Dứa là loại trái cây rất phổ biến tại Việt Nam và có nhiều vào mùa hè. Loại quả này có vị ngọt thanh rất hợp khẩu vị nhiều người. Không những thơm ngon, dứa còn mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết.
Kiểm soát đường huyết
Dứa được biết đến là loại trái cây có vị ngọt nhưng người tiểu đường có thể ăn chúng. Tuy nhiên hãy ăn dứa tươi, hoặc uống nước ép dứa nguyên chất mà không thêm đường.
Theo đó, loại quả này giàu vitamin B1, rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
Ngoài ra hàm lượng đường trong dứa thuộc nhóm trung bình nên người bệnh không phải quá lo lắng về việc ăn dứa sẽ làm đường huyết tăng đột biến.
Bên cạnh đó, trong dứa có nhiều chất xơ và nước giúp no lâu. Tuy nhiên chỉ dứa tươi không thêm đường mới đảm bảo cho người mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ.
Trước khi ăn dứa, người bệnh cũng nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, người bệnh nên tránh xa các loại dứa sấy hay dứa đóng hộp nhiều đường.
Chống ung thư
Dứa cũng là loại quả ngăn ngừa ung thư rất tốt vì chứa nhiều chất chống oxy hóa như phenolic, flavonoid và vitamin C. Những chất này hỗ trợ chống ung thư, ngăn ngừa nhiễm trùng và các bệnh mạn tính khác.
Tốt cho thận
Dứa là loại trái cây nhiệt đới “cứu cánh” cho bệnh nhân suy thận. Nguyên nhân là vì loại quả này rất ít kali, photpho, natri nhưng lại giàu khoáng chất, chất chống oxy hóa, do đó rất an toàn cho bệnh nhân suy thận.
Bên cạnh đó, dứa còn có khả năng làm sạch thận, chống viêm và hỗ trợ tình trạng suy thận. Do đó, một chế độ ăn có dứa hàng ngày có thể cải thiện và hỗ trợ điều trị bệnh thận một cách hiệu quả.
Tốt cho tiêu hóa
Theo Mayo Clinic, dứa rất giàu chất xơ, rất có lợi trong việc bảo vệ sức khỏe nhu động ruột.
Ngoài ra, lượng enzyme bromelain trong loại quả này cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy…
Bromelain giúp phá vỡ liên kết protein và thúc đẩy quá trình tiêu hóa, đồng thời điều tiết tuyến tụy để hỗ trợ trong quá trình tiêu hóa.
Bên cạnh đó, bromelain cũng giúp chữa lành vết thương, giảm đau khi bị bệnh viêm khớp, giúp điều trị chứng khó tiêu và hoạt động như chất chống viêm.
Cải thiện sức khỏe xương
Dứa cũng là một trong những thực phẩm rất tốt cho xương khớp. Hàm lượng mangan trong loại quả này có thể giúp thúc đẩy xương và cơ thể phát triển cao lớn. Một cốc nước ép dứa chứa khoảng 73% lượng mangan cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Một nghiên cứu năm 1994 của Viện Linus Pauling thuộc Đại học bang Oregon ở Corvallis (Mỹ) cũng cho biết mangan rất hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ sau khi mãn kinh.
Do đó, việc thêm loại quả này vào thực đơn mỗi ngày sẽ là cách hữu hiệu giúp xương khớp gia đình bạn khỏe mạnh hơn.
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Ăn dứa hoặc uống nước ép dứa sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, tốt cho sức khỏe tim mạch và đảm bảo lưu lượng máu trong hệ thống tuần hoàn. Bromelain trong loại quả này khi vào cơ thể sẽ làm loãng máu, giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh tim mạch khác.
Bên cạnh đó, vitamin C ngăn ngừa xơ vữa động mạch và hoạt động như là chống đông máu. Chất chống oxy hóa trong vitamin C cũng giảm nguy cơ bệnh tim bằng cách chống các gốc tự do hiệu quả.
2 nhóm người nên hạn chế ăn dứa
Bệnh nhân lở miệng, viêm loét dạ dày
Dứa là loại quả thơm ngon nhưng những người bị lở loét khoang miệng, viêm răng hay viêm loét dạ dày nên hạn chế ăn.
Nguyên nhân là vì chất glucoside trong dứa có tác dụng kích thích mạnh với niêm mạc miệng, thực quản, khi ăn quá nhiều còn khiến tê bì ở lưỡi, cổ họng.
Do đó, họ không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
Người có cơ địa dị ứng
Trong quả dứa có men bromelain là một loại enzyme có chức năng thủy phân protein, được ứng dụng để trị rất nhiều bệnh khác nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy rất nhiều người dị ứng loại men này, sau khi tiêu thụ sẽ kích thích cơ thể sinh ra các histamin làm xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, có thể lợm giọng, buồn nôn, nổi mày đay, ngứa ngáy khó chịu, môi tê dại, nặng hơn là khó thở.
Do đó, những người có cơ địa dị ứng thì nên hạn chế hoặc tránh ăn dứa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận