Quản lý

Lợi nhuận tăng, lương tăng sau cổ phần hóa

27/04/2015, 19:05

Doanh nghiệp ngành Giao thông vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, đời sống của cán bộ, công nhân viên được cải thiện đáng kể.

211
Công nhân làm việc tại Nhà máy đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh)

Thu nhập tăng, ổn định việc làm

Theo báo cáo mới nhất của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) liên quan đến đời sống của người lao động tại các Tổng công ty sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, thu nhập của người lao động tăng 22,6%. Điều này cho thấy, sau cổ phần hóa (CPH), cùng với năng suất lao động tăng, thu nhập của người lao động không những được duy trì, bảo đảm mà còn tăng đáng kể.

Có mặt trên công trường xây dựng nút giao Trung Hòa (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến không khí lao động khẩn trương của các công nhân thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4). Anh Lê Quốc Anh, công nhân thuộc Chi nhánh Hà Nội cho biết, đã làm việc tại Chi nhánh được gần năm năm. “Từ khi Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn vì việc làm được bảo đảm, thu nhập tăng lên”, anh Quốc Anh chia sẻ.

"Trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp thì tất yếu sẽ có một lực lượng lao động dôi dư. Tuy nhiên, số lao động dôi dư, phải sắp xếp này chủ yếu tập trung ở khối lao động gián tiếp, văn phòng, còn lực lượng lao động trực tiếp ít bị ảnh hưởng. Điều này xuất phát từ thực tế tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây thường có bộ máy làm công việc gián tiếp rất cồng kềnh nên việc sắp xếp lại là đương nhiên. Sau CPH, các doanh nghiệp đều phát triển hơn nên nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng lên. Vì vậy, số lượng việc chắc chắn cũng tăng theo”.

Ông Đỗ Nga Việt 
Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam

Trong cái nắng đầu hè chói chang, khuôn mặt của Quốc Anh nhễ nhại mồ hôi, nhưng nét mặt của chàng trai trẻ luôn rạng rỡ: “Về thu nhập thì căn cứ vào số công lao động thực tế. Thời gian gần đây, công việc đều hơn. Nếu như trước mỗi công nhân chỉ có thể làm được 15 – 20 công/tháng, nay làm không hết việc. Trung bình hàng tháng mỗi công nhân làm được 30 – 35 công. Quy ra tiền, mỗi công khoảng 200 nghìn đồng, mỗi tháng chúng tôi cũng nhận khoảng 7 – 8 triệu tiền lương”, anh Quốc Anh nói và cho biết, làm công nhân ngành Giao thông thu nhập có thể đo đếm được từ số lượng mồ hôi đổ trên công trường. Vì thế, cứ có nhiều việc làm là anh em phấn khởi lắm.

Cũng có mặt trên công trường, ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban Điều hành dự án cho biết, sau khi CPH, các hoạt động thi công trên công trường cũng được Tổng công ty siết chặt theo hướng khoa học và chuyên nghiệp hơn. Nếu trước đây, ban điều hành các dự án thường phải dựng lán trại trên công trường, nay đều được tạo điều kiện thuê nhà làm văn phòng khang trang. Công nhân lao động trực tiếp cũng được bố trí chỗ ăn ở kiên cố và đầy đủ tiện nghi hơn, không còn phải dựng lán trại bằng tre nứa như trước nữa.

Ngay như Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), trước khi thực hiện CPH, đơn vị này ngập trong nợ nần, kiện tụng và thiếu việc làm. Tuy nhiên, chỉ sau một năm CPH, Vinawaco đã có bước tiến mạnh mẽ. Năm 2013, trước khi CPH, doanh thu của đơn vị này chỉ vỏn vẹn có 586 tỷ đồng, sau CPH, doanh thu đã đạt 1.020 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng từ 660 triệu đồng năm 2013 lên 16 tỷ đồng năm 2014. Thu nhập bình quân lao động cũng tăng từ 3,9 triệu đồng/người lên 7 triệu đồng/người/tháng. Ngay sau khi CPH, doanh nghiệp này đã trả lương CBCNV trước ngày 10 hàng tháng, chấm dứt tình trạng nợ lương cán bộ, công nhân như những năm trước.

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng giám đốc Vinawaco, người đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại doanh nghiệp này tâm sự: “Chúng tôi luôn coi người lao động là tài sản quý nhất của công ty. Vì thế, ngay sau khi tiếp quản Vinawaco, tôi đã yêu cầu phải có sự đãi ngộ tương xứng với công sức của anh em công nhân, nhất là những người lao động trực tiếp trên công trường”.

Theo ông Tuấn, Tổng công ty đã ban hành quy định phải trả đủ lương cho công nhân trước ngày mùng 10 hàng tháng. Đặc biệt, với anh em công nhân từ công trường trở về, các khối văn phòng tại Tổng công ty phải tạo mọi điều kiện để anh em hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán nhanh nhất, không được gây khó khăn. Đặc biệt, phải bố trí chỗ ăn, chỗ ở đầy đủ, đàng hoàng bởi chính họ là những người quyết định sự tồn tại và phát triển của Tổng công ty.

Là doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận cao nhất trong số 10 doanh nghiệp CPH, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) trong năm 2014, lợi nhuận tăng trên 58%. Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI cho biết: “Đáng mừng nhất sau CPH là Tổng công ty đã tạo ra được một nguồn việc làm khá lớn. Vì thế, toàn bộ cán bộ, nhân viên của Tổng công ty không phải bớt đi một ai, công việc đều đặn, môi trường làm việc tốt hơn nên cũng không ai bỏ ra đi. Nếu trước đây thu nhập bình quân của Tổng công ty khoảng 8 – 9 triệu/tháng, sau khi CPH, thu nhập trung bình tăng lên khoảng 10 triệu đồng/tháng. Để tránh cào bằng thu nhập, TEDI vẫn thực hiện cơ chế nhận khoán. Theo đó ai làm nhiều, làm tốt thì hưởng nhiều. Vì thế có những anh em lương còn cao hơn Tổng Giám đốc”.

“Cổ phần hóa chỉ có tốt hơn trước”

Đây là chỉ lệnh của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong nhiều cuộc họp về công tác CPH các doanh nghiệp trong ngành GTVT. “CPH doanh nghiệp là để đổi mới phương pháp quản trị doanh nghiệp, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho doanh nghiệp tốt hơn lên. Chính từ tiền đề đó chắc chắn sau CPH, doanh nghiệp sẽ có hiệu quả hơn, thu nhập của người lao động sẽ tăng lên”, Bộ trưởng nói và cho biết, giao cho tư nhân thì doanh nghiệp sẽ hoạt động lành mạnh. Người lao động được hưởng lợi. Còn Nhà nước cũng chỉ lo việc kiểm tra, giám sát chứ không còn phải lo những việc thực hiện cụ thể nữa.

“Sau CPH, có doanh nghiệp vốn trước đây kiện cáo liên miên vì đời sống người lao động không được bảo đảm thì nay “tuyệt chủng” đơn kiện. Hiệu quả doanh nghiệp thể hiện trực tiếp đối với người lao động”, Bộ trưởng lấy ví dụ rất cụ thể về hiệu quả của các doanh nghiệp sau CPH.

Thực tế đã và đang từng bước được chứng minh qua hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp sau gần một năm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tính đến thời điểm 31/12/2014, theo báo cáo tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của 10 Tổng công ty hoàn thành CPH trong năm 2014 với năm 2013 tăng đột biến. Tổng tài sản tăng 18,59%, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, doanh thu tăng 15,23%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của 10 Tổng công ty này đã tăng 82,96% và nộp ngân sách tăng 108%. Theo kết quả chưa chính thức báo cáo về Bộ GTVT của 10 Tổng công ty hoàn thành CPH trong năm 2014, tất cả các chỉ số về sản xuất kinh doanh như: Sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều tăng đột biến.

Đánh giá về hiệu quả của các doanh nghiệp sau CPH, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) nhận định: “Các doanh nghiệp sau CPH đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ GTVT đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm. Góp phần to lớn để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.