Túc trực ngày đêm
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, liên tiếp 6 đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy (TP HCM) đã lên đường ra Đà Nẵng, hỗ trợ các đồng nghiệp ở tâm dịch.
Theo đó, 4 đội đã được phân công túc trực tại BV Phổi Đà Nẵng, sau khi hoàn thành Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu. Chia sẻ về hoạt động của nhóm, BSCK2. Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: “Mỗi sáng, nhóm có mặt tại bệnh viện lúc 7h30.
Sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực thì ê-kip bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Bữa cơm trưa thường rơi vào khoảng sau 13h, rồi sau đó ai lại vào việc nấy. Những ai không ở lại thì thường rời bệnh viện sau 20h”.
Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của BV Chợ Rẫy ở lại trực. Chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nặng từ các BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV Ung bướu Đà Nẵng, BV Hòa Vang... cũng là hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy tại BV Phổi Đà Nẵng.
BSCK2. Lê Kinh Luân, khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy, trưởng ê-kip phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy tại BV Hòa Vang cho biết, mỗi ngày từ 2 - 3 lần, họ cùng các đồng nghiệp mặc trang phục cách ly vào chăm sóc cho bệnh nhân. Do bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng yếu, nay kết hợp nhiễm Covid-19 nên không ít bệnh nhân ở tình trạng nặng. Vì thế, các y bác sĩ đều nỗ lực hết sức.
Chịu trách nhiệm điều phối đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy tại BV Đa khoa Quảng Nam và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BSCK2 Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức Cấp cứu, BV Chợ Rẫy cho biết: “Ở đầu chiến tuyến cùng các đồng nghiệp dù có nhiều vất vả và đứng trước nguy cơ lây nhiễm nhưng mọi người luôn động viên nhau cùng lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để vượt qua”.
Được biết, hiện nay, Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu của BV Phổi Đà Nẵng đang điều trị cho 16 bệnh nhân, trong đó có 8 bệnh nhân nặng thở máy, 2 bệnh nhân đang chạy ECMO và 4 bệnh nhân phải lọc máu liên tục.
Xuyên ngày đêm truy tìm virus
Với kinh nghiệm từ những đợt dịch SARS năm 2003, H5N1 năm 2004, H1N1 năm 2009 và gần đây là dịch Covid-19 với ổ dịch lớn tại Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, thành viên của “nhóm đặc nhiệm xét nghiệm” có mặt tại tâm dịch Đà Nẵng từ rất sớm.
PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết: “Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều. Hàng chục nhân viên làm việc xuyên ngày đêm để truy tìm virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) để các bộ phận khác sớm giám sát, cách ly và chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh tại TP Đà Nẵng”.
Theo PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, do lượng mẫu chuyển về lớn nên các đơn vị đã mở ra 2 khu vực để thiết lập máy móc, chính vì vậy việc kiểm soát chất lượng mẫu khá tốt vì phân thành những khu vực chuyên biệt.
“Nhân sự trong Đội xét nghiệm đôi lúc cũng áp lực bởi khối lượng công việc liên tục và lớn quá. Có nhiều bạn làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Các bạn thay phiên nhau tranh thủ giờ nghỉ trưa hiếm hoi để ăn cơm ăn lấy sức”, PGS. TS. Khánh Hằng chia sẻ.
Trong mấy ngày qua, nhiều đoàn y bác sĩ từ nhiều miền Tổ quốc cũng đã vào chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch. Từ Phú Thọ, đoàn y bác sĩ 38 người (trong đó có 18 bác sĩ, 20 điều dưỡng), đều là những người được lựa chọn kỹ càng từ 100 cán bộ y tế xung phong tình nguyện cũng đã đặt chân vào Quảng Nam.
Để lên đường, BSCKI. Bùi Thị Đến, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ đã gửi lại 2 con nhỏ cho ông bà chăm sóc. “Công tác trong ngành truyền nhiễm, tôi hiểu hơn ai hết về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nhưng với tình thế cấp bách, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ các đồng nghiệp của mình ở vùng dịch”, BS. Đến cho biết.
Còn BS. Bùi Thế Linh, Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Các đồng nghiệp của chúng tôi phải làm việc rất vất vả vì sự thiếu hụt nhân viên y tế do một số y bác sĩ đã phải cách ly trong khi lượng bệnh nhân lại quá nhiều. Chúng tôi muốn góp chút sức lực của mình sát cánh cùng đồng nghiệp”.
Cách đó ít ngày, đoàn 33 bác sĩ, điều dưỡng từ Hải Phòng cũng đã có mặt tại Đà Nẵng để hỗ trợ các đồng nghiệp trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đoàn được giao nhiệm vụ hỗ trợ bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, nơi đang điều trị cho 156 bệnh nhân Covid-19, 20 bệnh nhân trong số này chạy thận nhân tạo.
Ba y bác sĩ đầu tiên trong đoàn y bác sĩ tỉnh Bình Định cũng về nhận nhiệm vụ hỗ trợ BV Phổi Đà Nẵng, nơi điều trị cho 12 bệnh nhân hồi sức. Trong đó, 7 bệnh nhân nặng và 5 bệnh nhân hồi sức đang thở oxy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận