Chiều sâu lòng đất, chiều cao trên không tuân thủ theo quy định nào?
Ông Tiến cho biết, khoản 1, Điều 193 của Dự thảo quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất: "Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan".
Hai đường hầm xuyên lòng đất ở trung tâm Quận 1 (TP.HCM) nối liền giữa nhà ga Ba Son với ga Nhà hát Thành phố
Tuy nhiên, theo ông Tiến, trong Dự thảo đã không có quy định cụ thể, rõ ràng về độ sâu lòng đất, chiều cao trên không cần phải tuân thủ. Các quy định khác về độ sâu trong lòng đất, chiều cao trên không cũng không nhiều. Do đó, ông Tiến cho rằng, Dự thảo phải quy định rõ về độ sâu, chiều cao phải tuân thủ là bao nhiêu? Hoặc phải ghi rõ phải tuân theo quy định của văn bản nào? Từ đó để có cơ sở thực hiện sau này.
"Dự thảo lần này nội dung có liên quan về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm hay quản lý không gian ngầm đã được bổ sung khá cụ thể. Tuy nhiên, do quản lý đất đai và sử dụng không gian dưới đất để xây dựng và quản lý là khá mới nên còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ thêm.
Ví dụ: Quyền được sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu? Quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm giữa các chủ thể tham gia (ở các tầng không gian ngầm - mức độ sâu khác nhau); việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm được thực hiện như thế nào?
Sử dụng đất xây dựng công trình ngầm có hành lang an toàn/vùng bảo vệ (công trình theo tuyến)?
Quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và người sử dụng đất dưới mặt đất được quy định như thế nào?
Thu hồi đất, bồi thường để xây dựng công trình ngầm được thực hiện như thế nào?" ông Tiến đặt vấn đề.
Cũng theo ông Tiến, điểm e, khoản 2, Điều 11, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định khá đầy đủ về các loại đất công cộng. “Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất công trình giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, đường sắt, đường bộ và công trình giao thông khác); công trình thủy lợi; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác”.
Song, Dự thảo chưa đề cập đến đất công trình cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải (gồm công trình đầu mối, công trình phụ trợ và mạng lưới). Vì thế, theo ông Tiến, Dự thảo nên nghiên cứu, bổ sung các loại đất nói trên; đồng thời rà soát bổ sung trong nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các loại đất của các công trình này.
Cần bổ sung một chương riêng về đất công
Cũng góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, cần bổ sung một chương riêng quy định về đất do Nhà nước quản lý (hay gọi là đất công).
Theo ông Bảy, hiện nay, vấn đề này được điều chỉnh trong các luật khác nhau, ngoài Luật Đất đai còn có Luật Quản lý tài sản công, Nghị định 167 và hàng loạt văn bản có liên quan và có sự không tương thích, nếu không muốn nói là xung đột giữa các đạo luật liên quan tới tài sản công.
Ví dụ khi cổ phần hóa doanh nghiệp, phần đất doanh nghiệp Nhà nước đang thuê là đất Nhà nước quản lý và không được đưa vào giá trị cổ phần hóa. Công ty cổ phần hóa sau này tiếp tục thuê đất Nhà nước, trả tiền hàng năm. Sau đó, công ty xin thuê trả tiền một lần theo Luật Đất đai và Nhà nước thu được một khoản tiền. Khi chuyển qua chế độ thuê một lần thì công ty có thẩm quyền bán đất đó...
Lấy thêm dẫn chứng đất là nhà xưởng, nhưng theo quy hoạch mới thì ô nhiễm môi trường nên doanh nghiệp được chuyển mục đích sang đất ở và lập dự án. Thời gian qua, quan điểm của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và xét xử, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cũng chưa thống nhất về việc này.
Có ý kiến cho rằng giải quyết như vậy là phù hợp với Luật Đất đai nhưng cũng có ý kiến nói giải quyết như vậy là không đúng quy định về quản lý tài sản công và hỏi vì sao không đấu giá? Thế nhưng tài sản trên đất là của doanh nghiệp, đất người ta sử dụng hợp pháp, không vi phạm quy định luật đất đai, chuyển mục đích phù hợp quy hoạch.
"Tôi cho rằng người dân rất quan tâm đến việc thu hồi đất, tuy nhiên quy định còn thiếu nhiều trường hợp thu hồi đất, đặc biệt liên quan đến đất công. Chẳng hạn như khi có phương án quản lý sắp xếp tài sản công từ Ban chỉ đạo 167 thì có phải là căn cứ để thu hồi đất hay không? Hiện nay, thanh tra, kiểm tra kết luận việc mua bán đó là trái quy định nên phải thu hồi. Tuy nhiên, quy định pháp luật không nói đến việc thu hồi đất theo kết luận thanh tra, việc này gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước?", ông Bảy đặt vấn đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận