Mỗi nơi một kiểu
Theo thống kê từ ngành thuế Thanh Hóa, hiện nay, 97% cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã lắp đặt thiết bị, sẵn sàng xuất hóa đơn điện tử từng lần bán cho khách hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận những ngày qua, nhiều cửa hàng không thực hiện quy định này.
Cây xăng nhượng quyền của Petrolimex tại Nghệ An không xuất hóa đơn ngay khi khách mua hàng.
Trong vai một khách hàng đổ 500.000 xăng tại cửa hàng xăng dầu Đông Tân nằm trên trục đường Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa, PV được nhân viên của cửa hàng thông báo: "Có hóa đơn, anh vào bên trong gặp kế toán để kê khai thông tin". Tuy nhiên, người này yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thuế mới xuất được hóa đơn.
Tại cửa hàng xăng dầu của hệ thống Petrolimex - Cửa hàng 96 (của Công ty xăng dầu Thanh Hóa) ở xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, một kế toán cũng cho biết, nếu là cá nhân thì phải có mã số thuế mới in được hóa đơn đỏ. Nếu không cung cấp thông tin này, cây xăng chỉ có biên lai bán hàng.
Theo hướng dẫn phát hành hóa đơn, hộ kinh doanh cần điền đầy đủ thông tin để kê khai thuế. Còn với hộ không kinh doanh thì hóa đơn điện tử không cần đầy đủ thông tin người mua, mã số thuế… Như vậy, việc yêu cầu khách hàng cá nhân cung cấp mã số thuế là trái Nghị định 123.
Còn tại cửa hàng xăng dầu Hoàng Dương Anh ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, khi PV đề nghị bơm 50.000 đồng xăng cho xe máy và xuất hóa đơn thì nhân viên cho biết: "Cửa hàng đã xin gia hạn qua Tết Âm lịch mới lắp thiết bị được. Lắp vào rồi cũng có ai lấy đâu".
Tại Nghệ An, khi được hỏi về hóa đơn, nhân viên cửa hàng xăng dầu tư nhân ở đường tỉnh 535 (xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, phải đến trưa hoặc ít nhất một giờ mới gửi hóa đơn điện tử qua email hoặc Zalo cho khách hàng. Số lít xăng đã mua và số tiền chi trả cũng không được lưu tự động mà người mua phải cung cấp cho kế toán.
Ở nhiều cây xăng khác cũng phổ biến tình trạng này, trừ các cây xăng Petrolimex sẵn sàng xuất hóa đơn cho các lần mua, kể cả đổ 10.000 đồng.
Về việc mỗi nơi xuất hóa đơn một kiểu, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết đến nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vẫn chưa có hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chưa có giải pháp về kỹ thuật, giải pháp công nghệ được cấp phép, phê duyệt mẫu. Bộ Tài chính chưa có dự toán nguồn tài chính để thực hiện việc chuyển đổi và áp dụng các giải pháp mới này.
Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 8 cửa hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho hay, việc triển khai đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư một lượng tiền rất lớn, trong khi vừa trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn.
Theo vị này, sau khi có quy định, công ty đã mời các bên cung ứng dịch vụ vào để triển khai nhưng đối tác cho biết vì cửa hàng đã xây dựng từ lâu, hệ thống hạ tầng đã cũ, muốn triển khai phải thay đổi hệ thống cột bơm, lắp thêm các thiết bị, khái toán tầm 3,5 tỷ đồng.
"Giờ xuất hóa đơn theo từng lượt bán, doanh nghiệp phải thuê kế toán để nhập số liệu. Bình thường, mỗi cửa hàng có 2 ca sẽ phải thuê 2 nhân viên kế toán lương 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm doanh nghiệp mất thêm 240 triệu đồng", vị này nói.
Cả nước hiện có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhưng đến nay chỉ mới hơn 4.000 cửa hàng áp dụng.
Đề xuất ngành thuế hỗ trợ kinh phí
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Lâm Đồng, cho rằng việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng là chủ trương đúng và cần phải thực hiện, song cần hài hòa lợi ích.
Cây xăng Hoàng Dương Anh (Thanh Hóa) xin gia hạn qua Tết Âm lịch mới lắp thiết bị.
"Nói đúng ra đây là chủ trương số hóa, vậy việc thực hiện cần phải có định hướng. Việc này tiện cho ngành thuế nhưng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm là điều chưa hợp lý. Tôi đề nghị toàn bộ phần cứng, phần mềm, chi phí kết nối, chi phí gói hóa đơn điện tử là do cơ quan thuế cung cấp miễn phí", ông Thắng nói.
Trước những khó khăn, cùng với việc hướng dẫn chưa rõ ràng, có doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẵn sàng xin tạm ngừng bán hàng.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Công thương, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Lạng Sơn cho biết để đáp ứng yêu cầu xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp giải pháp công nghệ.
Tuy nhiên, do phía đối tác còn phải chuẩn bị thiết bị và giải pháp phù hợp nên thời gian lắp đặt dự kiến phải đến ngày 28/2 mới hoàn thành.
Do vậy, doanh nghiệp này xin lùi thực hiện đến hết quý I/2024. Trường hợp không được đồng ý, doanh nghiệp đề xuất được tạm dừng bán lẻ xăng dầu cửa hàng cho đến khi lắp đặt xong.
Triển khai được trên 2.700 cửa hàng sau 4 tháng nhưng Petrolimex cũng đánh giá rằng việc này không dễ dàng. Nhờ có sự đầu tư đồng bộ từ lâu nên chi phí phát hành hóa đơn tại các cửa hàng Petrolimex chỉ mất 20 đồng/hóa đơn.
Nhưng không phải đơn vị xăng dầu nào cũng có được ưu thế và tiềm lực, cũng như thời gian chuẩn bị như Petrolimex. Vì thế, khi thực hiện theo quy định mới, nhiều doanh nghiệp thể hiện rõ sự lúng túng.
Cần thêm thời gian chuẩn bị
Giải thích cho việc Petrolimex có thể triển khai trơn tru, một chuyên gia xăng dầu cho biết doanh nghiệp này có thuận lợi là từ 1/1/2014 đã bắt đầu đầu tư toàn bộ hệ thống để quản lý toàn bộ dữ liệu tại cửa hàng xăng dầu. Các cửa hàng khác bây giờ mới bắt đầu làm thì rất mất thời gian.
"Bắt buộc phải có cột bơm điện tử thì mới thu được tín hiệu. Nếu cột bơm cơ thì không thể nào làm được", chuyên gia này nói và cho biết nếu cửa hàng xăng dầu đã đầu tư cột bơm điện tử thì chỉ đầu tư thêm 30 triệu đồng là phát hành được hóa đơn điện tử. Khoản đầu tư 30 triệu đồng nếu tính khấu hao trong 5 năm thì mỗi năm chỉ 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, các cửa hàng không có cột bơm điện tử, chỉ có cột bơm cơ, hoặc cột bơm điện tử có dung lượng chíp thấp thì bắt buộc phải thay đầu đọc điện tử mới với giá 50 triệu đồng/cột bơm. Chi phí này khi triển khai với nhiều cửa hàng là không hề nhỏ nên doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gặp khó về tài chính.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn lo ngại chi phí phát hành hóa đơn dao động khoảng 70-100 đồng/hóa đơn, thậm chí 300 đồng/hóa đơn.
Tuy nhiên, theo giải thích của một chuyên gia về thuế, cần phải hiểu rõ không phải hóa đơn nào cũng mất chi phí như vậy. Những hóa đơn có xác thực của cơ quan thuế thì mới mất tiền.
"Ví dụ trong một ngày, cửa hàng bán ra 1.000 lần, nhưng chỉ có 70 hóa đơn có xác thực của cơ quan thuế, thì chỉ 70 hóa đơn xuất cho hộ kinh doanh mới tính tiền", chuyên gia giải thích và cho rằng ngành thuế nên có hỗ trợ với những hóa đơn xuất có xác thực của cơ quan thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật TNHH ANVI, cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích, thay vì khiến doanh nghiệp nghĩ rằng càng làm càng thiệt. Vì thế, cần nghiên cứu lại, có lộ trình để có sự hợp lý hơn với bối cảnh hiện tại.
Trước những ý kiến từ doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 123 năm 2020 đã cho doanh nghiệp thêm hai năm để chuẩn bị.
Còn về những kiến nghị hỗ trợ tài chính, hướng dẫn quy trình rõ ràng… PV đã nhiều lần liên hệ với Tổng cục Thuế nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.
Theo luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw), để chính sách đi vào đời sống, cần cho các doanh nghiệp một quãng thời gian để chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất, sắm trang thiết bị, cân đối nguồn vốn.
Thứ hai, cần có văn bản hướng dẫn quy trình cụ thể; Có thêm các quy chuẩn đặc tả dữ liệu để thực hiện kết nối với hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu trụ bơm xăng dầu (máy tính tiền, máy bán hàng).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận