Xã hội

Luồng thông, biển sạch sau lệnh cấm neo đậu tàu ven vịnh Hạ Long

12/08/2023, 06:00

Hiện luồng thủy Bài Thơ - Đầu Mối và mặt biển ven vịnh Hạ Long đã thông thoáng, môi trường sạch hơn sau lệnh cấm neo, đậu tàu ở khu vực này.

Môi trường sạch, luồng lạch an toàn

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong 10 ngày đầu lực lượng chức năng TP Hạ Long ra quân nhắc nhở, xử lý phương tiện neo đậu ở vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long, hàng trăm tàu, thuyền đã di chuyển ra khỏi khu vực cấm neo đậu.

Khu vực cấm neo, đậu đã không còn phương tiện vi phạm, biển thoáng và không có rác bẩn.

img

Lực lượng chức năng TP Hạ Long đã quyết liệt xử phạt các phương tiện neo đậu vi phạm.

Đi dạo ở tuyến đường bao biển qua khu vực cầu Bài Thơ và chợ Hạ Long 1, chị Nguyễn Thị Thảo, ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long cho hay: Thời gian trước, tàu, thuyền đậu kín mặt nước, rác thải, chất thải sinh hoạt tuồn thẳng xuống biến khiến khu vực này lúc nào cũng bốc mùi hôi thối.

"Việc thực hiện việc cấm neo, đậu tàu, thuyền ở khu vực này rất hợp lý. Mấy ngày nay không có tàu thuyền đậu, mặt biển thoáng và rộng ra, rác thải cũng không còn trôi nổi, bốc mùi hôi thối nữa", chị Thảo chia sẻ.

Ông Mạc Văn Đông, ở khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long sinh kế bằng chiếc thuyền nhỏ để câu cá trên vịnh Hạ Long. Trước đây, ông Đông thường gửi thuyền trong một lạch nhỏ gần khu vực chợ Hạ Long 1.

"Giờ bị cấm neo đậu nên tôi phải đưa thuyền đi xa để gửi, nhưng vì lợi ích chung, nên tôi đồng thuận ngay", ông Đông cho hay.

img

Cảng cá Sa Tô có hạ tầng tốt để ngư dân neo đậu phương tiện.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long, hiện trên địa bàn có 650 tàu cá, 506 tàu du lịch, 64 đò, 50 phương tiện tàu hàng thường xuyên hoạt động dọc sông Diễn Vọng và neo đậu ven bờ vịnh Hạ Long.

Mặt khác, do vùng biển rộng, nên vùng ven vịnh Hạ Long còn có hàng trăm phương tiện của ngư dân khu vực khác vào neo đậu để mua bán hải sản, vật tư…

Đặc biệt, tại vùng nước thuộc địa phận phường Bạch Đằng hiện có khoảng 400 tàu cá, cung ứng hậu cần thường xuyên hoạt động.

Do tập tục sinh hoạt của ngư dân, nên hầu như, các chất thải sinh hoạt đều xả thẳng xuống biển. Hậu quả của việc này đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khách du lịch, tác động tiêu cực đến tuyến phố đi bộ Bài Thơ mới được mở hồi tháng 7 năm nay.

"Vì vậy, TP Hạ Long đã tăng cường xử lý nghiêm các phương tiện neo đậu ở vùng ven vịnh Hạ Long nói chung, khu vực chợ Hạ Long 1 nói riêng", lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long cho biết.

img

Khu vực mặt nước cảng Cái Xà Cong cạn trơ đáy khi thủy triều xuống, khiến tàu thuyền mắc cạn.

Khắc phục bất cập, đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền

Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long cho biết, hiện nay, trên địa bàn có 12 khu với 50 điểm neo đậu, đáp ứng nhu cầu neo đậu kết hợp với tránh, trú bão cho tàu thuyền trong vùng nước cảng.

Cụ thể, có hai cảng tàu du lịch với sức chứa khoảng 2.000 tàu du lịch; vùng nước tại khu vực bến tàu hàng dọc sông Diễn Vọng có sức chứa khoảng 40 phương tiện và 9 điểm neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn thành phố đã được công bố.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn phản ánh, một số điểm neo đậu tàu thuyền ở TP Hạ Long còn bất cập, chưa thuận tiện.

Ông Vũ Văn Nhân, nhà ở khu tái định cư làng chài Cái Xà Cong thì cho hay, luồng vào cảng này thường xuyên bị bồi lắng; đầu luồng vào lại bị cản trở bởi hệ thống đá ngầm, nên không ít lần, tàu thuyền ra vào đã đâm va vào đá ngầm, bờ cát gây gãy chân vịt, vỡ mạn…

Chị Nguyễn Thị Bích ở khu 2, phường Hồng Hà cho biết, luồng vào cảng Cái Xà Cong ở phường Hà Phong rất cạn, có hôm trơ đáy; cảng Sa Tô ở phường Cao Xanh thì diện tích mặt nước rộng, luồng sâu, nhưng xa hơn khi vào chợ Hạ Long 1 tới gần một giờ hành trình...

Ngoài ra, khu vực cảng Sa Tô khi thủy triều xuống thì nước từ các con sông đổ về đã làm nhạt nước biển, khiến thủy sản có nguy cơ bị chết.img

Lực lượng chức năng phường Bạch Đằng, TP Hạ Long thường xuyên nhắc nhở các phương tiện neo đậu tại khu vực chợ Hạ Long 1.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, các cơ quan có trách nhiệm khẳng định, những bất cập tại các khu neo đậu đang được khắc phục để tạo thuận lợi cho các phương tiện neo đậu, vào ra.

Ông Nguyễn Văn Minh, quản lý cảng cá Sa Tô thuộc Công ty TNHH Nhân Tín xác nhận, mặt cảng có diện tích 3.000m2, vùng nước cảng là 5.000m2 có thể đáp ứng được cho hàng trăm phương tiện vào làm hàng, neo đậu quanh khu vực.

"Để khắc phục hiện tượng thủy triều xuống nước biển ở khu vực cảng bị cạn, đơn vị đã bố trí bể chứa nước biển phù hợp cho bà con ngư dân dùng để thả hải sản. Vì thế, từ khi thành phố có lệnh cấm, phương tiện vào cảng ngày càng đông hơn", ông Minh cho biết.

img

Vùng nước cảng Cái Xà Cong quá nông, phương tiện lớn không thể ra vào.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Phong, TP Hạ Long cho biết: Cảng cá Cái Xà Cong có luồng vào dài khoảng 2,7km, hiện chưa đáp ứng được cho phương tiện có tải trọng lớn vào ra.

"Theo quy hoạch thì thành phố chủ trương quy hoạch xây dựng cảng Cái Xà Cong ở phía tiếp giáp với luồng vào. Hiện cơ quan chức nang đang tháo gỡ những khó khăn liên quan đến đất quốc phòng ở khu vực này để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của ngư dân trên địa bàn", ông Đạt cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.