Sáng 3/11, ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có báo cáo thông tin về kết quả vận hành xả lũ thủy điện Đăk Mi 4 trong ngày 28/10.
Từ 13h ngày 26/10 đến 19h ngày 27/10/2020, hồ thủy điện Đak Mi 4 đã thực hiện vận hành hạ mực nước hồ từ cao trình +255.01m xuống cao trình mực nước đón lũ thấp nhất +251.5m và tiếp tục vận hành duy trì mực nước hồ đến 6h ngày 28/10 theo đúng lệnh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Với kết quả vận hành nêu trên, hồ thủy điện Đak Mi 4 có dung tích phòng lũ tối đa cho vùng hạ du (64,09 triệu m3).
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua), trên lưu vực hồ Đak Mi 4 đã xuất hiện mưa đặc biệt lớn cục bộ dẫn đến lưu lượng nước về hồ lớn bất thường trong thời gian ngắn; do vậy buộc phải vận hành giảm lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn đập, mặc dù vậy lưu lượng xả lớn nhất (7.074 m3/s) thấp hơn rất nhiều so với lưu lượng lớn nhất về hồ (13.398,39 m3/s).
Hơn nữa, việc quyết định lưu lượng xả tối đa được thực hiện từ lúc 16h nhằm tranh thủ thời gian còn thuận lợi để di dời dân, nếu xả muộn hơn sẽ vừa mất an toàn đập vừa nước dâng đột ngột vào ban đêm sẽ gây hậu quả vô cùng lớn.
"Như vậy, sau 17h thực hiện vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đak Mi 4 đã vận hành cắt được đỉnh lũ 13.398,39 m3/s (vượt lũ thiết kế 11.400 m3/s) và điều tiết về hạ du với lưu lượng trung bình bằng 56,09% lưu lượng đến và nhờ đó đã giảm lũ cho hạ du được 43,91%.
Tuy nhiên, do vận hành quá khẩn cấp nên việc gây ảnh hưởng cho người dân là không tránh khỏi", ông Tý khẳng định.
Ông Trương Xuân Tý cho biết thêm: Từ phân tích nêu trên, nhận thấy, hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 đã thực hiện vận hành cơ bản đảm bảo các nội dung quy định tại Quy trình 1865; chấp hành đúng lệnh vận hành của UBND tỉnh Quảng Nam và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, góp phần giảm lũ cho hạ du.
Trước tình hình thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Nam có đề nghị Công ty CP Thủy điện Đak Mi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại tài sản của người dân hạ du đập.
Trước đó, theo thông tin phản ánh của UBND huyện Nam Giang, vào tối 28/10 thủy điện ĐắK Mi 4 bất ngờ xả lũ, nước dâng đột ngột, tràn qua quốc lộ 14D trung tâm hành chính huyện, vào sân của trụ sở Công an huyện Nam Giang.
Lũ bất ngờ ập đến trong đêm nên gần như cả chính quyền và nhân dân không nhận được thông báo xả lũ với lưu lượng khủng khiếp và đột ngột như vậy ngay sau cơn bão quét qua, khiến lực lượng chức năng địa phương không kịp hỗ trợ di dời tài sản cho dân.
Thống kê ban đầu của UBND huyện Nam Giang cho biết, hậu quả xả lũ của thủy điện Đắk Mi 4 đã gây hư hại 106 nhà dân ở thị trấn Thạnh Mỹ, 215 nhà ở xã Cà Dy bị ngập lụt, tất cả tài sản trong nhà bị trôi mất, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu.
Không những nhà cửa, tài sản người dân huyện Nam Giang bị thiệt hại nghiêm trọng, các tuyến đường giao thông Hồ Chí Minh, QL cũng bị tán phá nặng nề, gây sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.
Ghi nhận trực tiếp tại các vùng lũ Đại Lộc, người dân cho rằng lũ lên nhanh, bất thường sau khi thủy điện Đăk Mi 4 thông báo xả tràn. Thời điểm này, Quảng Nam chưa mưa lớn, chỉ 1 ngày sau khi bão số 9 đi qua, nhưng thủy điện đã xả lũ ồ ạt khiến người dân hạ lưu không kịp di dời, lánh nạn.
Đại diện Cục QLĐB III (Tổng cục đường bộ VN) cho hay, hàng loạt hệ thống đường Quốc lộ, Đường HCM, đường Trường Sơn Đông bị ngập lũ cục bộ, chia cắt, hư hại, thậm chí cắt đường sau khi Đăk Mi 4 thông báo xả lũ. Cục đã thông tin lên UBND tỉnh Quảng Nam và kiến nghị thủy điện Đăk Mi 4 giảm mức xả lũ. Nhưng tình trạng ngập lụt, lũ gây xói lở đứt đường gia tăng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận