Trong bình luận về tình hình tại Dải Gaza, ngày 10/10, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến "luật chiến tranh" (bao gồm việc tránh tấn công nhắm vào dân thường). Ông cũng cảnh báo Israel tuy chắc chắn phải tiêu diệt Hamas nhưng vẫn phải tuân theo luật chiến tranh.
Phát biểu cùng ngày, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã lên án cuộc tấn công của Hamas đồng thời chỉ trích hành động không phù hợp với luật pháp quốc tế của Israel khi cắt nước, điện và lương thực của dân thường ở Gaza.
Trên thực tế, luật pháp, bản chất của cuộc xung đột – cùng với tình trạng của hai bên liên quan – rất phức tạp. Để làm rõ về một số vấn đề, hãng tin The Conversation đã có cuộc phỏng vấn với ông Robert Goldman, một chuyên gia về luật chiến tranh tại Đại học Luật Hoa Kỳ Washington.
Dưới đây, Báo Giao thông dẫn lại những quan điểm, nhận định của chuyên gia Goldman về luật chiến tranh và đối chiếu với xung đột Israel - Hamas.
"Luật chiến tranh" là gì?
Luật chiến tranh, còn được gọi là Luật Nhân đạo Quốc tế (IHL), bao gồm bốn Công ước Geneva năm 1949, hai Nghị định thư bổ sung năm 1977, Công ước La Hay năm 1899 và 1907, cùng một số công ước khác về vũ khí.
Nói một cách đơn giản, những văn bản này là căn cứ đặt ra các hạn chế và quy định cấm khi tiến hành chiến tranh, tập trung vào việc tránh cho dân thường và người không tham chiến chịu tác động của hành động thù địch từ các bên liên quan.
Khi xảy ra xung đột, IHL cần phải được tôn trọng, bất kể cuộc chiến đó được tiến hành vì lí do gì và có hợp pháp hay không.
Do IHL áp dụng đối với các cuộc xung đột quốc tế giữa hai hoặc nhiều quốc gia có chủ quyền nên các nội dung luật này nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiến chương Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, việc hiểu và thực thi IHL lại tuỳ theo thông lệ riêng của quốc gia thành viên.
Do đó, việc vi phạm IHL được cho là rất khó bị truy tố và có thể không mang lại kết quả gì khi các bên liên quan thiếu hợp tác.
Bản chất của xung đột Israel - Hamas?
Câu trả lời cho câu hỏi này không thể giải thích rõ ràng, theo The Conversation.
Nhiều chuyên gia luật nhân đạo cho rằng Hamas và Israel đang tham gia vào cái gọi là "xung đột vũ trang phi quốc tế". Đơn giản hơn, đây được gọi là một cuộc nội chiến giữa lực lượng vũ trang của một quốc gia (Israel) chống lại một chủ thể phi quốc gia có vũ trang (Hamas).
Theo cách hiểu này, các văn bản thuộc IHL sẽ không được áp dụng toàn bộ vào xung đột Israel – Hamas.
Theo đó, chỉ có Điều 3 trong Công ước Geneva cùng nhiều quy tắc luật tục (các quy định xuất phát từ thông lệ quốc tế chung và đang được chấp nhận như luật) là phù hợp với tình hình hiện tại. Điều 3 nghiêm cấm các hành vi như tra tấn, hành quyết và không xét xử công bằng đối với dân thường và những người không tham chiến.
Nội dung về tù nhân chiến tranh (chỉ áp dụng cho xung đột giữa các quốc gia) cũng sẽ không áp dụng.
Tuy nhiên, dựa trên thực tế Israel kiểm soát biên giới và không phận của Gaza, đồng thời là bên cung cấp phần lớn điện năng cho Gaza nên có thể cho rằng, sự bùng phát xung đột gần đây giữa Hamas và Israel sẽ kích hoạt toàn bộ luật chiến tranh khi Israel đã và đang có những hành động quân sự và bao vây, cấm vận nhằm vào dân thường trong khu vực chiếm đóng.
Phải phân biệt rõ dân thường và lực lượng tham chiến
Ngày nay, các quy tắc điều chỉnh việc tiến hành chiến sự trong cả xung đột vũ trang quốc tế và phi quốc tế về cơ bản là giống nhau.
Quy tắc đầu tiên trong mọi cuộc xung đột là phân biệt rõ ràng giữa dân thường và lực lượng tham chiến. Và các cuộc tấn công chỉ được hướng vào người tham chiến và các mục tiêu quân sự khác.
Khi xảy ra chiến sự, việc bảo vệ dân thường về cơ bản phụ thuộc vào ba yếu tố: Người dân phải tránh liên can đến xung đột; Bên kiểm soát dân thường không được đặt người dân vào nguy cơ bị tổn hại như sử dụng họ làm lá chắn và bên tấn công phải có biện pháp để tránh hoặc giảm thiểu thương vong quá mức cho dân thường khi tấn công các mục tiêu hợp pháp.
Dân thường ở Gaza vừa không phải là mục tiêu hợp pháp mà họ còn được bảo vệ theo nguyên tắc cân xứng trong IHL.
Nguyên tắc này nghiêm cấm một cuộc tấn công có thể dự đoán trước kết quả là gây thương vong quá mức cho dân thường hoặc sự thương vong này vượt quá lợi ích từ việc tiêu diệt mục tiêu.
Trong trường hợp ở Dải Gaza, nguyên tắc này yêu cầu trước khi tiến hành một cuộc tấn công, quân đội Israel phải phân tích và xác định tác động có thể xảy ra đối với dân thường. Nếu một cuộc tấn công dường như gây thương vong lớn cho dân thường thì phải bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.
Với mật độ đô thị của Gaza, Israel sẽ không thể tránh khỏi gây nên thương vong dân sự lớn, ngay cả khi họ sử dụng vũ khí chính xác.
Thêm vào đó, Hamas trước đây cũng từng sử dụng dân thường và hiện là con tin để che chắn cho các mục tiêu quân sự.
Trong khi Israel chịu trách nhiệm trong việc bắn phá Gaza và gây ra thương vong lớn cho dân thường thì Hamas cũng khó có thể cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh nếu họ cố tình đặt người dân vào tình thế nguy hiểm.
Tuy Israel tuân thủ nghĩa vụ đưa ra cảnh báo trước về một cuộc tấn công ở phía bắc Gaza nhưng vấn đề là: Một triệu người dân Gaza phải đi đâu để ẩn náu khi biên giới bị đóng cửa và các mục tiêu quân sự đang bị tấn công trên khắp Gaza?
Hiện tại, chiến tranh bao vây tổng lực luôn được coi là bất hợp pháp và bị IHL cấm.
Vị thế và trách nhiệm của Hamas theo IHL
IHL quy định bình đẳng với tất cả các bên tham chiến, bất kể bản chất của xung đột là gì. Do đó, lực lượng Israel và Hamas có quyền và nghĩa vụ như nhau.
Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột mang tính chất phi quốc tế thì Hamas sẽ được coi là một chủ thể phi nhà nước có vũ trang và các tay súng của họ không đủ điều kiện để được coi là tù nhân chiến tranh khi bị bắt giữ. Theo đó, ngay cả khi Hamas có tuân thủ luật chiến tranh, Israel vẫn có thể xét xử họ về mọi hành vi thù địch.
Còn trong trường hợp cuộc xung đột mang tính quốc tế thì các tay súng Hamas vẫn không được coi là tù nhân chiến tranh khi bị bắt giữ vì họ không phải là lực lượng vũ trang của Palestine.
Palestine hiện được 138 quốc gia công nhận là một nhà nước và nằm dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Palestine (PA).
Như vậy, Hamas chỉ là một nhóm vũ trang không chính quy. Để đủ điều kiện được hưởng quy chế Tù nhân Chiến tranh theo Điều 4A(2) của Công ước Geneva lần thứ ba, các thành viên của một nhóm vũ trang không chính quy phải tuân thủ các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, cả về mặt tập thể lẫn cá nhân.
Các quy định này bao gồm việc hoạt động tách biệt với dân thường và tuân thủ luật chiến tranh. Rõ ràng Hamas đã và đang không đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Do đó, Israel có thể từ chối công nhận tình trạng tù nhân chiến tranh của các tay súng Hamas khi bắt giữ họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận