Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) được thành lập năm 2018 trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông từ 5 khu quản lý giao thông và 2 ban quản lý thuộc Sở GTVT.
Sau 5 năm hoạt động, nhiều vấn đề cho thấy Ban giao thông TP.HCM có dấu hiệu quá tải.
Nhiều hạn chế, thiếu sót ở "siêu ban"
Từ yêu cầu của Sở nội vụ, Sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo khẩn về việc đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của Ban Giao thông nhằm kiện toàn hoặc có phương án sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thời gian tới để ưu tiên tập trung nhiều dự án có quy mô lớn.
Hiện nay, Ban Giao thông đang được giao làm chủ đầu tư 162 dự án và thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án PPP. Trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C. Khối lượng công việc quản lý là rất lớn nhưng viên chức và người lao động hiện chỉ có 239 người. Trung bình chưa đến 2 người quản lý một dự án.
Trong quá trình tham mưu UBND TP.HCM giao Ban Giao thông làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Sở GTVT TP.HCM cũng đã nhận định: "Nếu được thành phố giao nhiệm vụ chủ đầu tư 2 dự án thành phần thuộc dự án, khối lượng công việc sẽ rất lớn.
Nếu không cân nhắc, tính toán chặt chẽ, kỹ càng phương án kiện toàn nhân sự và bộ máy lãnh đạo quản lý dự án của Ban Giao thông, nguy cơ không đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và của UBND TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách khác triển khai cùng thời điểm".
Thời gian qua, xác định tính chất quan trọng, cấp bách của dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và một số dự án trọng điểm, cấp bách trên địa bàn thành phố như: dự án Xây dựng nút giao thông An Phú; mở rộng quốc lộ 50; xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; xây dựng hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ,...
Ban Giao thông đã nỗ lực, quyết tâm và tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trên. Tuy nhiên, với mô hình, số lượng dự án quản lý như hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, công tác tham mưu của Ban giao thông trong giai đoạn chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao, có lúc gián đoạn làm giảm hiệu quả đầu tư.
Thậm chí, vào giai đoạn thực hiện dự án, xảy ra nhiều tồn tại hạn chế, thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.
Không chỉ vậy, năng lực của Ban Giao thông đã bộc lộ sự hạn chế trong khâu kiểm soát hồ sơ thiết kế dẫn đến dự án, công trình phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ.
Minh chứng điển hình là ở 2 dự án trọng điểm đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. "Đây là các dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, liên quan nhiều ngành lĩnh vực, nhiều chủ thể tham gia nhưng chủ đầu tư chưa kịp thời nhận diện được các vấn đề phức tạp, khó khăn để chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền tháo gỡ", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đánh giá.
Ban Giao thông TP.HCM đã… quá tải?
Ngày 22/11, Báo Giao thông đăng tải phóng sự ảnh "QL50 quá tải trong khi đường song hành có nguy cơ chậm do vướng mặt bằng". Đây là dự án do Ban Giao thông phụ trách.
Theo đó, tiến độ đoạn đường song hành QL50 mới chỉ đạt trên 35% khối lượng thi công, đoạn mở rộng QL50 hiện hữu chưa thi công. Tại dự án đã được khởi công, nhiều vị trí chưa được bàn giao mặt bằng, chưa di dời hạ tầng kỹ thuật.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tại dự án này, Ban Giao thông trình đề xuất điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu vượt thời gian thực hiện dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Ban Giao thông chưa kịp thời đề xuất các phương án và chủ động làm việc với Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để giải quyết các vấn đề liên quan đến nút giao thông quốc lộ 50 và cao tốc Bến Lức - Long Thành, gây phát sinh, kéo dài thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, UBND TP.HCM đã giao Ban Giao thông là đơn vị chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Không chỉ vậy, tại dự án nút giao Ngã Tư Đình (QL1A - Nguyễn Văn Quá), đã được phê duyệt từ năm 2020 đến nay nhưng Ban Giao thông vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc liên quan đến điều chỉnh quy hoạch để triển khai thi công.
Năng lực hạn chế của Ban Giao thông không chỉ bộc lộ ở các dự án trong giai đoạn chuẩn bị mà còn liên tục bộc lộ ở các dự án đã thi công.
Sở GTVT TP.HCM đã phải gửi nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu Ban giao thông khắc phục đối với sự cố ở các dự án: xây dựng nút giao thông An Phú, đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nâng cấp cải tạo đường Đồng Văn Cống, nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, Ông Nhiêu, Phước Long…
Không chỉ chậm trễ ở các dự án giao thông đường bộ, dự án chống sạt lở trên đường thủy do Ban Giao thông làm chủ đầu tư cũng đình trệ thi công như dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Trong lúc dự án cũ vẫn đang dang dở, Ban Giao thông lại tiếp tục là chủ đầu tư của loạt dự án khác như: xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc từ cầu Ông Thìn về thượng lưu, nạo vét luồng và xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức đoạn từ Km 18+150 - Km 22+950.
Mặc dù Sở GTVT TP.HCM là đơn vị quản lý chuyên ngành nhưng thậm chí nhiều cuộc họp, lãnh đạo Ban Giao thông không đến họp mà chỉ cử lãnh đạo Ban điều hành dự án tham dự.
"Trong khi, người đi họp thay không đủ thẩm quyền quyết định, chỉ tiếp thu và sẽ xin ý kiến của lãnh đạo ban. Từ đó, tiến độ giải quyết các công việc phát sinh còn chậm, chưa kịp thời được tháo gỡ", văn bản Sở GTVT nêu rõ.
Sở GTVT TP.HCM hiện đã có báo cáo Sở nội vụ để trình UBND thành phố xem xét thành lập Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải (Ban QLDA) trực thuộc UBND TP.HCM để góp phần giải quyết các tồn tại, hạn chế mà Ban Giao thông gặp phải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận