Thái Lan và Philippines đều chọn lối chơi thực dụng - Ảnh: AFF |
Cuộc chiến của những hàng thủ
AFF Suzuki Cup 2018 đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với hai cặp đấu bán kết. Điểm chung của cả bốn đội bóng góp mặt tại vòng này là đều hướng tới lối chơi thực dụng, tổ chức phòng ngự chặt chẽ trước khi tận dụng các cơ hội phản công.
Đội tuyển Việt Nam có lẽ mang nhiều đặc tính của các lối chơi này nhất. Cả 4 trận vòng bảng, đoàn quân áo đỏ đều chủ động đá thận trọng. Sự thực dụng của tuyển Việt Nam được thể hiện rõ nhất trong trận gặp Malaysia. Quang Hải cùng đồng đội chỉ kiểm soát 31% thời lượng bóng nhưng có tới 11 cú sút về phía khung thành đối thủ, ghi 2 bàn thắng.
Philippines - đối thủ của Việt Nam ở bán kết cũng rất chú trọng sự chắc chắn. Dựa vào nền tảng thể hình, thể lực, Philippines thường lùi đội hình khá thấp bảo vệ khung thành đội nhà trước khi phản công bằng những đường phất bóng dài. Trong trận đấu diễn ra hôm 2/12, cả Việt Nam lẫn Philippines đã trình diễn lối chơi chặt chẽ
Ở cặp bán kết còn lại, Thái Lan gây bất ngờ khi từ bỏ lối chơi tấn công dưới thời HLV Kiatisak để chơi chắc chắn. HLV Milovan Rajevac luôn yêu cầu học trò đá phòng ngự chặt, phản công nhanh. Bằng chứng là ở trận thắng Singapore 3-0 tại vòng bảng, Thái Lan chỉ có 44% thời lượng bóng nhưng ghi tới 3 bàn. Tới trận lượt đi bán kết gặp Malaysia, người Thái cũng kiểm soát bóng 39%, dù không ghi bàn nhưng giữ sạch lưới và giành lợi thế trước trận lượt về.
Malaysia nhìn bề ngoài có vẻ mang phong cách tấn công nhưng thực tế hàng phòng ngự cũng được HLV Tan Cheng Hoe rất chú trọng. Bằng chứng là hàng tiền vệ chơi khá thấp và thường chỉ cắm một mình Mohd Zaquan Adha ở gần khung thành đối thủ. Sau 5 trận đấu từ đầu mùa, “Bầy hổ” mới để thủng lưới 3 bàn, bằng Philippines, Thái Lan và chỉ kém Việt Nam (1 bàn).
Tất nhiên, để có thể chơi thực dụng, các đội bóng đều phải sở hữu những hậu vệ xuất sắc. Với Việt Nam là bộ ba: Ngọc Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng. Philippines sở hữu cặp trung vệ thép Silva - Murga. Thái Lan có bộ tứ: Chunuonsee, Kerdkawe, Hemviboon, Wiriyaudomsiri còn Malaysia dựa vào bộ đôi Mohd Aidil Zafuan - Shahrul ở trung tâm hàng thủ.
Xu hướng chung?
Theo cựu danh thủ Nguyễn Việt Thắng, trong những giải đấu theo thể thức Cúp, các đội bóng thường có xu hướng chơi thực dụng bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng sẽ phải trả giá đắt. “Với những giải đấu thể thức League, mỗi đội sẽ chơi rất nhiều trận, không loại trực tiếp nên sai lầm có thể sửa chữa. Còn ở thể thức Cúp, nếu muốn hướng tới chức vô địch thì buộc lòng các đội bóng phải tính toán cẩn trọng, bởi không thể sửa chữa sai lầm”, cựu danh thủ Việt Thắng nhận định và lấy dẫn chứng: “Tại World Cup 2018, tuyển Pháp mạnh như vậy nhưng vẫn phải đá phòng ngự phản công khi đối đầu với các đối thủ lớn như Croatia ở chung kết hay Bỉ ở bán kết. Trước đó, ở EURO 2016, Bồ Đào Nha lên ngôi nhờ đá phòng ngự phản công hiệu quả”.
Cũng theo tiền đạo từng lên ngôi tại AFF Suzuki Cup 2008, nếu một đội bóng thực sự chọn lối chơi tấn công áp đặt để tiến đến ngôi vương thì phải sở hữu thực lực vượt trội. “Chúng ta thấy, ở Đông Nam Á, ngoài Đông Timor, Campuchia và Lào thì những đại diện còn lại không chênh lệch nhiều về đẳng cấp. Chính bởi vậy, muốn đi xa tất nhiên phải đánh chắc, hạn chế tối đa sai lầm”.
Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) lại cho rằng, cả Thái Lan, Việt Nam, Philippines tuy chơi chắc chắn nhưng không hoàn toàn mang hơi hướng phòng ngự phản công. “Trong bóng đá hiện đại, biến đổi chiến thuật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Trong mỗi trận đấu, mỗi thời điểm cụ thể, HLV trưởng cần phải điều chỉnh chiến thuật sao cho phù hợp. Như tuyển Việt Nam ở hiệp 2 trận gặp Myanmar, khi đó chúng ta chơi pressing, áp đặt đối thủ. Trận gặp Campuchia ở lượt đấu cuối vòng bảng cũng tương tự. Nói tóm lại, muốn thành công cần sự biến hóa trong lối chơi chứ không thể ôm mãi một cách đá”, ông Hùng phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận