Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công giai đoạn mới
Sáng 13/6, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật Đầu tư công sửa đổi với 90,7% số phiếu tán thành.
Đây là một dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý, thậm chí có những ý kiến trái chiều, nên ngày 3/6 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Hội trường và qua kết quả xin ý kiến, các cơ quan liên quan đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) như vừa được thông qua.
Theo đó hầu hết những vấn đề gây tranh cãi đều đã được giữ nguyên như Luật hiện hành.
Cụ thể, giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật mới giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành; đồng thời, chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật ngân sách nhà nước như sau: Giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công, Luật mới cũng giữ nguyên như quy định hiện hành: Quốc hội điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công nhóm A, B, C và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật quy định Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công giai đoạn mới.
Theo đó, quy định Quốc hội khóa trước chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn để Quốc hội khóa mới quyết định tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ; đồng thời, để có thể triển khai, thực hiện việc giao kế hoạch đầu tư công trong năm đầu tiên của giai đoạn mới khi kế hoạch giai đoạn mới chưa được Quốc hội quyết định, Luật sửa đổi quy định: “Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này”.
Chỉ tách riêng dự án giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm A
Để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật có liên quan và yêu cầu thực tiễn quản lý dự án, Luật ĐTC sửa đổi quy định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết với dự án có quy mô lớn từ nhóm A trở lên.
Tương tự như vậy, đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn ở địa phương, xin chỉnh sửa tương ứng các quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương, trước ngày 5/12 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp khóa trước cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau; Ủy ban nhân dân căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau.
Thay đổi trình tự phê duyệt, giao vốn đầu tư công
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, nhằm đẩy mạnh phân cấp, đổi mới theo hướng tăng cường hậu kiểm, giảm bớt tiền kiểm, giảm thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định “Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết danh mục, mức vốn, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau".
Theo đó, để tạo sự chủ động cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới. Trên cơ sở kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện phân bổ chi tiết, gửi phương án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện.
Luật mới cũng quy định nguyên tắc các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ phê duyệt kế hoạch hàng năm với nguồn vốn này và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án, lập và giao kế hoạch vốn phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị.
Ngoài ra, Luật mới cũng tiếp thu và bổ sung nhiều nội dung về: phản biện xã hội; trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc cung cấp tài liệu, báo cáo cho các cơ quan, tổ chức; quy định trách nhiệm của người đứng đầu; quy định giao Chính phủ quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình, dự án đầu tư công ; bỏ những khoản quy định trùng lắp về xử lý hành vi vi phạm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận