà đầu tư phải nợ nần, đi vay lãi để duy trì hoạt động hoặc không thể vay vốn ngân hàng do rơi vào nhóm nợ xấu.

"Hụt" trạm thu phí so với hợp đồng

Suýt soát 5 năm kể từ ngày trạm T2 - một trong 2 trạm thu phí của dự án nâng cấp QL91 từ TP Cần Thơ đi An Giang phải dừng thu phí, phương án tài chính bị phá vỡ. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư QL91 vẫn chưa nghĩ ra cách nào để thoát cảnh nợ nần.

Nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì dự án BOT

Trạm thu phí trên tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Ảnh: Tạ Hải).

Ông Khang cho biết, dự án nâng cấp QL91 hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016. Theo thỏa thuận, việc thu phí triển khai tại hai trạm T1 và T2 thuộc phạm vi dự án. Trong đó, trạm T1 thu phí từ tháng 4/2016. Trạm T2 thu phí từ 30/12/2016.

Số liệu từ Bộ GTVT, trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực, cả nước đã huy động khoảng 712.774 tỷ đồng đầu tư 242 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.

Trong đó, theo loại hợp đồng BOT, cả nước đã huy động hơn 318.800 tỷ đồng để đầu tư 140 dự án (Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền 66 dự án, địa phương là cơ quan có thẩm quyền 74 dự án).

Trong tổng số 140 dự án BOT triển khai trước thời điểm Luật PPP ban hành, có 50 dự án triển khai giai đoạn trước năm 2010, 63 dự án triển khai giai đoạn 2011 - 2015 và 27 dự án triển khai giai đoạn sau năm 2016.

Theo đánh giá, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015.

Công tác thu phí ổn định đến tháng 5/2019, trạm T2 phải dừng thu do việc thu phí lượt không đảm bảo công bằng tuyệt đối, một số phương tiện đi trên một đoạn ngắn, đặc biệt hướng đi từ Kiên Giang lên An Giang vẫn phải trả phí lượt.

Lộ trình tăng phí 3 năm/lần theo điều khoản hợp đồng cũng không được thực hiện, trong khi vẫn phải giảm giá/miễn phí cho phương tiện của người dân xung quanh khu vực trạm.

Rồi hàng loạt đường cấp quận, huyện "mọc" lên xung quanh vị trí đặt trạm T1, tạo điều kiện cho các phương tiện né trạm thu phí BOT QL91.

"Tính toán cho thấy, doanh thu BOT tại dự án hiện chỉ đạt 15% so với phương án tài chính ban đầu. Trung bình một ngày chỉ thu được 300 triệu đồng, chưa đủ để trả tiền lãi vay.

Cùng với các tuyến đường địa phương, 2 năm nữa, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm song song được đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện qua trạm T1 sẽ còn giảm mạnh", lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng, đồng thời cho biết, từ khi trạm T2 dừng, nhà đầu tư phải huy động nhiều nguồn với hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp dự án trả lãi, duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp dự án bị xếp vào nhóm nợ xấu (nợ nhóm 5), không thể vay vốn.

Phương án thu phí không đảm bảo

Tương tự dự án BOT nâng cấp QL91, nhiều năm qua, nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cũng rơi vào cảnh "nợ chồng nợ" do phương án thu phí chưa được đảm bảo theo hợp đồng ký kết với cơ quan có thẩm quyền.

Theo một lãnh đạo Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, đưa vào khai thác từ tháng 1/2018 đến nay, việc thu phí mới triển khai được trên tuyến mới. Trạm BOT trên QL3 không thể thu dù dự án được nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định hợp đồng ký kết.

Hơn 5 năm qua, doanh thu của nhà đầu tư tại dự án mới đạt 8,7% tổng phương án tài chính. Nguồn thu hiện chỉ hơn 2 tỷ đồng/tháng trên tổng nguồn thu dự kiến 16 - 17 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh hai dự án trên, tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả (gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân), nhà đầu tư cũng "còng lưng" trả lãi do phương án thu phí chưa được đảm bảo triển khai theo đúng hợp đồng ký kết.

Tìm hiểu của PV, trên cơ sở chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ GTVT đã ký kết và triển khai dự án, dự kiến sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, trong đó có trạm trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Năm 2018, thực hiện Nghị quyết 437, Chính phủ chỉ đạo rà soát và cho rằng, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả là bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng của người dân.

"Dự án này đã được nhà đầu tư hoàn thành theo đúng cam kết hợp đồng. Doanh nghiệp đã 6 lần mời Kiểm toán Nhà nước, 1 lần Thanh tra của Bộ Xây dựng kiểm tra và đều đánh giá nguyên nhân do sự thay đổi của chính sách pháp luật.

Bất cập hiện tại khiến doanh nghiệp không thể triển khai thu phí mà còn phải lo các khoản lãi vay ngân hàng mỗi tháng", một lãnh đạo doanh nghiệp dự án chia sẻ.

Ngoài 3 dự án trên, theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, còn một số dự án khác do Bộ GTVT quản lý gặp vướng mắc về trạm thu phí.

Cụ thể, dự án BOT QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa dự kiến thu phí hoàn vốn tại trạm Bỉm Sơn trên QL1, vị trí trạm cách phạm vi tuyến tránh khoảng gần 40 km. Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2018 nhưng do tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa được thu phí.

Dự án BOT cải tạo luồng sông Sài Gòn và xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi dự kiến thu phí các phương tiện tàu thủy để hoàn vốn thông qua 3 cảng đường thủy (các cảng An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc).

Đến nay, cầu đường sắt Bình Lợi đã đưa vào khai thác nhưng không thể thu phí tại các cảng đường thủy theo hợp đồng do Bình Dương điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.

Nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì dự án BOT

Phương án thu phí không được đảm bảo, doanh nghiệp dự án BOT nâng cấp QL91 từ TP Cần Thơ đi An Giang đã bị xếp vào nhóm nợ xấu (Ảnh minh họa).

Nhiều trạm giảm doanh thu

Theo Bộ GTVT, trong tổng số 66 dự án BOT giao thông do Bộ GTVT quản lý, có 8 dự án đã hết thời hạn thu phí, 2 dự án đã hoàn thành nhưng chưa được thu phí, 3 dự án đang đầu tư và 53 dự án đang thu phí hoàn vốn.

Trong đó, ngoài 4 dự án thu được cao hơn so với hợp đồng, có tới 26 dự án đạt 70-100%, 19 dự án đạt 30-70% do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo; Một số dự án bị sụt giảm doanh thu do phương tiện lựa chọn tuyến đường khác để tránh trạm thu phí.

Theo đánh giá, sau khi tăng phí BOT cuối tháng 12/2023 kết hợp với lưu lượng gia tăng dịp cận tết Nguyên đán, doanh thu bình quân các dự án trong tháng 1/2024 tăng khoảng 17% so với doanh thu bình quân 12 tháng năm 2023.

Thực tế, có 2 dự án doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, mặc dù đã tăng phí nhưng không có khả năng phục hồi cần có giải pháp xử lý. Cụ thể, dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì sau khi tăng phí BOT kết hợp với lưu lượng gia tăng dịp cận tết Nguyên đán, doanh thu tháng 1/2024 tăng 37% so với doanh thu bình quân 12 tháng năm 2023 nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí quản lý bảo trì, trả lãi vay.

Dự án BOT QL91 đoạn Km14 - Km50+889 doanh thu ban đầu ổn định, tuy nhiên đến nay chỉ đạt 35% so với hợp đồng.

Có 4 dự án doanh thu đạt dưới 30%. Trong đó, 2 dự án không có khả năng cải thiện doanh thu nên cần có giải pháp xử lý, gồm: Dự án BOT cầu Thái Hà (doanh thu khoảng 17% so với hợp đồng). Nguyên nhân bởi dự án hoàn thành từ tháng 4/2018 nhưng đến tháng 1/2019 mới được thu phí; Tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô kết nối trực tiếp với cầu Thái Hà chậm triển khai so với quy hoạch hoàn thành trước năm 2020; Phần lớn phương tiện lựa chọn lưu thông qua cầu Hưng Hà song hành để không mất phí.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp QL3 đoạn Km75 - Km100 doanh thu chỉ đạt 17% so với hợp đồng do tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư không thu phí tại trạm QL3, hầu hết các phương tiện lựa chọn QL3 để không mất phí.

Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ để tránh "lỗ chồng lỗ"

Kiến nghị giải pháp tháo gỡ, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư QL91 cho rằng, bất cập tại dự án đã được khẳng định không phải lỗi từ phía nhà đầu tư. Dự án cũng đã được thanh tra, kiểm toán nhà nước và Đoàn giám sát của Quốc hội vào kiểm tra.

Thêm đó, đối với dự án nâng cấp QL91, ảnh hưởng từ việc phân lưu phương tiện cũng quá lớn, kể cả có cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước (49%), dự án cũng vẫn rơi vào cảnh "lỗ chồng lỗ".

Trên cơ sở phân tích, ông Nguyễn Văn Khang kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn, hoàn trả lại chi phí đầu tư cho nhà đầu tư.

"Việc giải quyết sớm cho thấy sự đồng hành của nhà nước trong triển khai các dự án giao thông theo phương thức đối tác công - tư, giúp nhà đầu tư có niềm tin để sẵn sàng nghiên cứu tham gia "rót vốn" ở các dự án trong tương lai", ông Khang nói.

Về phía BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, lãnh đạo doanh nghiệp nhận định, phương án tối ưu nhất hiện nay là nhà nước bố trí vốn để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

"Nhìn thẳng vào thực tế, thực trạng doanh thu không thể trả lãi, đồng nghĩa dự án sẽ không có điểm hoàn vốn, phương án tài chính bị vỡ.

Trường hợp Nhà nước bố trí vốn mua lại một trạm BOT trên QL3 cũ (49% vốn), dự án được phép kéo dài thời gian thu phí cũng rất khó tính toán được kéo dài bao nhiêu là đủ và cũng không thể kéo dài mãi", vị này chia sẻ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.