Xem - ăn - chơi

Truyền hình thực tế cần tử tế hơn

29/06/2016, 19:40

Hiện các chương trình truyền hình thực tế đang lạm dụng quá đà scandal để tăng rating.

lot-noi-y-giam-can

Thí sinh lột nội y để giảm cân trong chương trình truyền hình thực tế Người dấu mặt những năm trước

Vẫn biết scandal là “bạn đồng hành” thân thiết của truyền hình thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ liều lượng của những scandal đó đến đâu. Và có một sự thực đáng buồn là phiên bản Việt các chương trình truyền hình thực tế đang lạm dụng quá đà scandal để tăng rating nên không chương trình nào không “dính phốt”. Dĩ nhiên, rating thì chương trình nào cũng cần, lợi nhuận thì không thể xem nhẹ, nhưng bất chấp tất cả để gây sự chú ý như nhiều chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt hiện đang làm thì quả thật, không thể không bàn tới.

Điều khán giả mong chờ từ một chương trình truyền hình thực tế là tìm kiếm những tài năng thực sự, những giờ phút thư giãn thoải mái chứ không phải là những bi kịch lợi dụng tình cảm, lấy nước mắt người xem hay chiêu trò lố lăng làm màu để rồi đến khi lòng tin bị phản bội thì những phản ứng trở nên cực kỳ mạnh mẽ.

Quay ngược lại thời gian, chắc hẳn khán giả vẫn còn nhớ câu chuyện của thí sinh Mai Thái Anh (tên thật là Trần Nguyên Bảo) trong chương trình Nhân tố bí ẩn mùa 2 hay cô bé Lê Nguyễn Quỳnh Anh có thể hát chuẩn 6 thứ tiếng tại cuộc thi Vietnam Got Talent 2012. Hay trong Người giấu mặt, với thử thách giảm cân, một số thí sinh nữ không ngại ngần bán nude ngay trước ống kính để giảm vài lạng…

Dường như nhà sản xuất, hay nhà đài đều tập trung vào giải trí, kinh doanh mà quên đi mất giá trị văn hóa cốt lõi cần phải giữ gìn. Và cũng không sai khi nói rằng truyền hình thực tế bây giờ quá thực dụng, chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực trước mắt mà quên đi những hệ lụy sau đó.

Như một đạo diễn từng làm giám khảo nhiều chương trình cho biết, cái nguy hiểm của truyền hình thực tế thực ra là càng ngày nó lại không thực tế. Bởi lẽ, truyền hình thực tế hay phải diễn. Có lẽ vì thế mà giờ đây, truyền hình đầy rẫy những câu chuyện tưởng chừng văn hóa, nhân đạo nhưng dưới bàn tay nhào nặn của ê-kíp sản xuất.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nhà Tâm lý học, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam chia sẻ: “Bên cạnh sự tương tác hiệu quả với người xem, truyền hình thực tế đã bộc lộ những yếu tố của sự giả tạo, dàn dựng và đôi khi là sống sượng để câu khách khi khai thác quá đà đời tư của người chơi. Nói là thực tế nhưng không phải cái chúng ta được xem là hoàn toàn sự thật. Nhà sản xuất thường biên tập chỉnh sửa trước khi chương trình được phát sóng.

Và người chơi, hoặc không biết hoặc chủ động nhập cuộc vào sự sắp đặt toan tính. Từ đó có những hệ lụy, tác động tiêu cực tới nhân cách, đạo đức, năng lực cảm thụ thẩm mỹ cũng như tiêu dùng các giá trị thẩm mỹ của công chúng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.