Điều tra

Luật sư kể hậu trường vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, Nguyễn Đức Nghĩa

29/01/2017, 08:28
image

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - người vốn được nhiều người biết đến qua những vụ án chấn động dư luận.

1

Luật sư Nguyễn Anh Thơm bào chữa cho bị cáo Khánh (vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường) đang trao đổi với mẹ bị cáo (chụp tại phiên tòa ngày 14/4/2014).

“Làm luật sư nhưng tôi không sống bằng thu nhập từ nghề”, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người vốn được nhiều người biết đến qua vụ án Nguyễn Đức Nghĩa (hay Thẩm mỹ viện Cát Tường) chấn động dư luận.

Làm kinh doanh để “nuôi” nghề luật sư

Năm 2002, luật sư Nguyễn Anh Thơm bắt đầu tập sự tại một văn phòng luật sư. Ba năm sau, anh mở văn phòng riêng với muôn vàn khó khăn. “Đã có lúc tôi chán nản, muốn buông xuôi, nhưng vì tình yêu và đam mê, tôi lại cố gắng theo đuổi đến cùng”, anh chia sẻ.

Và rồi, để theo đuổi đam mê ấy, anh bắt đầu kinh doanh, buôn bán cùng bạn bè với các mặt hàng như: Điện thoại di động, đồ bảo hộ lao động… Thu nhập từ công việc kinh doanh là nguồn thu nhập chính khi đó, cũng là nguồn để anh nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi nghề luật sư. May mắn khi đó được là thành viên của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nên trong nhiều vụ việc, luật sư Thơm được chỉ định tham gia. Anh tâm sự, khi ấy rất “máu nghề”, có khi ở các tỉnh như Tuyên Quang, Điện Biên có án ma túy lớn, gồm nhiều bị can, họ có công văn xin Đoàn Luật sư Hà Nội cử luật sư hỗ trợ, anh đều hăng hái đi, thậm chí đi xe máy một mình trong đêm đến các tỉnh xa xôi. Anh học hỏi được rất nhiều sau mỗi vụ án, mỗi chuyến đi như thế.

“Tiếng lành đồn xa”, mọi người biết đến luật sư Thơm nhiều hơn qua các vụ án, có những người đích thân viết đơn xin được luật sư Thơm bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi. Từ số các vụ án anh tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, nay mỗi năm anh tham gia khoảng hơn 100 vụ án lớn, nhỏ.

Theo quy định, vụ án xảy ra ở địa bàn nào, địa phương sẽ yêu cầu có luật sư ở đó, nhưng nhiều người ở các địa phương khác đề nghị chỉ định luật sư Thơm hoặc có đơn đề nghị anh làm luật sư miễn phí. Anh chưa từ chối bất cứ trường hợp nào, dù ở các nơi xa như Quy Nhơn, Nha Trang, hay các vùng quê nghèo.

Làm một luật sư chuyên về mảng hình sự, luật sư Thơm rất nhiều lần phải bào chữa cho các bị can, bị cáo gây tội ác. Không ngại phải cùng bị can, bị cáo đứng bên kia chiến tuyến của dư luận xã hội, anh có một cái nhìn cởi mở hơn. “Suy cho cùng, tội phạm họ cũng là con người, tất cả sự việc xảy ra không ai mong muốn, cũng không người nào mong mình là kẻ ác trong xã hội, chỉ là do nhận thức, do cuộc sống, hoàn cảnh nên phạm tội, lúc ấy hãy cứ nhìn nhận họ là con người, là công dân, trách nhiệm lương tâm của luật sư khi ấy là giúp đỡ để họ có cơ hội sám hối, ngoài sự trừng phạt của pháp luật thì vẫn mong họ có cơ hội cải tạo thành công dân có ích cho xã hội”, luật sư Thơm nói.

Những vụ án “khắc cốt ghi tâm”

Năm 2010, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa sát hại bạn gái cũ rồi chặt xác phi tang gây chấn động dư luận. Luật sư Thơm khi ấy chính là người bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa - hung thủ vụ án đang bị cả xã hội lên án. “Ban đầu nhận bào chữa, tôi cũng nghĩ đó chỉ là một vụ giết người như các vụ tôi từng tham gia bào chữa, nhưng càng về sau lại càng hé lộ những tình tiết bất ngờ gây những hiệu ứng dư luận rất lớn.

“Nhưng với Nghĩa, từ buổi đầu tiếp xúc, tôi đã thấy rất thương. Nghĩa là một thanh niên trí thức, nhẹ nhàng, lễ phép, thể hiện là con người có học, không ai nghĩ con người ấy lại gây ra tội ác kinh hoàng. Trong những buổi nói chuyện với luật sư, Nghĩa rất hay khóc, vì hối hận và vì thương bố mẹ. Rồi về sau, biết được hoàn cảnh gia đình Nghĩa, tôi càng thương hơn. Đó có lẽ là vụ án để lại cho tôi nhiều nỗi niềm trăn trở nhất”, luật sư Thơm tâm sự.

Để thực hiện lời hứa với Nghĩa, cũng là để hai bên gia đình bị cáo - bị hại có thể chia sẻ với nhau, luật sư Thơm trực tiếp nhiều lần xuống nhà bố của Nguyễn Phương Linh - bị hại trong vụ án. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất, khi gia đình bị hại đang vô cùng phẫn nộ, anh vẫn đến và bằng tấm chân tình của mình chia sẻ mất mát với gia đình, xin thắp nén hương cho nạn nhân, đồng thời truyền đạt lời xin lỗi của Nghĩa và gia đình Nghĩa.

Sau nhiều lần đi lại, tâm sự, dù biết luật sư Thơm bào chữa cho hung thủ giết con gái mình, nhưng bố nạn nhân vẫn rất quý luật sư, thậm chí nhiều lần gọi điện thoại mời luật sư xuống ăn cơm. Sau đó, chính luật sư đã là cầu nối giữa hai gia đình, để tại phiên tòa họ nói chuyện với nhau. Bố nạn nhân khi ấy cũng ghi nhận tấm lòng và thông cảm với bố hung thủ, không hề trách móc người cha ấy. “Bố của Nguyễn Đức Nghĩa luôn mặc cảm về tội ác tày trời của con trai, nên luôn muốn phần nào bù đắp cho gia đình nạn nhân. Nhưng nghịch cảnh éo le, trong một lần đi vay tiền với mong muốn đem số tiền đó bồi thường cho gia đình bị hại, bố Nghĩa gặp TNGT và qua đời. Ông mất trước phiên tòa xét xử con trai. Nhận tin ấy, tôi bàng hoàng lắm. Thương người cha, người mẹ có con lầm lỗi đến rơi nước mắt”, anh tâm sự.

Khi bản án tử dành cho Nguyễn Đức Nghĩa được định đoạt, luật sư Thơm nói anh đã xác định trước vì biết tội ác của Nghĩa là tày trời, Nghĩa phải trả giá cho giây phút không biết kiềm chế cảm xúc bản thân, nhưng tận trong sâu thẳm, anh vẫn thương Nghĩa, thương gia đình Nghĩa.

Ba năm sau đó, vụ bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết khách hàng rồi vứt xác phi tang một lần nữa làm hoang mang dư luận. Tiếp tay cho tội ác của vị bác sĩ ấy là cậu nhân viên trông xe với gương mặt non choẹt, chưa hiểu biết nhiều về cuộc sống xã hội - Đào Quang Khánh.

Nhận bào chữa cho Khánh, luật sư nhận thấy đó là cậu bé ngây thơ và rất tốt, tốt quá nên bị lợi dụng, bị lôi kéo do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống. Khi ấy, gia đình Khánh cũng rất khó khăn, mẹ Khánh già yếu đã không trụ nổi khi nhận tin con gây tội ác, bà thành người mất trí, hàng ngày tha thẩn với bóng hình cậu con trai ngoan ngoãn. Khi bà nhập viện, luật sư Thơm cũng là người hàng ngày vào thăm nom, động viên và hứa cố gắng hết sức giúp Khánh có cơ hội làm lại cuộc đời.

Rất nhiều lần, anh cũng đến nhà nạn nhân để làm công tác tư tưởng, gửi lời xin lỗi của Khánh đến gia đình. Anh nói cả hai gia đình đều có nỗi đau riêng, là người ở giữa, anh không muốn họ có thêm bất cứ nỗi đau nào, nên luôn sẵn sàng làm người kết nối để các nỗi đau được sẻ chia.

Sau thời gian thụ án, đến nay Khánh đã được ra tù và người đầu tiên cậu thông báo tin vui ấy chính là “chú luật sư Thơm”. Khánh nói rất biết ơn luật sư vì tận tình giúp đỡ Khánh và gia đình ngay từ những ngày đầu. Đến nay, có chuyện vui hay buồn, Khánh đều gọi điện hoặc đến gặp luật sư để chia sẻ, xin ý kiến.

Nói về Khánh, luật sư Thơm cũng ánh lên niềm vui: “Khánh đã được trở về với xã hội, hiện đã có nghề cắt tóc tại một salon tóc của bạn bè, cũng đã có ý chí lập nghiệp, làm lại cuộc đời. Tôi cũng luôn khuyên Khánh phải cố gắng phấn đấu, sống có bản lĩnh. Và tôi hứa với Khánh sẽ luôn ở phía sau giúp đỡ, bất cứ khi nào cậu bé cần”...

“Nhiều người nói tôi không bình thường”

"Với việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho rất nhiều trường hợp, có nhiều người không hiểu nói tôi làm chiêu trò, nhiều người khác thì nói tôi tâm lý không bình thường…

Nhưng tôi không bị chi phối bởi những ý kiến đó. Thế nên, dù đi lại có tốn kém, dù có phải bỏ tiền túi cho tất cả các chi phí, đôi khi phải hỗ trợ thêm cho họ, nhưng tôi không băn khoăn gì. Những người được tôi bảo vệ ở các vùng quê nghèo thể hiện tấm lòng bằng cách gửi cho tôi những món quà quê giản dị như: Con gà, mớ rau, quả mít, quả chuối… Nhưng với tôi, đó là những món quà tinh thần vô giá, tiếp thêm sức mạnh cho tôi trên con đường bảo vệ công lý”.  

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.