Lấn chiếm tràn lan
Thời gian qua, tại vịnh Cam Ranh, tình trạng người dân thả lồng, bè, phao neo nuôi trồng thủy sản tự phát, lấn chiếm tuyến luồng hàng hải công cộng Ba Ngòi, khu neo đậu, tuyến luồng nhánh và khu quay trở dành cho tàu thuyền trước bến ở một số cảng biển với mật độ dày.
Khi có thời tiết xấu, giông, bão, việc điều động tàu thuyền neo đậu tránh trú gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang (Cục Hàng hải Việt Nam), số lượng lồng bè lấn chiếm các luồng hàng hải, khu neo đậu tại khu vực vịnh Cam Ranh lên đến hơn 40.000 lồng bè.
Qua thực tế trên vịnh Cam Ranh, PV tận thấy, tại tuyến luồng hàng hải công cộng Ba Ngòi, phía bên trái luồng, từ phao 7 đến phao 11 có rất nhiều phao neo lồng bè bằng nhựa kết lại với nhau và thả lấn chiếm luồng, hành lang an toàn của tuyến luồng.
Bên trái luồng, đoạn phao số 4 đến phao 10 cũng có rất nhiều phao neo nhựa và lồng bè kết lại thả chồng lấn vào phạm vi tuyến luồng, tình trạng lấn chiếm cách biên luồng khoảng 20m, lấn chiếm vào hành lang an toàn luồng.
Nhiều khu vực tại khu neo đậu tàu thuyền của tuyến luồng hàng hải công cộng Ba Ngòi bị lấn chiếm (có khu vực bị lấn chiếm đến 50% diện tích khu neo đậu).
Tình trạng nuôi tự phát của người dân đã lấn chiếm khoảng 3/4 chiều rộng của tuyến luồng nhánh vào bến cảng Quốc tế Cam Ranh; lấn chiếm khoảng 1/2 chiều rộng của tuyến luồng nhánh vào bến cảng Trạm nghiền xi măng Cam Ranh.
Vùng mặt nước, vùng quay trở trước bến cảng khí hóa lỏng Hồng Mộc bị lấn chiếm khoảng 1/3 khu quay trở tàu thuyền; tuyến luồng nhánh vào bến cảng này cũng bị lấn chiếm hết chiều rộng tuyến luồng.
Chưa hết, vùng nước từ bến cảng K662 đến bến cảng Trạm nghiền xi măng Cam Ranh, bến cảng khí hóa lỏng Hồng Mộc xuất hiện rất nhiều bãi vẹm do người dân tự ý nuôi.
Trao đổi với PV, ông Trần Tuấn Hiệp, Phó giám đốc phụ trách Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tại khu vực tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý tại hiện trường; lập biên bản, yêu cầu cá nhân vi phạm khẩn trương di dời lồng bè khỏi công trình hàng hải.
Cảng vụ đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 75 triệu đồng.
"Công tác xử lý vẫn còn nhiều khó khăn khi số lượng lồng bè lấn chiếm công trình hàng hải và khu neo đậu với mật độ lớn, có xu hướng gia tăng.
Các lực lượng chức năng không thể tiếp cận được chủ các lồng bè. Việc cưỡng chế, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc di dời khỏi vị trí lấn chiếm gặp khó…
Hệ thống công trình hàng hải, hoạt động hàng hải tại vịnh Cam Ranh hiện nay rất lớn. Gần đây, xuất hiện một số vụ va chạm giữa tàu thuyền với lồng bè nuôi thủy sản trong vịnh Cam Ranh do người dân lấn chiếm công trình hàng hải.
Hiện nay, TP Cam Ranh đang hướng đến xây dựng thành đô thị du lịch - logistics. Do đó, việc xử lý triệt để tình trạng lồng bè lấn chiếm công trình hàng hải tại vịnh Cam Ranh hết sức cần thiết.
Đơn vị kiến nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường phối hợp để xử lý tình trạng này", ông Hiệp nói.
Xử lý dứt điểm cách nào?
Trước thực trạng trên, ông Hà Thế Ân, Phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho rằng, hiện nay, UBND thành phố đang khẩn trương xử lý các trường hợp nuôi trái phép ở khu vực ven bờ nên một số trường hợp đã tháo dỡ lồng bè tự ý di chuyển và đặt lấn vào luồng hàng hải.
Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự phát nuôi vẹm, lấn chiếm công trình hàng hải cũng rất lớn. Địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân không phát triển mới nuôi trồng trên vịnh Cam Ranh; phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, các cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý tình trạng lấn chiếm này.
"Chính quyền TP Cam Ranh đề nghị đại diện Cảng vụ Hàng hải Nha Trang tại Cam Ranh tăng cường phối hợp với UBND các xã, phường ven biển thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp lấn chiếm luồng hàng hải theo quy định pháp luật.
Địa phương cũng đề nghị Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương của thành phố để hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ trong việc xây dựng phương án sắp xếp lồng bè trong vùng nuôi trồng theo quy định", ông Ân đề xuất.
Ông Hoan Lê Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, hiện nay, trên vịnh Cam Ranh, mật độ nuôi trồng rất dày, diện tích rộng, Sở cùng với các bên liên quan đã đi kiểm tra nhiều lần.
Vì vậy, cần thành lập đội liên ngành để xử lý tình trạng nuôi lấn chiếm luồng tàu. Việc xử phạt các hộ vi phạm phải thực hiện triệt để và đủ sức răn đe. TP Cam Ranh cần thực hiện nghiêm chủ trương không phát sinh thêm các hộ nuôi mới.
Trước tình trạng vi phạm công trình hàng hải ngày càng gia tăng trên vịnh Cam Ranh, lãnh đạo các sở, ngành và các bên liên quan ở tỉnh Khánh Hòa đều cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại địa phương về nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè.
Trong đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, chính quyền TP Cam Ranh và các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, vận động người dân đang có lồng bè lấn chiếm, cam kết tự di dời khỏi khu vực lấn chiếm. Đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính để răn đe các trường hợp vi phạm.
Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh sẽ làm việc với UBND TP Cam Ranh và các đơn vị có liên quan để tìm hướng giải quyết dứt điểm tình trạng lồng bè nuôi trồng thủy sản lấn chiếm luồng hàng hải, hành lang an toàn luồng hàng hải, khu neo đậu tàu thuyền tại vịnh Cam Ranh.
"Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sớm hoàn chỉnh kế hoạch rà soát, sắp xếp nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để quản lý hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
UBND TP Cam Ranh và các xã, phường cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm công trình hàng hải vịnh Cam Ranh.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan cần thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính một cách hiệu quả, đủ sức răn đe", ông Nam nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận