Câu chuyện “nhận chữa tự kỷ, trả tro cốt” vài ngày qua khiến dư luận xôn xao, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng, hy hữu mà còn vì những uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.
Ông Q. (bên phải) khai với cơ quan công an rằng đã tự đưa thi thể cháu M.Q đi thiêu mà không báo chính quyền và gia đình cháu bé
Tóm tắt câu chuyện: anh N. sống ở Huế, cách đây vài năm có quen với ông Q., cũng là người Huế nhưng hiện sống ở Lâm Đồng. Ông Q. giới thiệu từng chữa khỏi bệnh cho nhiều em nhỏ chậm phát triển.
Đến năm 2022, cháu M.Q (con trai anh N.) có dấu hiệu của bệnh chậm phát triển (chậm biết nói và biết đi so với các bạn đồng trang lứa) nên anh N. liên hệ với ông Q. và người này nói rằng cần chữa trị sớm, “nếu không cháu bé sẽ bị điên”.
Ông Q. khẳng định trong vòng 2 năm sẽ chữa khỏi bệnh cho con trai anh N. nhưng phải đưa cháu đến cơ sở điều trị nội trú của ông ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Mức phí chữa bệnh mà gia đình phải trả cho ông Q. là 200 triệu đồng/tháng và gia đình phải ứng trước số tiền là 600 triệu đồng.
Lạ một nỗi, trong thời gian điều trị, gia đình không được tìm gặp con mình và ông Q. cũng bảo mật luôn nơi mà ông này gọi là cơ sở chữa bệnh. Mọi giao dịch giữa gia đình anh L. và ông Q đều diễn ra tại khách sạn hoặc qua mạng xã hội.
Đột nhiên, khoảng 11h ngày 27/3/2022, vợ chồng ông Q. ra Huế giao cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt và nói là tro cốt của cháu M.Q., dù trước đó, ông Q. không hề thông báo gì về cái chết của cháu với gia đình anh N.
Khai với cơ quan công an, ông Q. cho biết cháu M.Q tử vong do Covid-19, và việc không báo cho chính quyền hay gia đình cháu bé là do… sợ. Việc đưa thi thể cháu bé đi thiêu là do ông Q. một mình thực hiện.
Rồi đây sự việc chắc chắn sẽ được cơ quan điều tra làm sáng tỏ, nhưng vụ việc này cũng là lời cảnh báo tới những gia đình có người thân không may mắc bệnh nan y, hiếm gặp.
Với trường hợp của gia đình anh N., theo lời anh thì trước đó gia đình đã đưa bé M.Q đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng không tiến triển, vì thế nên mới tin lời ông Q.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng việc chi một số tiền lớn như vậy, giao con cho một người chữa bệnh mà thậm chí không biết cơ sở chữa bệnh ở đâu, con được chữa thế nào… thì quả thực quá khó hiểu.
Nghiêm trọng hơn là gia đình bệnh nhân cũng chỉ do “tin lời” mà không biết người nhận chữa bệnh có đủ năng lực hay không, cơ sở có đã được cấp phép hoạt động hay chưa…
Sau cái chết của con, anh N. đã lặn lội từ Thừa Thiên - Huế vào Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc và bàng hoàng nhận ra nơi mà con mình chữa trị thực tế chỉ là một căn nhà được ông Q. thuê lại của người dân, không phải là căn biệt thự độc lập có bể bơi như lời ông Q. quảng cáo.
Thông tin từ Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định, cơ sở trên cũng không đủ điều kiện nuôi dạy trẻ chậm phát triển, chữa bệnh cho trẻ khuyết tật.
Giá như anh N. tìm hiểu kỹ thông tin, có lẽ câu chuyện đau lòng đã có thể không xảy ra…
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý hàng loạt cơ sở chữa bệnh, phòng khám không phép trên địa bàn. Gần đây nhất, ngày 10/8, UBND TP Đà Lạt đã xử phạt vi 4 phòng khám nha khoa không có giấy phép với tổng số tiền 180 triệu đồng (mỗi phòng khám 45 triệu đồng). Ngoài phạt tiền, 4 cơ sở còn bị đình chỉ hoạt động 18 tháng.
Tuy nhiên, có thể thấy mức phạt như trên là chưa đủ sức răn đe. Như trường hợp của anh N. gia đình chấp nhận bỏ ra 200 triệu đồng mỗi tháng để chữa bệnh cho con, thời gian là 2 năm, thì chắc chắn sẽ còn nhiều cơ sở, phòng khám làm liều, bất chấp pháp luật.
Một khi việc xử lý các vi phạm không kiên quyết, triệt để, kịp thời, chế tài chưa đủ răn đe, tính mạng và sức khoẻ của nhiều người bệnh sẽ còn bị đe doạ. Và không ai dám chắc những câu chuyện đau lòng sẽ lại không tái diễn…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận