Xã hội

Lợi lớn từ số hóa thủ tục cấp đổi GPLX

11/07/2023, 08:01

Nỗ lực chuyển đổi số của Bộ GTVT trong cấp đổi giấy phép lái xe online từng bước mang lại lợi ích lớn cho người dân.

Tiết kiệm nhờ số hóa

Hơn nửa năm kể từ ngày mở rộng dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trên phạm vi toàn quốc, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, từ đầu năm đến nay, hệ thống được triển khai đã nhận được gần 10.200 hồ sơ đăng ký, trong đó, gần 9.000 GPLX đã được cấp, hơn 1.100 hồ sơ đang trong thời gian xử lý.

Số lượng hồ sơ tiếp nhận tăng dần theo từng quý. Nếu như trong quý I/2023, số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết khoảng 16 hồ sơ/ngày, bước sang quý II/2023, con số này tăng lên 92 hồ sơ/ngày và hiện tại đã tăng tới 150 hồ sơ/ngày.

img

Việc triển khai cấp đổi GPLX trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần giảm bớt thủ tục, thời gian, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Ảnh: Tạ Hải.

Việc triển khai cấp đổi GPLX trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần giảm bớt thủ tục, thời gian, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.

Theo tính toán, đối với người dân vùng xa, có khoảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, trung bình mỗi hồ sơ cấp đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến có thể giúp tiết kiệm khoảng 700.000 đồng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT diễn ra chiều 10/7, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, Cục Đường bộ VN đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu GPLX với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện đối soát khoảng 35 triệu GPLX.

Trong đó, hơn 31 triệu GPLX đã được đối soát trùng khớp (đạt hơn 90%), khoảng 3,6 triệu GPLX còn lại đang được tiếp tục phối hợp với C06 đối soát.

Sớm tích hợp, liên thông dữ liệu giao thông, y tế, công an

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Bùi Hoài An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 81 cơ sở đào tạo lái xe. 6 tháng đầu năm 2023, các trung tâm đã tổ chức 1.079 kỳ sát hạch, trong đó đã cấp 127.017 GPLX cho thí sinh.

Co số này giảm hơn 43% so với cùng kỳ năm trước bởi do số lượng học viên tham dự kỳ sát hạch giảm, một phần vì ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, một phần do các quy định mới về đào tạo lái xe được áp dụng như giám sát thời gian học và quãng đường lái xe trên đường.

Theo ông An, khó khăn với địa phương hiện nay là quy định đào tạo đối với một số trường hợp đặc thù. Thành phố đang có 250.000 người khuyết tật sử dụng xe nhưng chưa có cơ sở nào sản xuất phương tiện cho người khuyết tật theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

Có nhiều mức phân loại sức khỏe của người khuyết tật nên việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe đối tượng này khá bất cập.

“Chúng tôi đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu hướng dẫn quy chuẩn xe và Bộ Y tế chuẩn hóa điều kiện sức khỏe với người khuyết tật”, ông An đề xuất.

Cũng theo ông An, hiện nay các phần mềm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT) của học viên học lái xe còn riêng rẽ, chưa liên thông với nhau. “Các ngành giao thông, công an và y tế cần chia sẻ dữ liệu trong công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe… nhằm tạo thuận lợi cho người dân”, ông An nói.

Tiếp nhận phản ánh của địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường bộ VN nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định chưa phù hợp.

Tăng cường quản lý lái xe sau đào tạo

Đánh giá công tác thanh, kiểm tra của lực lượng chuyên ngành Bộ GTVT, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX vẫn còn bất cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường bộ VN khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả hơn, trong đó có cả việc nghiên cứu quản lý lái xe sau đào tạo.

Đồng quan điểm này, nêu ý kiến tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó cục trưởng Cục CSGT đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật ATGT, công tác quản lý phương tiện, người lái cần được siết chặt để tiếp tục kéo giảm TNGT.

“Bộ GTVT cần phối hợp tổng kiểm soát ô tô vận tải container, vận tải khách trên toàn quốc. Những phương tiện hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lái xe không đảm bảo sức khỏe… tuyệt đối không được xuất bến”, ông Mừng đề nghị.

Thông tin thêm về tình hình TNGT, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho biết, trong hai quý đầu năm, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí. Số vụ TNGT giảm 18,85%, số người chết giảm 6,7% và giảm hơn 7,19% người bị thương.

“Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, CSGT và ngành GTVT là những lực lượng nòng cốt”, ông Mừng nói và cho biết, 6 tháng qua, lực lượng CSGT toàn quốc kiểm tra, xử lý hơn 1,6 triệu trường hợp vi phạm ATGT trên các lĩnh vực (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước), phạt hơn 3.000 tỷ đồng. So với năm trước, xử phạt tăng 22%.

Riêng vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã xử lý gần 374.000 trường hợp, chiếm gần 23% tổng số vi phạm, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ GTVT, số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến đổi giấy phép lái xe tăng từ tháng 3/2023, sau khi có nhiều cơ sở y tế hoàn thành kết nối cung cấp dữ liệu điện tử khám sức khỏe người lái xe.

Tuy nhiên, số lượng hồ sơ thực hiện còn thấp so với dữ liệu khám sức khỏe được đồng bộ (1.044 cơ sở đã kết nối), còn 5/63 Sở GTVT chưa có hồ sơ đăng ký trực tuyến, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Trị, Trà Vinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.