Bức tranh toàn cảnh vụ Việt Á thể hiện qua 38 bị cáo
Chiều muộn 9/1, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội đối đáp với những quan điểm tranh luận của 38 bị cáo và nhóm luật sư bào chữa tại phiên xử đại án Việt Á.
"Đây là vụ án mà ngay từ đầu, VKS đã làm rõ được bức tranh toàn cảnh Công ty Việt Á từ quá trình tham gia sản xuất, xin cấp phép lưu hành cho kit xét nghiệm, cho đến giai đoạn đấu thầu để đưa test đến các địa phương", kiểm sát viên trình bày.
Theo vị đại diện, bức tranh toàn cảnh vụ Việt Á cũng được thể hiện qua vai trò, hành vi của 38 bị cáo trong vụ án. Có bị cáo phạm tội xuyên suốt, có bị cáo chỉ là một mắt xích trong chuỗi sai phạm.
Quá trình tố tụng, VKS đã đánh giá rất thận trọng toàn bộ hành vi của các cá nhân bởi đại án Việt Á xảy ra tại 60/63 tỉnh, thành phố. Ở vụ án này, VKS kết luận hành vi sai phạm của 38 bị cáo liên quan 19 địa phương.
Về quan điểm của luật sư cho rằng VKS đề nghị mức án quá cao đối với một số bị cáo, phía công tố đối đáp đối với vụ án này, cơ quan chức năng truy tố 38 bị cáo về nhóm 5 tội danh. Trong đó tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Đến khi luận tội, VKS đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho nhiều bị cáo, qua đó đề nghị mức án dưới khung cho một số bị cáo. "Có người còn bị đề nghị mức hình phạt chưa đến 18 tháng tù", kiểm sát viên tranh tụng.
Đối với ý kiến đề cập cáo buộc Việt Á gây thiệt hại, đại diện VKS khẳng định toàn bộ thiệt hại của vụ án là hơn 1.230 tỷ đồng. Trong đó, 402 tỷ là khoản thiệt hại cho ngân sách Nhà nước liên quan test xét nghiệm. 29 tỷ là thiệt hại về test tách chiết ở Bình Dương.
"Phần còn lại hơn 800 tỷ đồng là khoản thu lời bất chính của Công ty Việt Á", kiểm sát viên giữ quan điểm và cho rằng, hai nhóm chịu thiệt hại gồm các cơ quan Nhà nước và những tổ chức, cá nhân khác.
Đề cập ý kiến tranh luận xung quanh "công trạng" của Công ty Việt Á trong đại dịch, đại diện VKS cho rằng Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) và các bị cáo tại công ty này thực hiện chuỗi hành vi sai phạm trong thời kỳ dịch Covid-19.
Ngoài nhóm bị cáo thuộc doanh nghiệp, số còn lại ở các bộ, ngành, địa phương đã thông đồng, cấu kết với các bị cáo khác liên lạc, hỗ trợ, tác động cơ quan, cá nhân giúp Việt Á có được giấy phép, sản xuất, bán được test xét nghiệm.
“Việt Á, Phan Quốc Việt tham gia phòng chống dịch là để thu lời bất chính nên không thể xem xét có công chống dịch như các luật sư đề nghị”, phía VKS nói. Sau đó, Việt và cấp dưới sử dụng tiền thu lời không chính đáng này để mang đi hối lộ.
"Đây là tiền của Nhà nước, của nhân dân nên không thể nói rằng Việt Á đã có công trong phòng chống dịch", đại diện VKS nêu khi tranh luận.
Cựu thứ trưởng nhận 100 triệu hay 50.000 USD?
Cũng trong phần đối đáp, VKS dành nhiều thời gian tranh luận với nhóm luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc về tình tiết bị cáo này nhận tiền từ Công ty Việt Á.
Ông Tạc bị VKS đề nghị 3-4 năm tù do thiếu quản lý khiến đề tài nghiên cứu sản xuất kit test của Nhà nước bị Việt Á biến thành tài sản tư nhân. Khi xét hỏi, Phan Quốc Việt khai đã đưa cho ông Tạc món quà 50.000 USD. Tuy nhiên, ông Tạc lại cho rằng mình chỉ nhận 100 triệu đồng.
Khi bào chữa, luật sư của ông Tạc cho rằng việc quy kết tội bị cáo nhận 50.000 USD là mờ nhạt, bởi lẽ Phan Quốc Việt không thể mang số tiền ngoại tệ qua cửa hải quan sân bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội để biếu ông Tạc.
Đối đáp quan điểm này, phía VKS khẳng định quy định mang tiền USD trong nước mà qua sân bay không phải khai báo, trừ khi xuất cảnh ra nước ngoài mới phải khai báo hải quan.
Cơ quan điều tra còn làm rõ Phan Quốc Việt đưa 50.000 USD cho ông Phạm Công Tạc sau khi căn cứ vào nhiều tài liệu, hồ sơ khác. Ngoài ra, Việt đưa hối lộ cho nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ đều sử dụng dùng tiền USD.
Như vậy, cơ quan tố tụng xác định cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã nhận 50.000 USD từ Công ty Việt Á, như cáo trạng quy kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận