Quản lý

Lợi gì khi vận tải cố định dùng lệnh vận chuyển điện tử?

07/08/2022, 13:28

Lệnh vận chuyển điện tử giúp doanh nghiệp vận tải tiết giảm được thời gian, chi phí so với dùng lệnh vận chuyển bằng giấy.

Loại bỏ lệnh vận chuyển khống

Đã nhiều năm nay, Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai không còn phải để tâm đến việc hàng phải in lệnh vận chuyển bằng giấy cho các chuyến xe của mình.

Thay vào đó, nhờ đầu tư hạ tầng công nghệ và xây dựng phần mềm quản lý điều hành, doanh nghiệp đã tiết giảm được một khoản chi phí và nhân lực làm công việc này.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho hay, quy trình làm lệnh vận chuyển giấy mất nhiều thời gian. Mỗi chuyến đi, lái xe, nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý điều hành tại bến phải làm nhiều thủ tục pháp lý từ khi xe vào bến, xếp khách, xe xuất bến, ra khỏi bến. Sau khi hoàn tất các thủ tục này, mới được bến đóng dấu cấp lệnh vận chuyển.

img

Doanh nghiệp vận tải sẽ được nhiều lợi ích từ việc thay thế lệnh vận chuyển giấy bằng lệnh vận chuyển điện tử - Ảnh minh họa

Đã nhiều năm doanh nghiệp không phải làm việc này mà quy trình này đã được số hóa. Lái xe không phải mang theo lệnh giấy theo trên mỗi chuyến đi mà thay vào đó bằng điện thoại thông minh để lực lượng chức năng kiểm soát trên đường. Doanh nghiệp cũng tiết giảm được chi phí in ấn, nhân lực làm lệnh vận chuyển giấy.

“Các thông tin về lộ trình chuyến đi bến đi, bến đến, phương tiện, người lái, giờ xe xuất bến, từng hành khách được cập nhật đầy đủ, chính xác trên phần mềm. Các chuyến đi được quản lý minh bạch hơn, từng khách được cập nhật trên phần mềm, lái xe không có cơ hội gian dối về số lượng hành khách trên xe”, ông Bằng cho hay.

Nhìn thấy rõ lợi ích này, Bộ GTVT quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm minh bạch hóa trong hoạt động kinh doanh vận tải. Thông tư 17/2022 sửa đổi Thông tư 12/2020 vừa được Bộ GTVT ban hành cho phép các doanh nghiệp vận tải, bến xe bên cạnh việc dùng lệnh vận chuyển bằng giấy thông thường sẽ được phép dùng thêm lệnh vận chuyển điện tử.

Theo đó, lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định. Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình một trong hai loại lệnh vận chuyển này khi lực lượng chức năng yêu cầu.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, trước khi xe xuất bến, một chuyến xe sẽ phải có lệnh vận chuyển bản giấy để lực lượng chức năng kiểm tra. Việc dùng bản giấy đã phát sinh bất cập, nhiều nhà xe tuyến cố định chỉ đăng ký một vài xe vào bến, số còn lại chạy dù bên ngoài, xe không vào bến, doanh nghiệp xin trước cả tệp lệnh và tự đóng dấu.

“Khi dùng lệnh vận chuyển điện tử, chữ ký và xác nhận sẽ được số hóa, dữ liệu chuyến xe sẽ được kết nối trực tiếp với dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước là các sở GTVT và Tổng cục Đường bộ VN cũng quản lý chuyến xe. Qua đó cũng loại được tình trạng đóng lệnh vận chuyển khống, đưa xe ra ngoài chạy dù”, ông Sùa nói.

Ở góc độ đơn vị cung ứng công nghệ, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui cho biết, theo tính toán của các chuyên gia, khi ứng dụng việc chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã tiết kiệm đến 20% chi phí vận hành và tăng 10% đến 30% doanh thu đồng thời mở rộng không ngừng quy mô nhờ việc quản lý vận hành hoàn toàn tự động.

“Lợi ích khi ứng dụng công nghệ đã thấy rõ, lệnh vận chuyển điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, không mất thời gian đi xin giấy. Lệnh điện tử cũng giúp doanh nghiệp kiểm soát chuyến đi dễ dàng hơn”, ông Mạnh nói.

Thực tế là những doanh nghiệp có quy mô lớn, đã có sẵn hạ tầng công nghệ thông tin, dùng phần mềm trong quản lý điều hành hoạt động, việc thực hiện lệnh điện tử không phải là quá khó.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến gần 70% đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chỉ có một vài xe, kinh doanh theo cơ chế khoán, vận hành khá thủ công, yếu về tài chính, thiếu công nghệ nên việc phải bỏ ra một khoản chi phí để đầu tư ứng dụng công nghệ trong khi chưa nhìn thấy ngay hiệu quả là một thách thức không nhỏ.

Là doanh nghiệp có 3 xe chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình, đang loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư, ông Chu Ngọc Anh, Gám đốc Công ty Cổ phần 27/7 Đống Đa cho hay, qua đợt đại dịch Covid-19, doanh thu sụt giảm. Đến nay tuy đã hồi phục được phần nào nhưng doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 70% so với trước dịch.

“Với doanh thu từ số xe doanh nghiệp đang có, trang trải các chi phí quản lý, nhân công đã chiếm 70%, số lãi còn lại không đủ lớn để tích tụ đầu tư mua thiết bị công nghệ cho nên việc đầu tư cũng cần có thời gian”, ông Anh nói.

Ông Phan Bá Mạnh cho biết, đối với các doanh nghiệp đã có sẵn nền tảng công nghệ, việc thực hiện không khó. Tuy nhiên, đối với các nhà xe, HTX chưa có hạ tầng công nghệ, kinh phí đầu tư họ phải bỏ ra là thách thức không nhỏ.

Không làm khó doanh nghiệp

Tương tự như doanh nghiệp, các bến xe cũng phải xây dựng hạ tầng công nghệ, xây dựng phần mềm quản lý, qua phần mềm sẽ biết được trong ngày có bao nhiêu chuyến xe xuất bến của những doanh nghiệp nào, chuyến xe đi vào khung giờ nào. Bộ phận điều độ, quản lý của bến xe dễ dàng cập nhật được thông tin để xác nhận lệnh vận chuyển.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay, từ thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vận tải chưa đủ lớn để tiếp nhận xu hướng quản trị hiện đại, hành trình này còn nhiều gian nan. Không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, mà ngay cả các bến xe cũng gặp khó khi phải đầu tư hạ tầng công nghệ phần mềm thực hiện quy trình đăng ký chữ ký và con dấu số.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTV) cho hay, lệnh vận chuyển điện tử là một trong những nội dung Bộ GTVT ứng dụng nền tảng công nghệ số hoá ngành vận tải hành khách là chủ trương lớn giúp các nhà vận tải hành khách chuyển đổi số, chủ động quản trị khoa học, nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó giữ vững thị phần và mở rộng quy mô.

Lý giải về khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng lệnh vận chuyển điện tử, ông Thủy cho biết, theo quy định của Thông tư, không bắt buộc phải chuyển hết sang dùng lệnh vận chuyển điện tử mà doanh nghiệp, HTX, bến xe được lựa chọn sử dụng lệnh vận chuyển bằng giấy hoặc điện tử.

Theo ông Thủy, các đơn vị vận tải, nhà xe chưa có điều kiện vẫn có thể dùng lệnh vận chuyển giấy. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GTVT đưa ra quy định này nhằm chuẩn hóa các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có điều kiện ứng dụng công nghệ không chỉ giúp họ quản lý hiện đại hơn mà còn giúp quản lý thị trường vận tải minh bạch hơn.

Khi dùng lệnh vận chuyển điện tử, doanh nghiệp không phải mất thời gian và chi phí in lệnh giấy, việc kiểm soát lệnh vận chuyển trên hệ thống cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng kiểm soát trên đường cũng thuận lợi hơn.

Hiện đa số các doanh nghiệp xe buýt hiện đã dùng lệnh vận chuyển điện tử. Quy định lệnh vận chuyển điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, không làm khó cho doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo thị trường vận tải công khai, minh bạch.

Liên quan đến truyền dữ liệu, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục, có kế hoạch lập đề án xây dựng phần mềm tiếp nhận dữ liệu từ lệnh vận chuyển điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử trình Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội: Hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận dữ liệu

Theo quy định tại Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, dữ liệu từ lệnh vận chuyển điện tử sẽ phải truyền về cơ quan quản lý để kiểm tra các điều kiện kinh doanh, hành khách trên xe.

Tuy nhiên, thách thức nhất hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước là đầu tư hạ tầng công nghệ để tiếp nhận và sử dụng dữ liệu. Minh chứng rõ nhất là việc quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thời gian qua đã lộ nhiều bất cập, không có nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống khi dữ liệu truyền về quá lớn.

Thêm nữa, GPS vẫn thuần túy là một công cụ ghi nhận dữ liệu để đối chiếu, hậu kiểm mà chưa phát huy tác dụng trong khâu ngăn ngừa vi phạm giao thông. Trong tất cả các vụ TNGT, GPS chỉ giữ vai trò là một “ổ” lưu dữ liệu về tốc độ, chưa gửi được cảnh báo đến cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn TNGT.

Gần đây nhất là thực hiện quy định tiếp nhận dữ liệu từ camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải. Sau gần 1 năm, dữ liệu hình ảnh tiếp nhận từ doanh nghiệp vận tải vẫn chưa được dùng để xử phạt vi phạm.

Tránh đi vào vết xe đổ trong tiếp nhận và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã thực hiện cũng là vấn đề lớn mà các cơ quan quản lý cần phải lường trước và cần khẩn trương hoàn thiện phần mềm tiếp nhận dữ liệu từ lệnh vận chuyển, vé điện tử, hợp đồng điện tử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.