Xã hội càng hiện đại, càng cần hơn những phút thảnh thơi để ngắm cuộc sống tươi đẹp đang hiện hữu xung quanh. Ảnh: K.Linh. |
Con người ngày nay đã mất thói quen đi bộ. Họ bị lệ thuộc vào các phương tiện giao thông. Họ phó mặc mình cho các phương tiện đó. Các phương tiện tốc độ càng cao thì càng bắt con người gắn chặt vào máy móc. Con người trở thành máy móc.
Vì thế đường xe là đường nối hai điểm đi, đến và con người ngồi trên xe chỉ quan tâm đến điểm xuất phát và đích. Họ không để ý đến những gì khác trên chặng hành trình. Cái nhanh của tốc độ đã tước mất của họ niềm vui thưởng ngoạn thiên nhiên, cảnh vật, cuộc sống, con người diễn ra muôn hình vạn trạng trên mỗi bước đi. Đi bộ bằng hai chân là đi thong thả, chậm rãi, là đi từ điểm này đến điểm khác cho mãi tới đích cuối. Trên đường đi ấy người bộ hành thoải mái ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, thích chỗ nào có thể dừng lâu chỗ ấy, cứ nhẩn nha chân bước mắt nhìn, hành trình đi là hòa mình vào không gian thiên nhiên và không gian xã hội.
Nhà văn người Séc - Milan Kundera đã viết rất hay về đường bộ, đường xe và tốc độ. Đường bộ: Dải đất cho người ta bước bộ mà đi. Đường xe khác đường bộ không chỉ là để cho xe chạy mà nó chỉ là một đường kẻ nối điểm này với điểm khác. Đường xe chẳng có ý nghĩa tự thân gì cả: Ý nghĩa của nó chỉ là ở hai điểm nối nhau, điểm đi và điểm đến. Đường bộ là bản tụng ca không gian. Mỗi đoạn đường đều có ý nghĩa tự nó và mời gọi chúng ta dừng chân. Đường xe là sự làm mất giá nặng nề không gian mà lỗi của nó hiện giờ không gì khác hơn là thực sự cản trở đi lại của mọi người và tiêu tốn thời gian vô ích.
Trước khi biến mất khỏi phong cảnh, những con đường bộ đã biến mất khỏi tâm hồn con người: Người ta đã thôi ước được đi bộ, được dạo chơi bằng chân và thụ hưởng niềm vui từ việc đó. Hắn đã nhìn cuộc sống của mình không phải như đường bộ mà như là đường xe: Như một đường kẻ dẫn đưa từ điểm này tới điểm khác, từ cấp đại úy đến cấp tướng, từ vai người vợ đến vai bà góa. Thời gian sống đối với hắn đã trở thành một chướng ngại vật thực sự mà hắn cần phải vượt qua bằng những tốc độ ngày càng cao, ngày càng lớn.
Đường bộ và đường xe là hai khái niệm khác nhau về vẻ đẹp. Nếu ai đó bảo đằng ấy, đằng kia có chỗ đẹp thì điều đó có nghĩa là: Khi anh dừng xe lại ở đó anh sẽ thấy một lâu đài đẹp từ thế kỷ 17 có vườn hoa bên cạnh hoặc: Ở đó có một cái hồ, trên mặt hồ trải ra vô tận có những đàn thiên nga bơi lội.
Trong thế giới đường xe, phong cảnh đẹp nghĩa là một ốc đảo đẹp này nối với những ốc đảo đẹp khác bằng một đường kẻ dài. Trong thế giới đường bộ vẻ đẹp là liên tục và luôn biến đổi, trên mỗi bước đi nó đều bảo ta phải dừng lại ngắm nhìn. Thế giới đường bộ là thế giới của người bố, thế giới của đường xe là thế giới người chồng.
Tôi đang cầm lái và ngó gương chiếu hậu quan sát chiếc xe đi phía sau. Đèn xi-nhan bên trái nhấp nháy liên tục cho thấy chiếc xe đó đang rất nôn nóng. Người lái chỉ đợi lúc để vượt qua tôi; Hắn rình khoảnh khắc đó như diều hâu rình con chim sẻ.
Vợ tôi ngồi bên nói: “Cứ 50 phút trên các đường xe ở Pháp lại có một người chết. Anh chỉ cần nhìn những kẻ chạy xe như điên đang luồn lách quanh ta mà xem. Ấy vậy mà cũng chính những kẻ đó lại cẩn thận quá mức khi thấy một bà già bị cướp đồ trong ngõ tối. Vì sao họ lại không biết sợ khi ngồi sau tay lái?”.
Tôi biết trả lời vợ sao đây? Có lẽ là thế này chăng: Một khi đã cưỡi lên mô tô thì người ta chỉ còn biết tập trung vào từng giây lần lượt của cuộc chạy; hắn bị móc vào mẩu thời gian tách khỏi quá khứ, khỏi tương lai; Hắn bị bứt ra khỏi dòng thời gian liên tục; Hắn ở ngoài thời gian; Nói cách khác, hắn đang trong cơn cực khoái, hắn không còn nhớ gì về tuổi tác của mình, vợ con mình, những mối bận tâm của mình, do đó hắn không sợ gì cả, bởi vì nguồn gốc cái sợ là ở phía tương lai mà hắn thì đã thoát khỏi tương lai nên không có gì phải sợ.
Tốc độ là một biến thể của sự cực khoái do cuộc cách mạng kỹ thuật dâng tặng con người. Trái với người đi xe máy, người chạy bộ không thể biến khỏi cơ thể mình đi đâu được cả; Muốn hay không muốn thì hắn cũng phải nghĩ đến vết chai chân và sự khó thở; Khi chạy hắn cảm thấy trọng lượng của mình, năm tháng tuổi tác của mình, cảm nhận rất rõ chính mình và thời gian sống của mình. Mọi sự thay đổi khi con người chuyển tốc độ sang cho máy móc: Cơ thể của hắn lập tức thoát ra ngoài cuộc chơi, hắn phó mặc hoàn toàn cho cái tốc độ thuần túy phi thể xác, phi vật chất, cái tốc độ tự nó, cái tốc độ-cực khoái.
Vì sao niềm vui của sự chậm rãi đã biến mất? Bây giờ họ ở đâu rồi, những con người nhàn tản thuở trước? Ở đâu rồi tất cả những nhân vật trong các bài dân ca suốt ngày thong dong lang thang từ cối xay gió này đến cối xay gió khác và đêm về ngủ dưới sao trời? Chẳng lẽ tất cả họ đã biến mất cùng với những cuộc dạo chơi, những cánh đồng cỏ và đồng lúa, tức là cùng với thiên nhiên?
Có một câu ngạn ngữ Séc gọi sự nhàn tản thú vị của họ bằng ẩn dụ thế này: Họ đang mải nhìn vào cửa sổ Nhà Trời. Còn ai nhìn thấy họ thì không thể buồn chán được: Người đó hạnh phúc. Trong thế giới của ta, nay sự nhàn tản đã hóa thành vô công rồi nghề, mà hai thứ này hoàn toàn khác nhau: Kẻ vô công rồi nghề thì u uất, mệt mỏi vì buồn chán, làm kiệt sức mình vì luôn phải tìm kiếm sự chuyển động mà hắn thiếu.
Tôi nhìn vào gương chiếu hậu: Vẫn chiếc xe đó không thể nào vượt được qua tôi vì dòng xe đi ngược chiều. Ngồi bên cạnh người lái là một phụ nữ: Sao anh ta không trò chuyện đùa cợt với chị ta, không đặt tay lên gối chị ta cho đỡ bức xúc đường chật? Thay vào đó anh ta nguyền rủa tôi - thằng cha lái như rùa - còn người phụ nữ cũng không nghĩ là nên vuốt vai anh ta, chắc chị ta cũng đang thầm lái xe cùng với anh chàng và cũng đang nguyền rủa tôi thậm tệ.
Đi nhanh, ăn nhanh, sống nhanh, con người hiện đại tất bật, vội vàng, đánh mất cả sự thưởng ngoạn và nhấm nháp mỗi khoảnh khắc sống không lặp lại trong đời, giờ đây có lẽ đang bắt đầu mơ được trở lại thời xưa, đi chậm, sống chậm. Những phố đi bộ được lập ra ở các thành phố lớn là một hoài niệm như thế. Bỏ xe máy, ô tô, quay về xe đạp là một hoài niệm như thế. Cố nhiên đường xe vẫn còn phát triển nhưng đường bộ không mất đi. Tốc độ máy móc vẫn ngày càng được tăng lên nhưng tốc độ sống sẽ chậm lại. Và dẫu đi đường bộ hay đường xe thì con người vẫn phải làm chủ tốc độ của mình cả trong hành trình đi lại và hành trình sống.
Hà Nội đầu 2015
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận