Người dân xếp hàng để tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM ngày 25/6
Cuộc điện thoại của chị L.Đ (một trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở quận Bình Tân, TP.HCM) với tôi gián đoạn, chị bảo: “Có đồ ăn tới, chị ra nhận đã”.
Đồng hồ chỉ 13h25 ngày 8/7. Đó là bữa ăn sáng của chị và gần 10 trường hợp nghi nhiễm khác cùng phòng, tại một bệnh viện dã chiến điều trị thu dung ở Q.12, TP.HCM.
Chị L.Đ cùng những người hàng xóm của mình được đưa vào bệnh viện từ đêm 7/7, sau 2 lần xét nghiệm ở tổ dân phố. Tới ngày 8/7, chị và những người chung phòng vẫn không có thông tin về xét nghiệm của mình. Không ai biết mình có mắc bệnh hay không.
Khi đến đây, các chị được cho vào chung phòng. Giường xếp khung sắt, san sát nhau như clip chị quay cho gia đình coi.
20 - 21h đêm chị còn alo bảo “xe chở người vô nhiều lắm”.
Khi coi clip, tôi thật sự quá ngỡ ngàng về một khu cách ly (hoặc nơi chuyển tiếp bệnh nhân, người nghi mắc Covid-19) như thế này: Phòng chật, khoảng cách các giường là 1m.
Với khoảng cách như thế này, người chưa nhiễm bệnh cũng có thể bị người khác lây bệnh sang. Khẩu hiệu thì “chống dịch như chống giặc”. Nhưng chống giặc như thế này là “tiếp tay cho giặc”.
TP.HCM ngày trước đó (từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7) ghi nhận 1.693 ca dương tính với nCoV, cao nhất nước khiến ai cũng bàng hoàng. Dĩ nhiên, cả hệ thống chính trị của thành phố cùng người dân vào cuộc và rất nỗ lực. Nhưng nỗ lực và cách thức chống dịch khoa học, chủ động, có chuyên môn là những việc khác nhau.
Trước đó, vào ngày 28/6, một công nhân Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao TP HCM được phát hiện dương tính.
Không hiểu doanh nghiệp này và ngành y tế dập dịch kiểu gì mà đến ngày 3/7 mới ngừng sản xuất để... chống dịch.
Kết quả: Tối 4/7, công ty này có 119 ca dương tính và trên 500 F1. Đáng nói, sau khi xác định thì không có nơi nào để chuyển các ca F1 đi cách ly, đành phải bố trí họ qua đêm tạm bợ ở nhà máy.
Đó là “cơ hội vàng” cho con virus quái ác lây lan. Đến nay, số ca mắc và nghi mắc Covid-19 ở đây đã là 238 người.
Dĩ nhiên, ở một đô thị đông dân cư như TP.HCM thì việc chống dịch không dễ. Nhưng cũng cần nhìn thẳng là cách phòng, chống còn rất lúng túng.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho việc để xảy ra cảnh hàng nghìn người chen chúc ở Nhà thi đấu thể thao Phú Thọ để tiêm phòng Covid-19; hay cảnh hàng trăm tiểu thương xô đẩy giành phiếu xét nghiệm như “phát ấn đền Trần” ở chợ đầu mối Bình Điền và hàng chục, hàng chục điểm lô xô nhấp nhô như vậy đầy trên mạng những ngay qua ở TP.HCM.
Chưa nói là khi tầm soát ở khu dân cư, nơi này thì bảo mỗi gia đình chỉ cần đi 1 - 2 người; nơi kia thì bảo đi tất.
Lúng túng. Rối. Rất có vấn đề.
Người dân cả nước và TP.HCM đồng lòng chống dịch, sẵn sàng hy sinh công việc, thời gian, sinh hoạt đảo lộn, chấp nhận khó khăn tạm thời vì lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng.
Nhưng người dân cũng có quyền yêu cầu hệ thống chính trị, chính quyền vận hành bộ máy phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tính mạng và sinh kế.
Và đó cũng chính là trách nhiệm của một bộ máy chính quyền có năng lực, do dân, vì dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận