Ông Lý Quang Diệu (giữa) nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng - Ảnh: Reuters |
Bi đát
Tên của đứa trẻ ốm yếu ngày nào là Singapore, bị trục xuất ra khỏi ngôi nhà chung mang lên Liên bang Malaysia giữa các căng thẳng chính trị và sắc tộc lên đến đỉnh điểm. Đó là vào năm 1965. Ông Lý Quang Diệu tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập và có chủ quyền mang tên CH Singapore trong buồn bã. Cả thế giới hoài nghi không biết quốc gia yếu ớt đó qua được mấy con trăng.
Quả thật tình cảnh của Singapore và Thủ tướng Lý Quang Diệu quá bi đát. Singapore lúc đó chỉ là một làng chài nghèo nàn đầy bệnh sốt rét. Tài nguyên không có, đến nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu. Singapore lại chẳng tồn tại một nền văn hóa chung, là sự ghép nối của cộng đồng Hoa, Malaysia và Ấn với các bất đồng về lợi ích cứ va đập nhau chan chát.
Cái túi rỗng không, tình hình chính trị xung quanh lại cực kỳ bất ổn, ông Lý Quang Diệu xác định cái phao duy nhất để hòn đảo xơ xác này không bị nhất chìm chính là nguồn tài nguyên tuyệt vời nhất mà quốc gia nào cũng có: con người.
Thực ra thì so với bà con lối xóm, chẳng hạn như Indonesia đông dân thứ 4 hành tinh thì nguồn lực con người ít ỏi của đất nước bé tẹo gói trong một thành phố này quá thua kém. Có chăng là cách ông Lý Quang Diệu đào tạo con người và sử dụng người tài.
Đó là một nhà lãnh đạo cực kỳ thực tế! - Ảnh:Reuters |
“Tị nạn chất xám”
Cảm ơn cái nghèo! Nhìn lại những thành quả của mình, ông Lý Quang Diệu từng nói nếu Singapore không ở trong tình cảnh nghèo xác nghèo xơ thì có lẽ đất nước này sẽ không bao giờ lột xác và phát triển như bây giờ. “Giả dụ chúng tôi có xăng dầu, anh nghĩ tôi có thể yêu cầu người dân làm tất cả mọi chuyện như đã làm không? Không. Nếu tôi có xăng có dầu, tôi có những người dân khác với động cơ khác và mong đợi khác. Vì chúng tôi không có xăng dầu và mọi người biết rõ là họ không có, họ nhận thức rõ ràng rằng tất cả mọi thành quả chỉ đến từ nỗ lực của chính họ. Thế nên tôi mới có thể nói họ làm ơn làm chuyện này, chuyện nọ và làm nó thật tốt”, Lý Quang Diệu phát biểu trên tờ New York Times. |
Xác định thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong phát triển kinh tế, ông ban hành hàng loạt chính sách giáo dục quyết liệt. Trong số đó, sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học là một quyết định cực kỳ nhạy cảm giữa bối cảnh cạnh tranh bản sắc căng thẳng ở quốc gia có nhiều cộng đồng này.
Là người thực tế, ông vượt qua bao sóng gió để kiên trì với chính sách này với nhận thức rõ: tiếng Anh là ngôn ngữ để làm việc, để kiếm tiền, để đưa Singapore hội nhập quốc tế.
Không những trọng dụng người tài, ban hành hàng loạt chính sách để ngăn chặn chảy máu chất xám, Lý Quang Diệu cũng tìm mọi cách biến Singapore thành thỏi nam châm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.
Trong khi các ông anh đi trước già dặn và giàu có ở châu Âu, châu Mỹ phải gồng mình hứng làn sóng người nhập cư tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế thì Singapore ra sút hút làn sóng “tị nạn chất xám”. Họ đến Singapore để làm việc, để kiếm tiền, cùng lúc góp phần đẩy đảo quốc sư tử hóa rồng.
Cú đấm thép
Lãnh đạo với bàn tay thép, ông Lý Quang Diệu từng vấp phải nhiều sự chỉ trích từ trong nước - Ảnh: Reuters |
Lâm vào tình cảnh túng quẫn, đương nhiên cái ăn là thứ đầu tiên mà một người mẹ trong nhà phải tính tới. Nền kinh tế của Singapore lúc bấy giờ lệ thuộc chủ yếu vào các căn cứ quân sự sắp đóng cửa của Anh.
Chiến thuật cơ bản của Lý Quang Diệu ngay từ đầu là ra sức “tán tỉnh” các công ty nước ngoài đến mở các xưởng nhỏ ở Singapore, dù thường là họ trả những đồng lương rẻ mạt. Giữa thời điểm các nước đang phát triển ra sức dèm pha đế quốc kinh tế, nhà lãnh đạo Singapore trải thảm đỏ mời các “tên đế quốc” đó vào Singapore.
Học luật và từng hành nghề luật sư bảo vệ quyền lợi của nghiệp đoàn, Lý Quang Diệu lúc này kìm hãm nghiệp đoàn không thương tiếc, sợ họ làm cản bước nhà đầu tư.
Sau này ông gọi sự kiện bị một nghiệp đoàn hùng mạnh thách thức hồi năm 1967 là “bước ngoặc trong lịch sử công nghiệp Singapore”. Lần đó, ông Lý Quang Diệu đưa ra câu trả lời rất dứt khoát: bắt luôn 15 lãnh đạo nghiệp đoàn, xóa sổ nghiệp đoàn và tuyên bố các công nhân biểu tình đã tự sa thải họ.
Sau cú đấm thép đó, ông dẹp yên được các phong trào chống đối của người lao động, mang lại môi trường lao động bình yên lâu dài - yếu tố chen chốt đưa kinh tế Singapore bùng nổ.
Đi theo tiếng gọi của thế giới
Lý Quang Diệu vấp phải không ít chỉ trích trong đường lối lãnh đạo của mình, trong đó nhiều người gọi ông là kẻ độc tài, chuyên quyền. Ông từng nói thẳng thừng với tờ Straits Times: “Chúng tôi cứ thấy đúng là làm, chẳng hơi đâu mà quan tâm thiên hạ nghĩ gì!”
Dấu ấn Lý Quang Diệu vẫn in đậm trong từng bước đi của Singapore - Ảnh: AFP |
Nhưng cùng lúc, Lý Quang Diệu là người có đầu óc cực kỳ “mở” và vô cùng linh hoạt. Trả lời với tờ New York Times, ông từng nói: “Tôi nghĩ chúng tôi phải đi theo bất kỳ hướng nào theo tiếng gọi của tình hình thế giới nếu chúng tôi muốn tồn tại và là một phần của thế giới hiện đại này. Nếu chúng tôi không kết tối với thế giới hiện đại, chúng tôi chết. Chúng tôi sẽ quay trở lại cái làng chài trước đây.”
Thế nên dù thừa nhận là chả ưa sòng bạc nhưng từ lâu, ông đã cho phép nó: “Thế giới đã thay đổi, nếu không có những khu nghỉ dưỡng kết hợp kiểu như ở Las Vegas, chúng tôi sẽ thua… Thôi thì cứ làm, miễn sao cố mà giữ nó an toàn, không mafia, không mại dâm và không rửa tiền.”
Ngay cả trong những giá trị châu Á như tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới… mà Singapore đã khai sinh trên nền tảng đó, Lý Quang Diệu vẫn rất thoáng, bảo rằng đến nay, các giá trị này đã phai nhạt, sự khác biệt giữa các thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Ông bảo chẳng hạn như gia đình ông rất coi trọng các giá trị nho giáo, đời cha mẹ, đời ông, đời con ông nhưng “đời cháu tôi thì không.”
Rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới này đã góp phần định hình đất nước của họ nhưng có lẽ không ai tạo dấu ấn sâu đậm như Lý Quang Diệu, người thậm chí thay đổi cả ngôn ngữ người dân nói. Không những tích cực trong mọi quyết định lớn bé của chính phủ trong suốt 31 năm làm thủ tướng và thêm 21 năm làm bộ trưởng, ông cũng là một “vú nuôi” tận tụy quan tâm đến những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất với những chính sách “made in Singapore”: cấm kẹo cao su, phạt những ai không dội toilet, phạt người vứt rác, khuyến khích mỉm cười và hành xử “như công dân của thế giới thứ nhất chứ không phải công dân thế giới thứ ba khạc nhổ và xả rác khắp nơi”. Dấu ấn đó đã làm nên Singapore và sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến đảo quốc này lâu dài. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận