Hàng hải

Lợi lớn từ “khoán gọn” nạo vét luồng Hải Phòng

26/01/2022, 08:00

Việc triển khai duy tu luồng hàng hải Hải Phòng theo hình thức khoán gọn, bồi lắng đến đâu nạo vét đến đó, tàu không phải giảm tải...

Tàu thêm hàng, cảng thêm doanh thu

Sau một năm 2021 thắng lợi với sản lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 38 triệu tấn, tăng 7,6%, doanh thu hợp nhất đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, những ngày đầu năm 2022, Công ty CP Cảng Hải Phòng lại đón nhận tin vui khi tuyến luồng Hải Phòng là luồng hàng hải duy nhất được lựa chọn áp dụng cơ chế khoán gọn trong giai đoạn 2022 - 2024.

Nhớ lại thời điểm những năm 2015 - 2016, cơ chế “khoán gọn” lần đầu tiên triển khai thí điểm với luồng Hải Phòng, ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, liên tục trong hai năm đó, luồng Hải Phòng được duy trì chuẩn tắc -7m, các hãng tàu có thể xếp được một lượng hàng tối đa.

Nhờ đó, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng đã tăng trưởng trên 10% so với các năm trước đó.

img

Cơ chế “khoán gọn” sẽ duy trì ổn định chuẩn tắc luồng hàng hải, mở ra cơ hội lớn cho cảng biển tăng sản lượng hàng hóa thông qua. Ảnh: Necon

Thế nhưng năm 2017, việc nạo vét lại quay trở lại theo hướng duy tu 1 lần/năm. Mùa lũ đến, có khi nạo vét chưa đầy một tháng, luồng tàu đã xuất hiện điểm cạn.

Không ít thời điểm, tuyến luồng bồi lắng từ 10 - 20cm, các hãng tàu phải đổi cả cỡ tàu từ 20.000 DWT sang khai thác cỡ tàu 15.000 - 16.000 DWT (giảm 20% công suất).

“Bất cập đó không chỉ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho DN cảng, hãng tàu mà còn làm xáo trộn lịch trình, ảnh hưởng đến việc điều động tàu ra vào và chậm tiến độ giao hàng, giảm khả năng cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam trong mắt các hãng tàu quốc tế”, ông Tường Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm khai thác cảng Gemadept khu vực phía Bắc cho hay, khoảng ba năm gần đây, chỉ sau khoảng 2 - 3 tháng, tình trạng bồi lắng lại xuất hiện trên tuyến luồng Hải Phòng với mức bồi khoảng 10 - 20cm.

“Theo tính toán, nếu mức cạn của luồng là 20cm, các tàu sẽ phải cắt đi khoảng 100 TEU/chuyến. Bình quân mỗi TEU mất khoảng 50 - 60 USD, tương đương mỗi chuyến tàu, hãng tàu sẽ chịu tổn thất từ 500 - 600 USD.

Với giá bốc xếp hiện tại là hơn 30 USD/TEU, doanh nghiệp cảng cũng mất đi khoảng 3.000 USD/chuyến tàu, chưa kể giá dịch vụ bên trong (đóng, rút container, nâng hạ hàng hóa...).

Vì vậy, việc “khoán gọn” giúp chuẩn tắc luồng được duy trì, hiệu suất sử dụng tuyến luồng và lượng hàng thông qua các cảng sẽ tăng lên đáng kể”, ông Tuấn nói.

Chấm dứt hợp đồng nếu nhà thầu để tồn tại dải cạn

Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (ATHH) miền Bắc cho biết, căn cứ kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2022 đã được Bộ GTVT phê duyệt và hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đã ký kết với Cục Hàng hải VN, hiện tại Tổng công ty đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư bao gồm: Lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn môi trường để lập hồ sơ thiết kế dự toán và các thủ tục về môi trường cho công trình nạo vét duy tu tuyến luồng Hải Phòng (đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm) năm 2022 - 2024.

Dự kiến, các thủ tục sẽ hoàn thành và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý III/2022, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà thầu triển khai công tác nạo vét theo hình thức “khoán gọn” trong quý IV/2022 và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện khoán duy trì chuẩn tắc bắt đầu từ ngày 1/1/2023.

Tổng kinh tổng kinh phí thực hiện “khoán gọn” đến hết ngày 31/12/2024 dự kiến khoảng hơn 250 tỷ đồng

Khối lượng khoán duy trì chuẩn tắc của công trình nạo vét duy tu tuyến luồng Hải Phòng (đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm) năm 2022 - 2024 theo kế hoạch dự kiến vào khoảng 1.132.000m³ (mỗi năm khoảng 566.000m³).

Vật liệu nạo vét trong quá trình thực hiện khoán duy trì chuẩn tắc của tuyến luồng trong 3 năm sẽ được nhận chìm ngoài biển tại vị trí D2, đã được UBND TP Hải Phòng chấp thuận chủ trương. Khoảng cách đến vị trí đổ chất nạo vét của đoạn kênh Hà Nam khoảng 36km, đoạn Bạch Đằng khoảng 42km và đoạn Sông Cấm khoảng 60km.

Về hướng xử lý trong trường hợp khối lượng nạo vét phát sinh, theo ông Đức, đối với các công trình thực hiện khoán duy trì chuẩn tắc, đơn vị tư vấn thiết kế có trách nhiệm xác định khối lượng nạo vét khoán duy trì chuẩn tắc trên cơ sở số liệu diễn biến sa bồi trong thời gian 3 năm gần nhất.

Do đó, việc xem xét đến việc phát sinh khối lượng thực tế so với khối lượng khoán khi mời thầu sẽ không xảy ra.

“Các trường hợp thời tiết bất thường chỉ được xem xét về mặt thời gian để nhà thầu khắc phục các khu vực cạn phát sinh trên tuyến luồng trong thời gian thực hiện khoán”, ông Đức nói.

Liên quan đến tiêu chí tuyển chọn nhà thầu, lãnh đạo Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, đơn vị đã có kinh nghiệm nhiều năm trong tổ chức thực hiện việc nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng, trong đó có cả thực hiện khoán duy trì chuẩn tắc thời gian năm 2015 - 2016.

“Chúng tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm thực tế thực hiện trong các năm qua để đề ra các tiêu chí sát hợp nhất trong lựa chọn nhà thầu thực hiện, đảm bảo về phương tiện thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm thi công cũng như năng lực tài chính.

Trường hợp nhà thầu vi phạm hợp đồng khoán duy trì chuẩn tắc sẽ bị xử lý theo các quy định của hợp đồng với các mức độ từ giảm trừ chi phí thực hiện cho đến cưỡng chế lựa chọn nhà thầu khác tham gia khắc phục khu vực cạn, thậm chí cao nhất là chấm dứt hợp đồng và xử phạt vi phạm theo quy định”, ông Đức khẳng định.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất “khoán gọn” nhiều luồng mới

Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Bắc, công tác khoán duy trì chuẩn tắc trong nạo vét duy tu luồng là hình thức thực hiện bảo đảm chất lượng cao nhất cho khai thác vận hành.

Tuy nhiên đây cũng là hình thức tốn kém kinh phí hơn so với việc tổ chức các đợt nạo vét duy tu định kỳ.

Việc tính toán xác định khối lượng khoán sao cho gần với thực tiễn là công việc đầy khó khăn và cần đến chuỗi số liệu theo dõi đầy đủ, liên tục trong nhiều năm.

“Bên cạnh tuyến luồng Hải Phòng, thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục xem xét nghiên cứu để đề xuất áp dụng hình thức này đối với các tuyến luồng có vai trò quan trọng khác khi có đủ các điều kiện về kỹ thuật và kinh tế”, ông Đức cho biết.

Khu vực phía Nam chưa thể triển khai

Theo ông Bùi Thế Hùng, TGĐ Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Nam, theo tiêu chí đặt ra, các tuyến luồng hàng hải muốn áp dụng cơ chế khoán gọn phải đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng: Có lượng sa bồi ổn định để nhà thầu yên tâm tham gia và có vị trí đổ vật liệu nạo vét lâu dài (ít nhất từ 3 năm) để cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường trong suốt khoảng thời gian “khoán gọn”.

Đối chiếu vào tiêu chí này, khu vực phía Nam chưa có tuyến luồng nào phù hợp. Dự kiến sau khi dự án nâng cấp cải tạo luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải xuống độ sâu -15,5m hoàn thành (dự kiến năm 2023), mức độ sa bồi trên tuyến luồng ổn định, đơn vị sẽ xem xét đề xuất cơ quan chức năng bố trí vị trí nhận chìm vật liệu nạo vét tại khu A ngoài khơi biển Vũng Tàu để thực hiện “khoán gọn” tuyến luồng, tiếp tục phát huy công suất khai thác cụm cảng container khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.