Làm báo cùng Giao thông

Mạng ảo giết người thật!

26/06/2015, 20:34

Khi công nghệ và các ứng dụng mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể trở thành “phóng viên” theo nghĩa hẹp.

51

Hình ảnh bác sỹ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao (Phú Thọ) gác chân lên giường khi khám bệnh bị tung lên mạng khiến vị này bị kỷ luật và xin từ chức

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có máy ảnh, kết nối internet, những thông tin nóng hổi nhất về mọi mặt của xã hội ngay lập tức được tung lên mạng và có sức lan tỏa không thua gì báo chí chính thống. Không cần vượt qua bất kỳ khâu biên tập hay xác minh thông tin nào, những “nhà báo công dân” được mạng xã hội tiếp tay để mặc sức thể hiện “quyền năng” của mình.

Bên cạnh những lợi ích mà những “nhà báo công dân” mang lại, xu hướng này ở Việt Nam đang phát triển chóng mặt kèm theo những hệ lụy đáng suy ngẫm.

Câu chuyện về bác sỹ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao (Phú Thọ) bị kỷ luật và xin từ chức vì bức ảnh vị này đang gác chân lên giường bệnh khi thăm khám cho bệnh nhân bị tung lên mạng là một ví dụ. Bức ảnh trên được tung lên facebook kèm theo tên, chức danh của vị bác sỹ cùng những nhận định khá ác ý đã lôi kéo được đám đông vào “ném đá”, chỉ trích, chửi bới, miệt thị…

Vẫn còn tranh cãi về mức độ nghiêm trọng của hành vi gác chân lên giường bệnh nhân, nhưng trước khi nhận kỷ luật nặng của lãnh đạo bệnh viện và xin từ chức, vị bác sỹ này đã bị những công dân mạng “kết án đuổi việc” mà không có cơ hội thanh minh.

Những câu chuyện tương tự có thể dẫn ra vô số trên mạng xã hội. Hình ảnh, video về những người thực thi pháp luật, công chức Nhà nước, bác sỹ, giáo viên, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên… thường kèm những nhận định tiêu cực, chủ quan và chưa được kiểm chứng. Mục đích của việc làm này đôi khi đơn giản chỉ là để “câu like”, bất chấp hậu quả mà những người bị tung lên mạng có thể phải gánh chịu.

Điều này tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường. Lo ngại về điều này, trong buổi thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin tại Quốc hội mới đây, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần có quy định để đảm bảo an toàn thông tin riêng của cá nhân trên mạng internet.

Dẫn lại vụ việc nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử vì bị bạn trai tung clip sex, bà Hải nhận định mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh tới kết cục đau lòng như trên. Bởi vậy, khi đưa tin, bình luận, chia sẻ về một ai đó trên mạng, hãy dừng lại một chút và đừng vội hùa theo đám đông. Những phán xét trên thế giới ảo có thể giết chết một con người thật, theo đúng nghĩa đen.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.