>>Thu 300 triệu/lốt xe cửa khẩu: Những mắt xích nào có trách nhiệm liên quan?
>>"Làm luật" trên nỗi thống khổ của tài xế, chủ hàng là tội ác
Để có thể xuất hàng qua biên giới, nhiều chủ xe, chủ hàng phải thông qua các “nhà luật” với mức chi phí vài chục triệu đồng.
Nhiều tài xế rơi vào cảnh vạ vật chờ đợi hàng tháng bởi không đủ tiền “đóng luật”, bị “nhà luật” dùng mọi thủ đoạn giữ xe, đòi tiền.
Sau khi vào cảng Thành Đạt (lối mở Km3+4), tài xế bắt buộc phải ăn, ở sinh hoạt tại đây cho tới khi nhận xe. Lợi dụng tâm lý của các chủ hàng, chủ xe muốn được nhanh chóng thông quan, các “nhà luật” tha hồ đưa ra các mức giá “trên trời” để chèn ép. Ảnh: PV
Lời cầu cứu từ đường biên
Đêm 16/1, đang triển khai tiếp loạt bài điều tra về vụ việc chi trăm triệu mua lốt, làm luật tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, PV bất ngờ nhận được điện thoại cầu cứu của 1 chủ xe quê Tiền Giang.
Qua điện thoại, giọng chủ xe gấp gáp: “Hơn 1 tháng nay, xe xuất khẩu nông sản của em đang bị “nhà luật” là Công ty TNHH Phương Thảo làm khó, ép đưa tiền luật tại Cửa khẩu Bắc Luân 2. Họ liên tục khủng bố, đe dọa tài xế là bố em đang trực tiếp ở đó. Anh giúp gia đình em với...”.
Ngay trong đêm, chúng tôi đã vượt gần 300km về Móng Cái (Quảng Ninh) tìm hiểu vụ việc.
Được biết, ngày 27/11/2021, tài xế Đ.Q.A. cùng 7 xe khác nhận hàng, xuất phát từ Tiền Giang, vận chuyển mít đến Cửa khẩu Bắc Luân 2 (Móng Cái) xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đến ngày 7/12/2021, do cửa khẩu bị ùn ứ kéo dài, 7 xe còn lại đã được chủ hàng chỉ đạo quay đầu về miền Nam. Ngày 13/12/2021, chỉ có duy nhất xe của tài xế này được yêu cầu xuất sang Trung Quốc.
Theo yêu cầu của “nhà luật”, tài xế Đ.Q.A. bàn giao toàn bộ giấy tờ, xe để người của họ đánh xe đi làm thủ tục xuất khẩu.
Đến ngày 19/12/2021, tài xế nhận được điện thoại của chủ hàng và người “làm luật” tại cửa khẩu nói xe đã trả hàng xong, chuẩn bị đưa về Việt Nam giao xe.
1 xe xuất khẩu bị ép “gánh luật” cho 7 xe quay đầu
Tuy nhiên sau đó, “nhà luật” lại yêu cầu phải chuyển 166 triệu đồng “tiền luật” của đoàn 8 xe đi cùng (trong đó có 7 xe đã quay đầu, không xuất khẩu).
Trước số tiền quá lớn, chủ hàng Việt Nam và tài xế đều không chấp nhận nên đến nay phương tiện trên vẫn bị “nhà luật” giữ lại tại Trung Quốc.
>> Hành trình 29 ngày của 1 xe mít qua cửa khẩu, chi phí 110 triệu
“Hơn 1 tháng nay tôi phải lang thang tại cửa khẩu và bị bà Thảo - lãnh đạo Công ty TNHH Phương Thảo nhiều lần cho người tìm gây sức ép đòi tiền. Đến nay, tôi được thông báo tổng chi phí chuyến hàng xuất khẩu của xe tôi là 67,3 triệu đồng. Trong đó, “tiền luật” là 15 triệu đồng; dầu, điện là 21,3 triệu đồng; lưu bãi 4 triệu đồng; lái xe chung chuyển sang cửa khẩu là 27 triệu đồng. Tôi thắc mắc là tại sao lại “vẽ” ra nhiều thứ tiền với mức cao ngất ngưởng đến vậy thì chỉ nhận được câu trả lời: “Nếu thanh toán đủ thì nhận xe, không thì cứ nằm đấy mà chờ”. Tôi đã đến cầu cứu lực lượng biên phòng, công an nhưng đều không được giải quyết với lý do chỉ là thỏa thuận dân sự, không thuộc thẩm quyền”, tài xế A. bức xúc.
Trong vai người nhà chủ xe, chúng tôi được bà Thảo, biệt danh là “Thảo P&T”, giới thiệu là lãnh đạo Công ty TNHH Phương Thảo có địa chỉ tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Móng Cái cho biết: “Số tiền trên là các khoản chi thực tế cho 8 chuyến hàng trên, đã được thỏa thuận miệng với chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc nhưng họ không chịu trả nên “nhà luật” mới phải làm như vậy. Mức giá trên là quy định chung từ trước đến nay tại cửa khẩu.
Xe nào, “nhà luật” nào cũng thu như vậy. Riêng “tiền luật” thì gồm các khoản hoàn thiện thủ tục và chi phí phát sinh thông quan cho hàng hóa là 17 triệu đồng. Tiền lái xe chung chuyển là 2 triệu đồng/ngày, cứ thế nhân lên, các anh không được hỏi lại”.
Trong khi đó, đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái khẳng định không có cán bộ, công chức tham gia hoặc tiếp tay cho việc “bao luật” đi Trung Quốc.
Về các khoản phí, doanh nghiệp, cư dân xuất khẩu nông sản chỉ phải nộp duy nhất 1 khoản tiền là lệ phí hải quan (20.000 đồng/tờ khai).
Nhan nhản “nhà luật” chèn ép lái xe
Bản kê chi phí xe container chở mít của tài xế Đ.Q.A. đang bị giữ ở Trung Quốc
Trong nhiều ngày thực tế tại các Cửa khẩu Bắc Luân 2 và cầu phao qua Km34 (cảng Thành Đạt), PV chứng kiến cảnh đoàn dài xe container chở nông sản, hàng hóa xếp hàng dài đợi được làm thủ tục xuất, nhập khẩu.
Vạ vật nhiều ngày ở khu vực cửa khẩu, đa số các lái xe chuẩn bị sẵn bếp, nồi niêu, thức ăn để ăn nghỉ tại chỗ. Lái xe N.V.T., quê ở tỉnh Long An chia sẻ: “Xe của tôi ra tới cảng Thành Đạt từ cuối giữa tháng 12/2021. Theo quy định, chúng tôi không được phép ra ngoài mà phải ăn, ở sinh hoạt tại chỗ. Giấy tờ xe của chúng tôi đã bàn giao cho “nhà luật” để làm thủ tục. Nếu không kịp xuất hàng, chúng tôi phải ở lại đây đón Tết trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
Lợi dụng tâm lý của các chủ hàng, chủ xe mong muốn được nhanh chóng thông quan hàng hóa (đặc biệt là nông sản), các “nhà luật” tại Móng Cái tha hồ tung hoành, đưa ra các mức giá “trên trời” để chèn ép.
Sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông về tình trạng bán lốt xe, “làm luật” hàng trăm triệu tại Cửa khẩu Lạng Sơn, thông tin về tình trạng chèn ép lái xe ồ ạt gửi tới Báo. Các lái xe, chủ xe kêu trời vì mức giá mà các “nhà luật” đưa ra.
"Họ cầm đằng chuôi, không đưa tiền thì không trả giấy tờ xe"
Cung cấp những bằng chứng rõ nét như bảng kê danh mục chi phí, quá trình chuyển tiền cho “nhà luật”, lái xe N.V.H. chở thanh long từ Long An ra Cửa khẩu Móng Cái cho hay: “Các “nhà luật” cầm đằng chuôi khi giữ toàn bộ xe và giấy tờ của chúng tôi nên tha hồ chèn ép lái xe đến mức gần như tuyệt đường sinh sống”.
Anh H. cho biết, sau khi đến Cửa khẩu Bắc Luân 2, anh được “nhà luật” Nguyễn Thạch Vĩnh mang xe đi thông quan. Sau 13 ngày chờ đợi, ngày 19/12/2021 xe của anh về lại Việt Nam thì “nhà luật” giữ giấy tờ xe, yêu cầu trả 32 triệu đồng tiền phí xuất khẩu. Trong đó có 13 triệu ghi rõ là tiền luật, lưu ca lái xe (15 ca) là 15 triệu đồng...
“Sau khi nghe thấy con số khủng này tôi rất bức xúc vì các mức tiền trên là quá vô lý. Tuy nhiên, do bị giữ giấy tờ xe, lại liên tục bị thúc ép nên tôi đành cắn răng chuyển khoản 30,5 triệu đồng cho nhà luật trên để nhận lại giấy tờ”, anh H. cho biết.
Trong những ngày tìm hiểu thực tế tại Móng Cái, chúng tôi ghi nhận nhiều lái xe phản ánh, cung cấp các thông tin đến nhà luật Nguyễn Thạch Vĩnh với các mức chi phí khác nhau, trong đó có các khoản tiền luật từ 12 - 14 triệu đồng…
Trong vai chủ xe liên hệ, PV được “nhà luật” Nguyễn Thạch Vĩnh xác nhận khoản thu trên và cho biết đây là mức thu chung, nhà xe và chủ hàng phải thanh toán. Có gì thắc mắc phải liên hệ với chủ hàng, “nhà luật” không làm việc trực tiếp với lái xe và đơn vị vận tải.
Trước thông tin PV cung cấp về tình trạng “làm luật” tại Cửa khẩu Móng Cái, bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không biết được thông tin này. Ban sẽ tiếp nhận thông tin, báo cáo lãnh đạo TP Móng Cái để chỉ đạo điều tra, làm rõ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận