Thí sinh chương trình “Căn hộ trong mơ” thường xảy ra xung đột, cãi vã và la hét, thậm chí đập đồ |
Truyền hình thực tế (THTT) là thể loại chương trình truyền hình chú trọng vào việc phô bày các tình huống xảy ra, không theo kịch bản diễn xuất, với nội dung mang chất liệu thực tế mà không hư cấu. Nhưng thực tế tới mức cãi lộn, chửi bới, xiên xỏ nhau, đập phá đồ… liệu có cần thiết?
Vô tư cãi lộn, xúc phạm nhau trên truyền hình
Căn hộ trong mơ phát sóng chủ nhật hàng tuần, trên kênh HTV7 là chương trình THTT về thiết kế nội thất, đòi hỏi người chơi phải có sự linh hoạt, khả năng làm việc nhóm và đặc biệt là sự am hiểu trong lĩnh vực thiết kế. Người chơi phải trải qua các thử thách để hoàn thành một đề tài thiết kế được giao với sự cố vấn và hỗ trợ của các chuyên gia. Đây là một sân chơi khá thú vị dành cho những ai đam mê công việc thiết kế, nhưng qua 10 tập phát sóng, những gì khán giả thấy không chỉ là việc thiết kế các căn phòng mà còn có những cuộc cãi lộn “xiên xỏ” nhau quá mức cần thiết.
Trong tập 4, thí sinh Quang Huân vì không tìm được tiếng nói chung với hai thành viên nữ là Nhã Uyên và Quỳnh Mai trong nhóm đã liên tục chửi thề khi hai thành viên không làm theo ý kiến của anh. Trong khi đó, thí sinh Thanh Quang vì bức xúc với thành viên Hồng Nhung trong nhóm đã nói: “Nhớ là đi ngoài đường thì đi bằng hai chân chứ đừng đi bốn chân”. Hồng Nhung đã đáp lại: “Nhung mà bằng tuổi anh Quang là Nhung bay vô vả vào mặt luôn rồi”. Mới đây nhất, trong tập 10 phát sóng ngày 6/11, Nhã Uyên và Quỳnh Mai đã lớn tiếng cãi vã vì bất đồng quan điểm. Cả hai liên tục hét vào mặt nhau và đỉnh điểm, Nhã Uyên đã đập phá ngói - vật liệu thiết kế căn phòng - để thể hiện sự phản đối gay gắt của mình. Không ai nhường ai, Quỳnh Mai vẫn tiếp tục sơn ngói và Nhã Uyên lại tiếp tục đập phá và la hét.
Căn hộ trong mơ không phải chương trình THTT đầu tiên các thí sinh thường cãi cọ hay chửi thề. Trước đó, Cuộc đua kỳ thú cũng từng khiến không ít khán giả khó chịu bởi những màn xung đột và chửi thề của các thí sinh. Và những tiếng “bíp” chói tai mà nhà sản xuất dùng để thay cho các từ văng bậy đến từ thí sinh vẫn vang lên trong nhiều tập. Dưới các tập phát sóng của chương trình Căn hộ trong mơ trên Youtube, nhiều khán giả bình luận, đây chỉ là những tình huống được nhà sản xuất dàn dựng để thu hút sự chú ý của người xem. Thế nhưng, nhìn nhận vấn đề này, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội cho rằng, xu hướng THTT hiện nay đang tăng lên. Số lượng nhà sản xuất nhân danh THTT để thực hiện các chiêu trò ngày một nhiều, thậm chí gây nên hiện tượng rác rưởi trên sóng, khiến người xem khó chịu, bực dọc.
“Nhiều giám khảo, nhân vật trong chương trình có lý lẽ biện minh rằng, THTT nên phải tôn trọng thực tế, nhưng thực tế trong đó có khi đã bị bóp méo rồi. Những cuộc cãi vã, xung đột thực ra chỉ là dàn dựng chứ không phải bộc phát. Tôi nghĩ nhiều người đang có xu hướng lợi dụng hiệu ứng của THTT để lười biếng và dễ dãi trong suy nghĩ, trong sáng tạo. Tất nhiên, phần nào đó những điều này còn thể hiện văn hóa chưa tới tầm, dễ dãi, đổ vạ cho THTT những giá trị không đáng có”, TS. Trịnh Hòa Bình phân tích.
Cá tính của thí sinh chứ không dàn dựng
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Thanh Nga - Đại diện truyền thông của Công ty TNHH Truyền thông và Giải trí Điền Quân - nhà sản xuất chương trình Căn hộ trong mơ giải thích, các thí sinh tham gia chương trình đều có cá tính rất mạnh. Do đó, khi làm việc nhóm với nhau, những tranh cãi để bảo vệ quan điểm của mình là khó tránh khỏi. Tất cả đấu đá, tranh luận với nhau để làm mình nổi bật nhất và để thiết kế của mình trở thành thiết kế ấn tượng nhất, bởi họ không phải giành giải thưởng nhóm mà muốn giành giải thưởng cá nhân.
Bà Nga phủ nhận việc chương trình dàn dựng các màn tranh cãi, đấu đá để thu hút sự chú ý của khán giả. Vì nếu dàn dựng, thí sinh sẽ thiệt thòi và không chấp nhận. Vị này cho biết thêm, ngoài phim trường còn xảy ra nhiều tranh cãi lớn hơn từ các thí sinh nhưng chương trình đã cắt bớt, chỉ còn những phần cơ bản, nhẹ nhàng.
Bản thân nhà đài hình như cũng không có bộ phận kiểm duyệt, thấy ăn khách thì để chứ không làm theo tính chuyên nghiệp. Cách ứng xử như vậy trên sóng truyền hình là thiếu văn hóa, bởi chiều sâu của văn hóa dù thế nào vẫn phải trau chuốt, kỹ lưỡng”. PGS. TS. Trịnh Hòa Bình |
Theo đại diện truyền thông của Điền Quân, nhà sản xuất đã chắt lọc, kiểm duyệt rất kỹ các câu nói, ý tứ nhưng vẫn giữ lại những gì thuộc phạm trù cá tính của thí sinh. Và chương trình chỉ phản ánh đúng những va chạm xảy ra trong quá trình thiết kế. “Khán giả có quyền ý kiến, nhưng góc độ của chương trình thì chúng tôi chắt lọc những gì vừa phản ánh đúng tính chất vấn đề, vừa tạo một chương trình văn minh chứ không phải làm một chương trình chợ búa”, bà Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, THTT là ghi chép một cách trực tiếp nhưng phải có sự chuẩn bị và có tính chuyên nghiệp, có sự tương tác giữa những người tham gia, cũng như tương tác với khán giả. Đặc biệt, chương trình phải biết nhặt sạn, có sự kiểm duyệt chặt chẽ trước khi lên sóng.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận