Nguồn dinh dưỡng tuyệt vời
Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, một củ khoai lang vừa (khoảng 114g) nướng nguyên vỏ cung cấp khoảng 103 calo với 23,6g carbohydrate, 2,3g chất đạm, 0,2g chất béo và 3,8g chất xơ.
Ngoài ra, nó còn chứa riboflavin, phospho, vitamin E, vitamin K, canxi và sắt.
Cách chế biến khoai lang lành mạnh nhất là hấp hoặc luộc. Bạn cũng có thể nướng, chiên nhưng nên hạn chế vì các cách chế biến này sẽ khiến đường bị phân hủy theo nhiều cách khác nhau và thường bao gồm các thành phần công thức bổ sung như dầu, bơ hoặc đường.
Ngoài ra, khoai lang cũng có thể được ăn sống. Theo The Independent, trong một số trường hợp, rau củ ăn sống có thể tốt hơn cho sức khỏe. Khi được nấu chín, một số chất dinh dưỡng trong rau củ nhạy cảm với nhiệt, chẳng hạn như vitamin C, có thể bị cạn kiệt. Các enzyme có lợi trong đó cũng bị mất đi khi rang và nấu.
Khoai lang, thường được nướng, rang hoặc nghiền trong lò, thực sự có thể được ăn sống. Nhưng bạn sẽ muốn bào thịt khoai trước để ngon miệng hơn. Khoai lang được bào thành từng miếng nhỏ là nguồn cung cấp siêu beta carotene, vitamin C và chất xơ.
Theo Discover, ăn khoai lang sống thường được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người. Không giống như một số loại rau sống khác có nguy cơ do các hợp chất độc hại, khoai lang có hàm lượng các chất như solanine và lectin (có thể gây hại khi ăn với số lượng lớn) thấp đáng kể.
Tuy nhiên, hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang có thể khiến một số người khó tiêu hóa.
Về mặt dinh dưỡng, khoai lang sống là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng chứa chất chống oxy hóa có thể góp phần vào sức khỏe tổng thể và thậm chí có thể có đặc tính hỗ trợ phòng ngừa ung thư.
Phương pháp chế biến có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, việc tiêu thụ khoai lang ở dạng sống vẫn giữ lại các thành phần dinh dưỡng nội tại này.
Tương tự, theo NCBI, khoai lang là loại rau củ giàu dinh dưỡng, là nguồn cung cấp calo, carotene, vitamin, chất xơ… tuyệt vời. Nhiều nghiên cứu tập trung vào khoai lang nướng, luộc và hấp, trong khi có ít nghiên cứu đề cập đến chất lượng của nó như một loại rau sống.
Khoai lang sống có ít đường maltose hơn so với khoai lang đã qua chế biến nhiệt vì nhiệt ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa tinh bột thành maltose. Khoai lang nấu chín có lượng đường cao hơn vì nhiệt biến tinh bột thành maltose để tiêu hóa dễ dàng hơn, mang lại hương vị ngọt ngào hơn khoai lang sống.
Củ khoai lang là nguồn cung cấp dinh dưỡng toàn diện với rất nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Vì vậy, ăn khoai lang sống có thể góp phần giảm cân hiệu quả.
Cho dù bạn ăn rau sống hay nấu chín, hãy luôn rửa sạch chúng trước khi ăn để giúp giảm lượng thuốc trừ sâu còn sót lại hoặc vi khuẩn có hại.
Ai không nên ăn nhiều khoai lang?
Mặc dù không phổ biến nhưng khoai lang có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người. Nếu chúng ta gặp bất kỳ triệu chứng dị ứng thực phẩm nào sau khi ăn khoai lang, chẳng hạn như ngứa, buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày hoặc sưng tấy, hãy báo ngay cho bác sĩ.
Theo Lương y Giang, người tiền sử sỏi thận canxi - oxalate, có thể hạn chế ăn khoai lang. Khoai lang có hàm lượng oxalate cao, có thể kết hợp với canxi và dẫn đến phát triển sỏi thận.
Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn hãy nhớ ăn khoai lang ở mức độ vừa phải. Mặc dù khoai lang chứa nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng chúng cũng chứa carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu khi ăn quá mức.
Khoai lang có chỉ số đường huyết (GI) là 54 và được coi là hàm lượng carbohydrate cao, vì vậy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 nên theo dõi lượng ăn vào.
Bạn có thể kết hợp khoai lang với một số loại rau không chứa tinh bột và nguồn cung cấp protein dồi dào để tạo nên một bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, ổn định lượng đường trong máu để thưởng thức. Đồng thời, ưu tiên phương pháp chế biến đơn giản (luộc, hấp).
Cách làm mứt khoai lang đón Tết
Mỗi dịp Tết, những người thích việc bếp núc thường làm các món mứt để nhâm nhi và tiếp khách. Trong đó, mứt khoai lang với hương vị dịu dàng và màu vàng ươm đẹp mắt rất được yêu thích. Cách làm mứt khoai lang là thông tin được nhiều người tìm kiếm.
Mứt khoai lang là món ngon ngày tết được nhiều người yêu thích vì lạ miệng, không ngán; cách làm mứt khoai lang lại không đòi hỏi quá khéo tay hay cầu kỳ.
Nguyên liệu:
Khoai lang: Chọn những củ vỏ màu đỏ trong vàng, cầm lên chắc và nặng tay. Nên chọn khoai nghệ để thành phẩm có màu sắc đẹp mắt. Nước vôi trong, vani, đường cát trắng, muối.
Cách làm:
Pha muối với nước để tạo thành dung dịch muối loãng. Pha vôi với nước theo tỷ lệ 1 lít nước với 20gr vôi trắng, để qua đêm cho lắng lại, gạn lấy phần nước trong để ngâm khoai.
Khoai lang gọt sạch vỏ rồi thái thành những miếng dọc vừa ăn, sau khi thái đem ngâm ngay vào chậu nước muối loãng để làm sạch nhựa và tránh bị thâm, sau khoảng 25 - 30 phút thì vớt ra để ráo rồi ngâm vào thau nước vôi trong. Sau 3 tiếng, bạn vớt khoai ra, rửa nhiều lần với nước cho thật sạch.
Luộc sơ khoai lang rồi vớt khoai ra rổ, xả nước lạnh cho nguội bớt và giữ được độ giòn, để ráo nước rồi ướp với đường trong 5-6 tiếng theo tỷ lệ 1kg khoai lang - 500gr đường (thi thoảng đảo đều để khoai ngấm đường thật đều).
Cho khoai cùng nước đường vào chảo lớn, bật bếp đun. Ban đầu, do lượng nước khá nhiều nên bạn có thể để lửa to, đảo nhẹ đều tay để nước cạn bớt. Khi nước đường keo lại, chuyển màu hơi óng ánh, bạn hạ lửa xuống mức thấp nhất đồng thời vẫn đảo khoai liên tục. Đường khô dần và keo lại, bạn đảo khoai sẽ hơi nặng tay.
Khi đường kết tinh bám vào khoai, bạn vẫn tiếp tục đảo đều tay để các miếng khoai không bị dính vào nhau.
Thêm vani vào chảo mứt khoai rồi đảo thêm khoảng 1 phút thì tắt bếp, đổ mứt khoai ra mâm cho thật nguội rồi cất vào lọ thủy tinh đậy kín.
Những lưu ý khi làm mứt khoai lang
- Để làm mứt khoai lang, nên chọn những củ khoai có vỏ đỏ, bên trong màu vàng tươi bởi đây là khoai bột, khi chín vẫn khá rắn, không bị nát khi chế biến. Loại khoai này cũng giúp thành phẩm có màu đẹp mắt hơn.
- Mứt khoai lang làm theo cách trên sẽ có độ mềm dẻo. Nếu muốn ăn mứt giòn và khô hơn, bạn có thể đem ra nắng phơi thêm 1 - 2 tiếng rồi mới cho vào lọ.
- Cách bảo quản mứt khoai lang tốt nhất là cho vào hũ thủy tinh rồi phủ một lớp đường trắng lên trên, sau đó đậy nắp kín để ăn dần.
- Đối với mứt đã được dọn ra khay, đặc biệt là mứt khoai lang dẻo, bạn nên đậy kín nắp sau khi dùng, chuẩn bị nĩa để đảm bảo vệ sinh. Bạn không nên bỏ quá nhiều mứt ra khay, nếu sử dụng không hết thì khó bảo quản được lâu dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận