Thời sự Quốc tế

Lý do thực sự khiến Vòm Sắt đắt tiền "gục ngã" trước tên lửa rẻ tiền của Hamas

17/10/2023, 16:00

Tên lửa do Hamas bắn có giá khoảng 600 USD mỗi chiếc, rẻ hơn khoảng 100 lần so với tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt. Chính sự khác biệt này tạo nên kết quả.

Xuất phát từ những thách thức an ninh quốc gia đặc biệt, Israel có lịch sử lâu dài phát triển các công nghệ và khả năng phòng thủ tiên tiến, hiệu quả cao.

Một ví dụ điển hình về sức mạnh quân sự của Israel là hệ thống phòng không Iron Dome – Vòm Sắt, được quảng cáo rộng rãi là tổ hợp phòng thủ chống tên lửa và rocket tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, vào ngày 7/10 vừa qua, Israel đã mất cảnh giác trước cuộc tấn công tên lửa quy mô rất lớn của nhóm chiến binh Hamas đang kiểm soát dải Gaza. Theo báo cáo, nhóm này đã bắn hàng nghìn tên lửa vào các mục tiêu trên khắp Israel.

Mặc dù không có thông tin chi tiết chính xác, nhưng rõ ràng là số lượng đáng kể tên lửa của Hamas đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Israel, gây thiệt hại và thương vong trên diện rộng, theo Asia Times.

Iain Boyd, giáo sư về Khoa học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ tại Đại học Colorado Boulder đã chỉ ra lý do đơn giản khiến chiến lược phòng thủ của Israel không hoàn toàn hiệu quả trước cuộc tấn công của Hamas.

Để hiểu được điều này, chuyên gia nói rằng công chúng cần nắm được những điều cơ bản về cơ chế hoạt động của hệ thống phòng không.

Lý do thực sự khiến Vòm Sắt đắt tiền "gục ngã" trước tên lửa rẻ tiền của Hamas - Ảnh 1.

Phòng không: Phát hiện, Quyết định, Vô hiệu hóa

Một hệ thống phòng không bao gồm ba thành phần chính. Đầu tiên, có các radar để phát hiện, xác định và theo dõi tên lửa đang bay tới. Phạm vi của các radar này là khác nhau. Theo nhà sản xuất Raytheon, radar của Vòm Sắt hoạt động hiệu quả trong khoảng cách từ 4 đến 70 km.

Khi radar phát hiện, vật thể sẽ được đánh giá xem liệu nó có phải là mối đe dọa hay không. Thông tin như hướng bay và tốc độ được sử dụng để đưa ra quyết định này.

Nếu vật thể được xác nhận là mối đe dọa, kíp vận hành Vòm Sắt sẽ tiếp tục theo dõi vật thể đó bằng radar. Tốc độ tên lửa thường biến động đáng kể, nhưng giả sử tốc độ duy trì là 1 km/s, hệ thống phòng thủ có tối đa một phút để phản ứng trước cuộc tấn công.

Yếu tố chính thứ hai của hệ thống phòng không là trung tâm điều khiển chiến đấu. Thành phần này xác định cách thích hợp để xử lý mối đe dọa được xác nhận. Trung tâm sử dụng thông tin radar cập nhật liên tục để xác định phản ứng tối ưu về vị trí bắn tên lửa đánh chặn và số lượng phóng để chống lại tên lửa đang bay tới.

Thành phần chính thứ ba là tên lửa đánh chặn. Đối với Vòm Sắt, hệ thống trang bị tên lửa siêu thanh có cảm biến tầm nhiệt. Những cảm biến này cung cấp thông tin liên tục cho tên lửa đánh chặn, cho phép điều hướng và tiếp cận mối đe dọa.

Thiết bị đánh chặn sử dụng ngòi nổ cận đích được kích hoạt bởi một radar nhỏ để phát nổ khi tên lửa bay gần tới, thay vì phải va chạm trực tiếp mới vô hiệu hóa được mối đe dọa.

Lý do thực sự khiến Vòm Sắt đắt tiền "gục ngã" trước tên lửa rẻ tiền của Hamas - Ảnh 2.

Giới hạn của hệ thống phòng thủ tên lửa

Israel có ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt đang hoạt động, mỗi khẩu đội chứa 60 đến 80 tên lửa đánh chặn. Mỗi tên lửa này có giá khoảng 60.000 USD. Trong các cuộc tấn công trước đây sử dụng số lượng tên lửa và rocket nhỏ hơn, Vòm Sắt có hiệu quả đến 90% trước mối đe dọa.

Vậy tại sao hệ thống lần này lại tỏ ra kém hiệu quả hơn trước cuộc tấn công của Hamas?

Theo chuyên gia Iain Boyd, câu trả lời chỉ đơn giản là sự chênh lệch giữa các con số. Hamas đã bắn hàng nghìn tên lửa trong khi Israel có chưa đến một nghìn tên lửa đánh chặn trên thực địa sẵn sàng chống lại.

Ngay cả khi Vòm Sắt thể hiện được hiệu quả 100% trước mối đe dọa đang đến, số lượng tên lửa quá lớn mà Hamas phóng ra đồng nghĩa với việc một số tên lửa sẽ vượt qua được.

Các cuộc tấn công của Hamas minh họa thực tế rõ ràng là ngay cả những hệ thống phòng không tốt nhất cũng có thể bị vượt mặt nếu chúng phải chống lại số lượng mối đe dọa vượt quá khả năng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã được xây dựng trong nhiều năm với mức đầu tư tài chính cao. Làm thế nào Hamas có đủ khả năng để áp đảo như vậy? Một lần nữa, tất cả đều phụ thuộc vào con số.

Lý do thực sự khiến Vòm Sắt đắt tiền "gục ngã" trước tên lửa rẻ tiền của Hamas - Ảnh 3.

Tên lửa do Hamas bắn có giá khoảng 600 USD mỗi tên lửa, do đó chúng rẻ hơn khoảng 100 lần so với tên lửa đánh chặn Vòm Sắt. 

Tổng chi phí mà Israel phải trả cho việc bắn tất cả các tên lửa đánh chặn là khoảng 48 triệu USD. Nếu Hamas bắn 5.000 tên lửa thì chi phí sẽ chỉ là 3 triệu USD.

Do đó, trong một chiến lược được lên kế hoạch và thực hiện cẩn thận, Hamas đã tích lũy theo thời gian số lượng lớn tên lửa tương đối rẻ tiền mà họ biết rằng sẽ áp đảo khả năng phòng thủ của Vòm Sắt.

Thật không may cho Israel, cuộc tấn công của Hamas là một ví dụ không thể rõ nét hơn về sự bất cân xứng trong quân sự: Một cách tiếp cận chi phí thấp, năng lực kém hơn, có thể đánh bại một hệ thống công nghệ cao, đắt tiền hơn.

Hệ thống phòng không tương lai

Theo chuyên gia Iain Boyd, cuộc tấn công của Hamas sẽ tác động đến tất cả các cường quốc quân sự lớn trên thế giới. Nó cảnh báo về việc các hệ thống phòng không cần thiết phải hiệu quả hơn theo hai cách.

Đầu tiên, cần có một kho vũ khí phòng thủ sâu hơn để giải quyết số lượng rất lớn các mối đe dọa tên lửa. Thứ hai, chi phí cho mỗi vũ khí phòng thủ cần phải giảm đáng kể.

Bối cảnh hiện tại có khả năng đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai các hệ thống phòng không năng lượng định hướng sử dụng tia laser năng lượng cao và vi sóng công suất cao.

Những thiết bị này được mô tả là có "băng đạn vô hạn" vì chi phí cho mỗi lần bắn tương đối thấp và khả năng bắn liên tiếp miễn là vẫn được cấp nguồn điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.