Quản lý

Loại xin - cho trong kinh doanh vận tải khách

02/07/2015, 14:10

Chiều 2/7, Báo Giao thông điện tử tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Loại xin - cho trong kinh doanh vận tải khách".

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết: Đến thời điểm này, qua hộp thư điện tử bandoc@baogiaothong.vn, tòa soạn đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp vận tải liên quan đến chủ đề này. Riêng trong lĩnh vực quản lý vận tải khách, hiện Bộ GTVT đang quy hoạch lại luồng tuyến kinh doanh vận tải và chuẩn bị tổng kiểm tra xe khách. Đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư bến xe đặc biệt quan tâm. Tại tọa đàm, lần đầu tiên, quy hoạch luồng tuyến mới sẽ được giới thiệu tới các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan báo chí.

Chúng tôi mong muốn, tại buổi tọa đàm này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ, đại diện các Sở GTVT cùng các doanh nghiệp sẽ trao đổi, tìm giải pháp minh bạch hóa hơn nữa trong quản lý và kinh doanh vận tải khách, từ đó xóa bỏ việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các nhà xe, loại bỏ xin cho, nâng cao chất lượng dịch vụ xe khách, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, quản lý nhà nước phải tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, ông Kiên cho biết.

Khách mời tham dự tọa đàm gồm có: Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT; Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải; Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT; Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ; Ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai; Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Vận tải - Sở GTVT Hải Phòng; Ông Lê Xuân Tiến - đại diện Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội; Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội; Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc công ty CP vận tải và thương mại và dịch vụ Đất Cảng; Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước ngầm.

Tại buổi tọa đàm, Phó tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga đã gửi đến khách mời các câu hỏi từ các doanh nghiệp và độc giả.

Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo thực hiện những giải pháp nào để đổi mới quản lý trong vận tải khách?

ông Thọ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Sáng nay Chính phủ đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ATGT 6 tháng. Tại hội nghị này, Chính phủ đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo ATGT. Kết quả: TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí. Số người chết giảm được hơn 200 người, giảm khoảng 4,5%. Theo chỉ tiêu Quốc hội giao từ 5-10%, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục kéo giảm sâu hơn TNGT.

Trong các nguyên nhân gây ra TNGT, có liên quan nhiều đến lĩnh vực vận tải hành khách. Minh chứng là 6 tháng đầu năm, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do xe khách gây ra, làm chết và bị thương nhiều người như các vụ tại đèo Lò Xo, Hà Tĩnh…

Trước tình hình trên, Uỷ ban ATGT và Bộ GTVT đã có những chỉ đạo quyết liệt tới các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp đảm bảo ATGT, siết chặt kinh doanh vận tải. Trong đó, tập trung vào hai đối tượng chính. Đó là các DN tham gia kinh doanh và hoạt động KDVT; đối tượng thứ hai là các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện quản lý vận tải.

Tất cả các chủ trương, chính sách trong hoạt động vận tải khách đều đã được tuyên truyền sâu rộng đến các DN tham gia kinh doanh vận tải. DN cũng đã quán triệt thực hiện triệt để theo NĐ 86 về kinh doanh vận tải khách. Cùng đó, Nghị định 86 cũng được Bộ GTVT cụ thể hóa tại Thông tư số 63 để các DN thực hiện.

Vấn đề còn lại là khâu tổ chức của các DN, HTX. Đây là khâu cần ưu tiên, chấn chỉnh để mang lại hiệu quả cao hơn. Công tác tổ chức, nguồn nhân lực trong hoạt động kinh doanh vận tải đã được Bộ GTVT và các đơn vị rà soát lại, trong đó kiên quyết không sử dụng lái xe và phương tiện không đủ tiêu chuẩn. Các điều kiện kinh doanh vận tải tại theo quy định của Thông tư 63 cũng được triển khai nghiêm như: vấn đề bảo hiểm, chế độ chính sách đối với lái xe, sức khoẻ lái xe,... để khám, sàng lọc các lái xe có vi phạm về điều kiện sức khoẻ. Đa phần các DN làm rất quyết liệt vấn đề này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều giải pháp như: tăng cường tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải (KDVT) đến các DN để họ hiểu được các quy định và triển khai vào thực tế.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng tăng cường TTKS, tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị KDVT. Nhiều biện pháp xử lý mạnh tay với các DN cố tình vi phạm nhiều lần đã được áp dụng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước luôn lắng nghe, theo dõi, dự báo sự phát triển chung trong lĩnh vực này để hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, đưa ra các định hướng, tạo điều kiện cho các DN phát triển hiệu quả nhưng bảo đam kỷ cương, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Buoi giao luu truc tuyen thu hút su  quan tâm cua
Buổi tọa đoàn trực tuyến thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông

Lần đầu tiên công bố Quy hoạch luồng tuyến vận tải

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Một trong những giải pháp hết sức quan trọng nữa là việc đưa ra quy hoạch chi tiết về hướng tuyến vận tải liên tỉnh. Để quản lý tốt, trước tiên quy hoạch phải rõ ràng, cụ thể. Để khuyến khích DN phát triển lành mạnh, rất cần sự minh bạch, cụ thể trong việc quy định và quy hoạch luồng tuyến.

Vừa qua, lần đầu tiên chúng ta triển khai nghiên cứu, xây dựng công phu một quy hoạch luồng tuyến và dự báo phát triển luồng tuyến, lưu lượng để triển khai thực hiện. Quy hoạch này dựa trên quy hoạch khung được xây dựng năm 2014. Đây cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Nếu có quy hoạch rồi, sau này sẽ thực hiện quản lý trên hệ thống bản đồ số và cập nhật số liệu luồng tuyến hiện có. Trước đây, có trên 3 nghìn luồng tuyến, sau khi quy hoach, có 725 tuyến mới. Khi quy hoạch luồng tuyến rồi sẽ quản lý rất thuận lợi.

Nhiều vấn đề trước chưa làm được, nay thuận lợi. Trước đây, luồng tuyến là do DN chủ động, thoả thuận 2 đầu tuyến. Nhưng nay sẽ được xác định đó là tuyến vận tải khách cố định, DN không cần nghiên cứu nữa, chỉ cần tính toán phương án để kinh doanh. Nếu một tuyến có nhiều đơn vị đăng ký, sẽ tiến hành đấu thầu cạnh tranh để đảm bảo công khai minh bạch.

Tới đây, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ ứng dụng KHCN để xây dựng bản đồ số kết nối với các trung tâm điều hành giao thông, kết hợp với thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) của xe kinh doanh vận tải. Cùng đó, quy hoạch luồng tuyến phải có điểm đi, điểm đến, lịch trình cụ thể. Quy hoạch này phải có bến xe, điểm đi, đến như thế nào. Quy hoạch bến xe sẽ tính toán công suất để tránh trường hợp bến xe có công suất thấp nhưng lại khai thác mức độ cao, gây lộn xộn, mất trật tự. Các tiêu chí này là bắt buộc và xác định rõ công suất bến xe. Cùng đó phải nghiên cứu tần suất, lưu lượng tuyến để bố trí số lượng xe khai thác phù hợp, tránh quá tải, gây hậu quả tiêu cực.

Từ Quy hoạch này sẽ lộ ra các tuyến tần suất lớn, lưu lượng cao, còn các tuyến ngắn sẽ chuyển sang vận tải đô thị, với mục tiêu tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại.

Xe khách xuất phát từ điểm tập kết không phép số 1
Xe khách xuất phát từ điểm tập kết không phép số 18 Phạm Hùng, Hà Nội

Đấu thầu khai thác tuyến nếu có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu

Tình trạng trùng tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải và tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT đã diễn ra nhiều năm. Quy hoạch tuyến mới có giải quyết được tình trạng này hay không?

Bà Hien 1
Bà Phan Thị Thu Hiền
Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT: Với điều kiện địa lý của Việt Nam, các tuyến đường thường rất dài nên dễ xảy ra tình trạng trùng tuyến như tuyến: Hà Nội - Thái Binh trùng với Hà Nội - Nam Định… Tuy nhiên khi quy hoạch, sẽ có dự báo, và có tính kết nối để hạn chế trùng tuyến.

Hiện nay, trên một số tuyến cũng xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Quy hoạh như thế nào để bảo đảm lợi ích DN, đi lại của nhân dân và quy hoạch tuyến là rất quan trọng. Nhu cầu đi lại của người dân đang ngày càng lớn hơn. Trong dự báo quy hoạch, Bộ GTVT sẽ xác định tần suất mỗi tuyến để hạn chế tình trạng tăng ồ ạt.

Cùng đó, hiện Bộ GTVT đã có chủ trương tổ chức đấu thầu khai thác tuyến để DN có dịch vụ tốt tham gia các tuyến quan trọng. Trên thực tế, nhiều DN vẫn đang tổ chức vận tải rất lộn xộn. Vừa qua, Hội thảo của Báo Giao thông tổ chức cũng nêu lên nhiều bất cập của tình trạng xe dù, bến cóc. Cũng có ý kiến cho rằng là do hệ thống văn bản đã đầy đủ, nhưng việc triển khai của các DN chưa tốt. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Bộ GTVT có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý luồng tuyến.

Chúng ta phải thừa nhận, trong nhiều năm qua, công tác tổ chức vận tải đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng lộn xộn vẫn diễn ra. Điều này do công tác tổ chức, quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa kịp thời. Vì thế Bộ GTVT triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới vận tải liên tỉnh để hài hoà giữa các lợi ích, tránh lãnh phí. Chẳng hạn tuyến A chỉ có lưu lượng như vậy thì chỉ cần từng đó phương tiện, không cần đầu tư thêm xe, không cấp thêm giấy phép mới mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ.

Quy hoạch mở chứ không đóng

Khi chưa có quy hoạch thì các DN được chủ động đăng ký và khai thác các tuyến vận tải mới nếu được hai đầu Sở GTVT chấp thuận. Giờ có quy hoạch rồi mà doanh nghiệp lại muốn mở tuyến mới không có trong quy hoạch thì có khó khăn gì không? Vì trong quá trình xây dựng quy hoạch các doanh nghiệp không được tham gia góp ý xây dựng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Quy hoạch này là quy hoạch mở. Nếu cấp phép cho các DN KDVT khách, bắt buộc phải căn cứ vào quy hoạch. Quy hoạch này cũng dựa trên cơ sở các tuyến trước đây đã khai thác và bổ sung thêm 725 tuyến nữa, căn cứ vào đề xuất của các địa phương. Với các tuyến mới có nhu cầu, phải xem xét kỹ lưỡng để bổ sung. Đây là quy hoạch lần đầu, Bộ cho phép từ nay đến cuối năm có thể bổ sung tuyến theo đúng quy hoạch.

Tuyến mới là tuyến chưa có khai thác, đưa vào phải có tính toán để khai thác giữa bến đi bến đến, tần suất đưa xe vào. Không có sự cạnh tranh giữa cái cũ và mới. Nếu tuyến mới đáp ứng yêu cầu, sẽ không ảnh hưởng đến khai thác của tuyến đã có.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT: Trong quy hoạch chung có quy hoạch định hướng và sau đó là quy hoạch chi tiết. Tháng 3/2015, Viện chiến lược và Bộ GTVT đã xin ý kiến công khai. Quy hoạch dựa trên tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh/thành phố. Bộ GTVT đã tổ chức 3 hội nghị ở 3 khu vực để lấy ý kiến các doanh nghiệp. Vì thế việc thực hiện sẽ đảm bảo đúng quy trình. Tuy nhiên, việc quy hoạch mang tính định hướng, không phải quy hoạch "đóng" mà dựa trên tình hình thực thế có thể bổ sung, điều chỉnh nếu đủ căn cứ, còn việc xin chấp thuận tuyến… vẫn theo các qui định cũ theo Thông tư 63, chưa thay đổi.

Hoang Anh
Ông Nguyễn Hoàng Anh
Phó vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lo ngại thực hiện quy hoạch mới, khi xin phép mở tuyến vận tải mới dài hơn 1000 km lại phải ra Tổng Cục Đường bộ VN làm thủ tục sẽ rất tốn kém và mất thời gian?

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ: Về thủ tục cấp phép cho các tuyến vận tải, hiện nay trong Thông tư 63 /2014 không còn quy định tuyến trên hay dưới 1.000 km nữa. Và đã phân cấp về cho địa phương thực hiện. Để đảm bảo an toàn, không có tuyến đường dài nào hơn 2000 km. Nói chung, quy hoạch mới không làm thay đổi thủ tục và quy định cấp phép hiện nay.

Về tình trạng các DN mở tuyến, căn cứ quy hoạch mà Bộ trưởng vừa phê duyệt, định kỳ 6 tháng/lần, các DN bổ sung tuyến gửi Sở GTVT địa phương, Sở GTVT gửi bổ sung sang Tổng cục Đường bộ và Vụ Vận tải, sau đó căn cứ theo tiêu chí quy định để phê duyệt. Nếu cần thiết thì bổ sung.

Dưới 100 km sẽ chuyển thành tuyến buýt?

Bộ GTVT đang có chủ trương chuyển đổi dần các tuyến vận chuyển hành khách tuyến cố định có cự ly dưới 100km thành tuyến buýt liền kề. Liệu chủ trương này có đem lại lợi ích kinh tế cho các DN vận tải, cho Nhà nước hay không hay là gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hành khách hiện nay?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ:

Thực tế đã có nhiều địa phương làm tốt việc này và tôi cho rằng đây là một xu hướng tất yếu. Tại nhiều tỉnh, sau khi xe buýt nội tỉnh nối các huyện đi vào hoạt động thì rất hiệu quả, người dân lựa chọn nhiều.

Tôi đề nghị nghiên cứu, thí điểm thực hiện đề án tuyến vận tải buýt chất lượng cao theo hướng chất lượng cao hơn, quản lý chặt chẽ hơn. Ở nước ngoài, chúng ta không thấy cảnh các xe khách chạy đường dài lại dừng trả khách trên từng chặng rất ngắn như ở ta hiện nay. Nếu xe buýt chất lượng tốt hơn, dừng ở các chặng ngắn nhiều hơn thì tôi tin với hành trình dưới 100km sẽ có nhiều người lựa chọn đi xe buýt.

1 Khuc Huu Thanh Hai
Ông Khúc Hữu Thanh Hải
Tổng Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng

Ông Khúc Hữu Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng: Ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng có nói đến chủ trương chuyển tuyến cố định dưới 100km thành tuyến buýt liền kề. Theo tôi, nếu chuyển đổi tuyến xe khách cố định này thành buýt chất lượng cao thì cũng tốt. Nhưng như hiện tại, những tuyến buýt liền kề hiện nay chất lượng chưa thể so sánh với tuyến xe khách cố định, dù có thể giá vé xe khách cố định cao hơn nhưng người dân vẫn chấp nhận để có chất lượng tốt hơn.

Nếu thực hiện chủ trương này, các xe vận tải trên tuyến cố định sẽ như thế nào. Hiện tuyến Hải Phòng-Hà Nội có số lượng 400 xe. Nếu thực hiện chủ trương mới, số lượng xe này dùng vào việc gì và những tuyến buýt liền kề thay thế mới có đáp ứng được yêu cầu đặt ra không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Câu hỏi đặt ra là các DN đang hoạt động trên tuyến vận tải liên tỉnh hoạt động theo hướng này sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ bàn cái này kỹ, đưa ra phương án,lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi thực hiện. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp nào tham gia thì nhất thiết cũng phải đổi mới, nâng cao chất lượng theo lộ trình.

Mở tuyến vận tải khách theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Với thực trạng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng hiện nay (luôn có sự cạnh tranh rất cao, thậm chí các nhà xe còn hành xử theo kiểu xã hội đen để giành khách, xin được hỏi Sở GTVT Hải Phòng, theo quy hoạch mới được phê duyệt, Sở có thêm giải pháp gì để thay đổi tình trạng này hay không? Có thay đổi, điều chỉnh lượng xe trên tuyến hay không?

Nguyen Quang Hieu
Ông Nguyễn Quang Hiếu
Trưởng phòng Vận tải - Sở GTVT Hải Phòng

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Vận tải - Sở GTVT Hải Phòng: Về quy hoạch, Thứ trưởng đã có chỉ đạo một số tuyến tần suất khai thác lớn vận chuyển cự ly ngắn có thể chuyển sang khai thác xe buýt để tăng kết nối. Quy hoạch cũng không đề cập nhiều tăng tần suất mà giữ ổn định cho DN.

Với tuyến Hà Nội - Hải Phòng, đối với các DN đang khai thác, chúng tôi không áp đặt họ phải chuyển sang đi trên cao tốc. Tuy nhiên, với tuyến mở mới, chúng tôi sẽ yêu cầu đi cao tốc.

Tuy nhiên, tôi được biết, tới đây, một số tuyến đang khai thác cũng sẽ chuyển sang cao tốc, như vậy sẽ giảm tải tốt cho QL5.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hiện với tuyến Hà Nội-Hải Phòng, chúng ta đang đi QL5. Cuối năm nay, dự kiến đưa tuyến cao tốc vào hoạt động. Vì thế tần suất cho xe chạy hai tuyến này có thể đáp ứng được. Còn nếu tăng tần suất hiện nay, thì một số bến xe phải đầu tư nâng công suất lên để đáp ứng.

Nhi u tuy n xe ngày th  ng v ng khách nh ng t ng
Nhiều tuyến xe ngày thường vắng khách nhưng tăng đột biến trong dịp lễ tết

Doanh nghiệp mạnh mới được chở khách đường dài

Một câu hỏi dành cho ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Ông có băn khoăn, thắc mắc gì về quy hoạch luồng tuyến 2288 mới được Bộ GTVT phê duyệt ngày 26/6/2015?

Bui Danh Lien
Ông Bùi Danh Liên
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Cách đây 4 - 5 năm chúng tôi đã có kiến nghị tổ chức luồng tuyến dọc, ngang, xương cá, liền kề. Nhưng đề xuất cho vui thôi vì cũng khó khăn lắm. Đến bây giờ có bản đề xuất trong tay chúng tôi thấy rất phấn khởi.

Tuy nhiên, theo chúng tôi nên có lộ trình, trước hết phải làm tuyến dài trước, không để cho một xe chạy từ Bắc Kạn vào đến Cà Mau. Đây là ý kiến của ông Chánh Văn phòng UBATGT QG đã nói với tôi. Mà nếu có tuyến dài như vậy thì phải đưa ra các yêu cầu với doanh nghiệp thực hiện như phương tiện phải thế nào, năng lực tài chính ra sao...Tôi nghĩ, cái này, chỉ có các doanh nghiệp có thực lực mới làm được.

Theo tôi, Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ nên quản lý tuyến đường dài trước và tổ chức đấu thầu, có quy định cụ thể các điều kiện. Sau đó phải xem xét đến tuyến huyện vì trùng lặp nhiều quá. Tuy nhiên, vấn đề này một Sở GTVT không làm được, một mình Tổng cục Đường bộ cũng không làm được mà các cơ quan này cần ngồi lại với nhau để thống nhất để loại bỏ tình trạng các nhà xe giành giật khách dọc đường. Nếu rà soát lại được quy hoạch tuyến huyện, tôi cho rằng phải dư ra 20% lượng phương tiện hiện nay. Hiện nay, cung đang vượt cầu.

Xây dựng bộ tiêu chí để đấu thầu, loại bỏ xin - cho

Thời gian tới, khi mở tuyến mới, phải tiến hành đấu thầu, kể cả các tuyến hiện nay có lưu lượng lớn cũng nên đưa ra để nghiên cứu đấu thầu. Việc đấu thầu như vậy được thực hiện như thế nào, có giải quyết được vấn đề tiêu cực hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Tới đây, khi có quy hoạch thì trước hết phải thực hiện quy hoạch. Nếu 2 - 3 đơn vị tham gia vào thì phải đấu thầu. Bộ GTVT và các đơn vị sẽ xây dựng bộ tiêu chí như: điều kiện kinh doanh, phương tiện, con người, bộ máy, thứ nữa là tiêu chí về chất lượng, dịch vụ, luồng tuyến. Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN xây dựng tiêu chí để khi có điều kiện thì đấu thầu.

Song song với quy hoạch, Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ VN xây dựng bản đồ số, kết hợp với thiết bị giám sát hành trình, sẽ tạo bước tiến mới trong quản lý vận tải hành khách. Khi đó quản lý sẽ nhàn hơn rất nhiều mà hiệu quả giám sát lại cao.

Việc quy hoạch thí điểm tuyến đường dài đã bỏ. Nay đã bỏ tuyến trên 2.000 km. Chỉ còn dưới 2.000. Tới đây, sẽ xây dựng các tiêu chí và đưa tiếu chí đó áp dụng để cho các đơn vị vào tham gia tuyến. Tất cả đều phải được quản lý. Áp dụng các điều kiện đó để quản lý.

Buộc bến xe phải nâng chất lượng

Quy hoạch luồng tuyến thì không thể tách rời vai trò của bến xe, Bộ GTVT có giải pháp gì để bắt buộc các bến xe phải nâng cao chất lượng dịch vụ hay không. Vì hiện nay, có nhiều bến xe nằm trong quy hoạch đương nhiên có lượng xe vào đông, không phải cạnh tranh với bến khác, doanh thu của bến lớn nhưng lại không đầu tư hoặc nâng cao chất lượng phục vụ nhà xe, hành khách?

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT: Hiện nay, định nghĩa bến cố định rất rõ, có bến đi - bến đến - điểm đỗ. Bộ GTVT đã có quy định rõ về quy chuẩn chất lượng bến xe khách. Trong đó đã công khai minh bạch các tiêu chuẩn xếp hạng bến xe. Như thế nào thì đạt cấp bến xe loại 4, loại 3, loại 2. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu tất cả các bến xe phải đổi mới nâng cao chất lượng theo Quyết định 49. Nội dung chính của quyết định này là nâng cao chất lượng phục vụ của các bến xe.

Bộ GTVT cũng đang xây dựng quy chuẩn bến xe, dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 8. Ngoài ra, để có thể thu hút đầu tư, tăng chất lượng tại các bến xe, Bộ GTVT cũng đã ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư vào các bến xe khách.

Doanh nghiệp phản đối vì đóng cửa bến xe quá gấp gáp

Nói tới xã hội hóa đầu tư bến xe, có thể nói thời gian vừa qua ta đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư bỏ tiền xây bến, nhưng khi đưa bến vào sử dụng lại gặp sự phản ứng rất gay gắt từ doanh nghiệp vận tải. Đơn cử như bến xe Thượng Lý ở Hải Phòng. Xin được hỏi ông Hiếu, quyết định đóng cửa bến xe Tam Bạc vừa qua có bất ngờ cho doanh nghiệp? Tại sao doanh nghiệp lại phản ứng?

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Vận tải - Sở GTVT Hải Phòng: Chủ trương thay thế bến xe Tam Bạc đã có từ năm 2011, nhưng thời điểm chính xác đưa bến mới (Bến Thượng Lý) vào khai thác lại phụ thuộc vào nhà đầu tư, chúng tôi không thể đưa ra thời điểm đóng cửa cụ thể.

Ban đầu dự kiến cuối năm 2014, nhưng do nguồn lực của nhà đầu tư nên kéo dài đến tháng 5/2015.

Chúng tôi cũng nhận thấy thời điểm đóng cửa bến xe Tam Bạc là gấp và các DN phản ứng cho rằng không kịp di dời. Sau đó chúng tôi đã tham mưu cho thành phố kéo dài thời gian cho DN chuyển đổi. Đến lần thứ 2 các DN cũng đã nhất trí, và đề nghị được quyền lựa chọn bến xe, không muốn nhà nước áp đặt. Thành phố cũng như ngành giao thông đã có giải thích nhưng DN muốn đưa vào bến xe nằm sâu trong nội đô để thuận lợi cho việc đón trả khách.Tuy nhiên theo quy định nếu đón khách ở những điểm không theo quy định là vi phạm, ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

Thành phố cũng đã chỉ đạo ngành giao thông trước mắt theo sự lựa chọn của DN. Tuy nhiên về lâu dài phải theo bố trí của ngành GTVT. Bến xe DN lựa chọn phải đảm bảo sức chứa. Bến xe Thượng Lý đã đi vào hoạt động, đã có khoảng 60 chuyến/ngày và Sở đã có sự điều tiết với các bến xe khác (xe đến, xe đi). Bến xe này được quy hoạch 55 tuyến đến 2020. Còn các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào… đã đầy tuyến, chúng tôi hạn chế bổ sung xe.

Bến vượt công suất, buộc phải điều chuyển xe ra bến mới

Xã hội hóa (XHH) bến xe, xây thêm bến mới tốt cho các tuyến vận tải, nhưng khi đưa vào khai thác gây phản ứng cho các DNVT như trường hợp tại: Lào Cai, Hải Phòng, Nước Ngầm gần đây. Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta chưa bảo vệ DNVT khai thác ở bến cũ. Có cách nào hài hoà giữa quyền lợi các DNVT và nhà đầu tư, người dân?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đây là vấn đề rất lớn. Hiện nay, nhiều bến xe được các doanh nghiệp đầu tư mới. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều bến được đầu tư khang trang, nhưng xe vào bến ít. Đặc biệt bến xe ở Đà Nẵng là ví dụ. Vừa rồi là Bến xe Tam Bạc ở Hải Phòng và Nước Ngầm ở Hà Nội. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu tập trung vào các lý do sau:

Bến xe, theo phân cấp là do địa phương quy hoạch và tổ chức thực hiện. Khi thực hiện đầu tư, có yếu tố quan trọng là việc tổ chức giao thông. Khi bến xe hiện tại quá tải, không bảo đảm an toàn, trật tự, gây bức xúc, phải đầu tư tiếp một bến xe mới. Khi đầu tư rồi, phải tổ chức luồng tuyến để đến bến xe mới. Nay có bến xe mới lại gây bức xúc. Như Đà Nẵng bến xe phía Nam bỏ cả trăm tỷ đầu tư, nhưng khi tính toán, bến trung tâm chưa quá tải. Về quy hoạch là có, nhưng thực hiện khi nào thì hợp lý thì địa phương phải nghiên cứu kỹ như vậy mới đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư.

Trong quy hoạch vừa rồi đã có tính toán đưa một số tuyến vào bến xe này để giúp DN thu hồi vốn đầu tư. Bến xe Nước Ngầm cũng đã có tính toán lại. Khi các bến đã vượt công suất, phải chuyển ra bến mới. Bến Mỹ Đình theo tính toán chỉ 1,6 nghìn. Vì thế một số tuyến bị dư thừa lẽ ra phải đưa về Nước Ngầm hoặc Tuyến Phía Nam.

Hoặc như Hải Phòng, bến Thượng Lý phải chuyển đổi sang bến mới thì bến cũ không để đó nữa vì ách tắc, ảnh hưởng giao thông. Đầu tư Bến Thượng Lý, nhưng thời điểm đưa vào lại gấp gáp, chưa phù hợp. Đó là những cái cần rút kinh nghiệm.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào bến xe thời gian qua?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước hết, việc XHH là để huy động các nguồn lực đầu tư cho bến xe. Có thể khẳng định, hệ thống bến xe hiện nay là một bộ phận của kết cấu hạ tầng nên huy động vốn là rất phù hợp qua hình thức BOT, BTO…

Chúng ta cũng đang tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp theo mô hình cổ phần hóa (CPH). Mục tiêu để tìm ra các đối tác chiến lược để tiếp tục đầu tư. Hiện nay, có những bến xe có từ thời bao cấp đến giờ, cứ chờ vốn nhà nước đầu tư, nhưng rất khó khăn. Vì thế rất cần kêu gọi vốn đầu tư XHH vào bến xe.

Một điểm quan trọng nữa là bến xe có tính xã hội, liên quan nhiều đối tượng. Vì thế cần phải công khai, minh bạch các kế hoạch.

"Hà Nội cổ phần hóa bến xe giả vờ"

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Hiệp hội vận tải Hà Nội có các thành viên là các bến xe như Nước Ngầm, Lương Yên… Qua quá trình hoạt động chúng tôi bức xúc cho các doanh nghiệp, cụ thể là vấn đề điều tiết.

Khi có chủ trương xã hội hóa bến xe, chúng tôi đã có kiến nghị Hà Nội thực hiện CPH một cách nghiêm túc nếu không sẽ có ý kiến cho rằng CPH giả vờ. Với Hà Nội có một số quan điểm chưa phù hợp như đặt bến xe ở đâu là do nhu cầu đi lại của người dân chứ không thể tự vẽ ra. Nếu không xe dù bến cóc sẽ phát triển.

Quản lý Nhà nước cũng cần điều tiết để các bến xe phát triển. Như trường hợp điều chuyển bến xe trung tâm ra bến xe phía Bắc ở Lạng Sơn kéo dài 3 năm, chúng tôi phải yêu cầu các doanh nghiệp không được đình công.

Với Lào Cai, việc chuyển vào bến xe trung tâm đẹp đẽ, khang trang là rất tốt tuy nhiên, cũng cần thời gian và quy hoạch để các DN có sự chuẩn bị. Rồi rất nhiều quyết định liên quan tới điều chuyển luồng tuyến khác trước đây gây bức xúc rất lớn cho doanh nghiệp. Tôi mong rằng với chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, tới đây sẽ không còn tình trạng này.

Không thể có chuyện doanh nghiệp được tự do chọn bến

Quan điểm của ông thế nào về việc một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng cần phải để doanh nghiệp tự do lựa chọn bến xe?

Ông Lập
Ông Nguyễn Văn Lập
Giám đốc Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội):Trước hết tôi cho rằng, trong tiêu chí phân loại bến xe, phải có tiêu chí về chất lượng dịch vụ bến xe và phải tương ứng với phí dịch vụ bến xe. Quan điểm của tôi là không thể có chuyện tự do lựa chọn bến xe mà phải có sự điều chỉnh của nhà nước. Luật DN quy định rất nhiều quyền lợi cho DN nhưng kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện. Do đó, không thể có chuyện doanh nghiệp được tự do lựa chọn bến xe, mà phải tuân thủ theo luồng tuyến.

Tôi cũng cho rằng, các chính sách xã hội hoá bến xe gần đây đã có rất nhiều thuận lợi. Trong đó phải kể đến Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định miễn thuế đất cho nhà đầu tư. Thứ nữa là các quy hoạch luồng tuyến giờ đã công khai, ổn định. Cuối cùng là việc đấu thầu luồng tuyến đã công khai minh bạch hơn. Với những điều đó, việc phát triển XXH bến xe tới đây sẽ phát triển rất tốt.

Thưa Thứ trưởng, doanh nghiệp vận tải chúng tôi sẵn sàng đầu tư để đạt chất lượng 4 sao, 5 sao như xếp hạng của Bộ GTVT nhưng khi đạt được thứ hạng cao như vậy, chúng tôi muốn được lựa chọn bến xe, như vậy có được không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Theo tôi không thể thực hiện được vì phải theo quản lý, quy hoạch luồng tuyến. Tại sao chúng ta phải đưa ra quy hoạch, vì để doanh nghiệp nào muốn tham gia phải có sự đấu thầu để công khai minh bạch, không có lộn xộn.

Cùng đó, DN cũng phải có đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn mới được tham gia. Anh 2 sao không thể ngang bằng, đấu thầu với anh 3 sao. Trong bộ tiêu chí đấu thầu, anh có tiêu chuẩn sao cao hơn thì anh được ưu tiên cộng điểm chứ không thể tự do chọn lựa bến xe.

Việc điều chuyển doanh nghiệp sang bến mới theo quy hoạch phải do cơ quan quản lý. “Không thể để cho các doanh nghiệp vận tải tự lựa chọn bến xe mà phải theo đề án tổ chức giao thông, phân luồng khai thác trên cơ sở quy hoạch bến xe và luồng tuyến. Doanh nghiệp vận tải không thể thích lựa chọn bến nào cũng được. Nếu cứ tự do thì còn gì là quản lý nhà nước”- Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Về công tác xã hội hóa bến xe, Lào Cai có chia sẻ gì thêm?

Ông Nguyễn Văn Thạo, PGĐ Sở GTVT Lào Cai: Nhiều bến xe chỉ biết thu tiền, DN chỉ biết nộp tiền, người dân có được phục vụ tốt, có hài lòng hay không bến xe không quan tâm. Quan điểm của tôi là không thể có chuyện DN tự ý lựa chọn bến xe, nếu cho phép như vậy sẽ rối ngay. Dứt khoát phải có quy định việc lựa chọn, điều động DN là do cơ quan quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép qua mạng internet

Bộ GTVT là ngôi sao cải cách theo đánh giá mới nhất của VCCI, doanh nghiệp vận tải có thể hy vọng gì vào những cải cách thủ tục hành chính trong quản lý Nhà nước về vận tải tới đây ?

Ba Hang Nga
Bà Trịnh Thị Hằng Nga
Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Bà Trịnh Thị Hằng Nga – Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Bộ GTVT rất quyết liệt trong cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tại lễ công bố chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (MEI) diễn ra tại Hà Nội do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức mới đây, Bộ GTVT được đánh giá là “ngôi sao cải cách” và đứng ở tốp đầu của cả 5 bảng xếp hạng các chỉ số.

Chúng tôi cũng nhận thức được tuy là ngôi sao nhưng các điểm số vẫn chưa thực sự làm hài lòng DN. Bộ trưởng và các thứ trưởng cũng thường xuyên chỉ đạo rà soát các vấn đề để có thể đơn giản hoá nhất là các thủ tục như hồ sơ xin cấp giấy phép, xin cấp đổi phù hiệu.

Tinh thần là các giấy phép, văn bản, phù hiệu, hồ sơ đăng kiểm... đã được cấp thì không yêu cầu DN xuất trình giấy phép đó nữa. Các văn bản cơ quan quản lý cấp ra phải tự đối chiếu trong dữ liệu làm căn cứ khi hoàn tất thủ tục mới.

Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tới đây, ngành giao thông sẽ cung cấp các dịch vụ trực tuyến mức 3 trong cấp phép kinh doanh vận tải... từ đó sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, tạo nên được sự minh bạch, tránh được những tiêu cực.

Sau khi Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch luồng tuyến, chúng ta sẽ có cơ sở để triển khai đấu thầu khai thác tuyến. Khi việc này được thực hiện công khai sẽ góp phần rất lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính.

Mốc cụ thể để xin cấp phép trực tuyến là khi nào, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga – Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Trong 6 tháng cuối năm sẽ thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, sau đó nhân rộng ra cả nước. Bước đầu sẽ cung cấp dịch vụ trực tuyến ở cấp độ 3. Trong thời gian tiếp theo sẽ phấn đấu thực hiện mức độ cao nhất- cấp độ 4.

Về đấu thầu khai thác tuyến, Bộ sẽ xây dựng tiêu chí và thể chế hóa bằng các văn bản QPPL.

Triển khai hàng loạt giải pháp mới trong quản lý vận tải khách

Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì để nâng cao chất lượng vận tải, loại bỏ xin - cho trong kinh doanh vận tải khách, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trước hết tôi cảm ơn các đồng chí đã tham gia cuộc tọa đàm ngày hôm nay. Thời gian tới, chúng ta cần thực hiện tốt quy hoạch luồng tuyến để nâng cao công tác quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực vận tải cũng như các đơn vị tham gia đầu tư xây dựng bến xe.

Tới đây, các địa phương phải rà soát, hoàn chỉnh lại hệ thống bến xe. Trên cơ sở quy hoạch luồng tuyến, bến xe và các điều kiện KDVT hành khách, các địa phương cần tổ chức lại giao thông tại địa phương mình để bảo đảm trật tự ATGT, an ninh, đảm bảo sự đi lại an toàn của người dân, đồng thời các đơn vị KDVT cũng có thể hoạt động hiệu quả.

Cùng đó, các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, các Sở GTVT phải tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường TTKS, hướng dẫn, tuyên truyền để các DN, HTX, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước hiểu và triển khai thực hiện nghiêm quy hoạch luồng tuyến cũng như các quy định liên quan đến vận tải khách.

Bộ GTVT sẽ chú trọng triển khai việc quy hoạch có hiệu quả, đồng thời chỉ đạo Tổng cục đường bộ VN hoàn thành bản đồ số; nghiên cứu đưa các công nghệ vào quản lý, quản lý chặt TBGSHT để tăng cường quản lý vận tải. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về bến xe, dịch vụ vận tải hành khách và tiến hành nghiên cứu để có tính kết nối giữa các phương thức vận tải như: xe buýt, taxi, … kết hợp với các phương thức vận tải khác như: đường sắt, đường bộ, đường thuỷ để tăng tính kết nối. Với mô hình vận tải như hiện nay, tôi tin sẽ đáp ứng được để nâng cao chất lượng vận tải khách, đưa lĩnh vực này vào nề nếp, văn minh hơn, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Xin cám ơn Thứ trưởng và các vị khách mời đã tham gia tọa đàm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.