Cuộc xung đột tác quyền giữa nhạc sĩ Phó Đức Phương - Phú Quang, các hội viên của VCPMC, họ nói gì?. Ảnh minh họa. |
Những ngày qua, cuộc xung đột về tác quyền âm nhạc giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) và Nhạc sĩ Phú Quang lại được xới lên. Một bên cho rằng, công khai minh bạch, một bên thì cho rằng chế khai thác bản quyền âm nhạc cực kỳ bất cập. Bên nào cũng bảo vệ "cái lý" của mình. Nhạc sĩ là hội viên của VCPMC nói gì?
Khuất tất gì công an kinh tế đã vào cuộc
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết, từ khi VCPMC hoạt động, vấn đề bản quyền âm nhạc được thực thi, nhiều nhạc sĩ có thu nhập đều đặn. Điều đó giúp họ giải quyết được nhiều nhu cầu trong cuộc sống.
Cũng theo nhạc sĩ, Trung tâm đã cố gắng nhưng số tiền trang bị cho việc minh bạch rất thiếu. Việc mua máy chủ kiểm soát ai dùng, không dùng bài hát là rất tốn kém, một máy có khi lên tới tiền tỷ.
“Chính vì thế, họ vẫn phải làm thủ công mà thủ công không chính xác 100%. Như vậy, chưa thể khoa học được trong việc thu tiền và phân phối tiền cho tác giả. Bắt họ làm như các nước phát triển là rất khó. Chúng tôi dù nhạc sĩ có tiếng tăm nhưng mỗi quý 3,4 triệu. Mình phải chấp nhận. Nếu không họ không làm nữa, nhạc sĩ không có tiền”, ông nói.
Cũng theo nhạc sĩ, năm nào, bên trung tâm cũng đều mời công ty kiểm toán độc lập vào kiểm toán công tác tài chính. “Nhiều nhạc sĩ cứ nghi ngờ này nọ, nhưng tôi thấy họ rất cố gắng. Nếu không thì ai làm? Mà tôi thấy chỉ có ông Phó Đức Phương dở hơi bỏ sáng tác để đi thu tiền tác quyền. Mà như tôi có tiền tỉ tôi cũng không làm”, ông nói.
Nhạc sĩ cũng chia sẻ, hoạt động của Trung tâm cũng thường xuyên được cơ quan chức năng kiểm tra. “Tôi được biết, khi có sự vụ gì các cơ quan chức năng đều vào cuộc kiểm tra. Nếu có khuất tất gì, công an kinh tế đã lên tiếng rồi”, ông nói.
Hiện tại theo ông, trước mắt, trung tâm nâng cao trách nhiệm, tìm mọi cách để minh hóa việc thu và trả tiền cho các nhạc sĩ. Kể cả đầu tư máy móc. “Cơ bản nên rõ ràng, trong hoạt động biểu diễn, trên đài phát thanh truyền hình, nhạc chuông. Còn ở những nơi quán cafe, thì phải tiến tới dần dần”, ông nói.
Tiền tác quyền phụ thuộc vào đơn vị sử dụng
Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc cho biết, hàng quý trung tâm sẽ mời những nhạc sĩ có ủy quyền cho trung tâm lên để đối soát, và ký nhận tác quyền. Trong danh sách ca khúc đối soát có ghi rõ tiền lấy được từ đâu và bao nhiêu. Theo anh, số tiền mỗi quý nhận được là tiền đến từ nhạc chuông nhạc chờ, YouTube, Karaoke, còn tiền từ biểu diễn và đài không bao nhiêu.
"Thành thử, những cái tên trẻ lại nhận được nhiều hơn, top đầu luôn là Hoài An, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung. Thứ nhất là sáng tác của họ nhiều, thứ hai là được sử dụng nhiều", anh nói.
Tác giả ca khúc “Hoang mang” cho biết, ngày xưa lúc mới vào nghề, có những hãng đĩa tư nhân vô tư lấy bài mình ra album. Xong anh phải đến tận nơi để hỏi tác quyền họ mới trả. Có tình huống hãng ra album mà anh không biết. Bạn anh đi mua đĩa vô tình thấy, gọi cho anh, anh phải ra tiệm mua một đĩa về để lấy địa chỉ, rồi tìm đến để hỏi tác quyền, mà ngày ấy một bài ra CD chỉ lấy được vỏn vẹn 500 nghìn.
Theo nhạc sĩ, hạn chế thì vẫn còn, nhưng đa phần là khách quan. "Các chú đã cất công thu tiền giúp mình, ấy là đã rất quý. Nếu mà có thể làm tốt hơn, chắc hẳn mọi người đã làm. Ai cũng muốn cho mọi thứ ngày một tốt đẹp hơn nhưng trăm sự khó. Tôi ví dụ, thu tác quyền từ trang nghe nhạc trực tuyến. Cả mấy chục ngàn ca khúc. Bao nhiêu triệu lượt nghe lượt download. Cơ sở dữ liệu khổng lồ như vậy mà ngồi đối soát từng bài từng nhạc sĩ thì hỏng. Nên mình dùng cách gọi là thuê bao, trả một khoản phí cố định để được quyền nghe, sau đó muốn nghe nhạc của ai thì tùy. Phân tích sâu rõ ràng có chút bất cập, nhưng ở tình huống và giai đoạn này thì đó là cách tốt nhất”, anh nói.
Nhạc sĩ Phạm Nhật Huy cho biết, gia tài sáng tác của anh có khoảng hơn 20 bài. Số tiền nhận tác quyền mỗi quý khác nhau. Có quý anh chỉ nhận vài trăm nghìn, có quý cao nhất lên đến gần chục triệu. Anh cho biết, tiền tác quyền của nhạc sĩ ít hay nhiều là tùy vào bài hát của nhạc sĩ đó được nhiều người sử dụng hay không.
Những tổ chức đại diện tập thể sẽ có cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục ản Quyền tác giả cho biết, Bộ VH-TT&DL đã gửi tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, có tạo điền kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức đại diện tập thể, trong đó có 5 tổ chức để hoạt động cho tốt. Bên cạnh đó cũng đưa ra những cơ chế, chính sách pháp luật cho chặt chẽ. Cụ thể, tại Chương V đã sửa đổi và bổ sung các nội dung sau: - Bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”: Các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Trường hợp không thỏa thuận được các bên áp dụng theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho đến khi hai bên thỏa thuận được. - Bổ sung điều khoản quy định về việc “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan”, quy định rõ: Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và các khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ; Trường hợp tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan không phân chia được tiền quyền tác giả, quyền liên quan vì lý do khách quan. - Bổ sung điều khoản quy định về việc “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ”: Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán cấp phép, thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan. Tỷ lệ phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận. - Sửa đổi, bổ sung các điều khoản quy định về “quản lý quyền tác giả, quyền liên quan và chế độ báo cáo”: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan theo đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy quyền giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc quản lý một quyền hoặc một nhóm quyền cụ thể. Các nội dung quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thông tin công khai về hoạt động quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận