Cầu gần xong, đường còn chưa có mặt bằng
Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km 0 - Km 36 đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương của tỉnh Nghệ An được triển khai thi công từ tháng 10/2022.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông vào những ngày đầu tháng 3/2023, mặc dù mặt bằng “xôi đỗ” nhưng các nhà thầu đã và đang huy động tối đa máy móc, thiết bị khẩn trương thi công.
Đoạn tuyến Km 3+080 - Km 3+516 đã thảm xong bê tông nhựa
Điển hình như đoạn từ Km 3+080 - Km 3+516 (gói thầu số 1) lúc cao điểm, Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn đã huy động hàng chục thiết bị, xe máy các loại. Đến nay, đoạn này đã thảm xong bê tông nhựa cả 2 bên phải và trái tuyến.
Tương tự, đoạn Km 9 - Km 12, mặt bằng được giao liên tục hơn, các nhà thầu cũng đã thảm được 900m. Trong khi đó, tại các cầu Diễn Bình, Diễn Minh, không khí thi công cũng rất khẩn trương không kém.
Dù đã thi công được 80% khối lượng, nhưng hiện Công ty CP Xây dựng 469 vẫn đang huy động 2 máy xúc, 1 máy lu, 1 cẩu tự hành và hơn 20 kỹ sư, công nhân thi công cầu Diễn Minh.
“Về địa chất, cầu Diễn Minh không có gì bất thường, còn về kỹ thuật thì cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty CP Xây dựng 469 từng thi công nhiều cầu lớn hơn, khó hơn như cầu Lực Điền (Hưng Yên), cầu Dốc (Hải Dương), cầu Lộc Yên (Hà Tĩnh)… Hiện, khối lượng thi công đã đạt được 80%, chắc chắn sẽ về đích đúng tiến độ như chỉ đạo của Bộ GTVT”, kỹ sư Đồng Văn Trung - Chỉ huy trưởng dự án (Công ty CP Xây dựng 469) tự tin nói.
Tại các vị trí có mặt bằng, dù chỉ một đoạn ngắn, các nhà thầu cũng huy động nhiều máy móc để đẩy nhanh tiến độ
Tại 2 gói thầu còn lại (gói số 2 và số 3), đơn vị thi công cũng đang tranh thủ giai đoạn thời tiết tốt, đẩy nhanh tiến độ những vị trí đã có mặt bằng. Gói thầu số 2, dù mới có mặt bằng ở phía Đông đường sắt, nhưng đến nay Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Đầu tư xây dựng Cầu đường - CTCP và Công ty Cổ phần 484 đã thi công xong toàn bộ cọc khoan nhồi mố A0; các trụ P1, P2, P3 và P4 phía trái tuyến đã hoàn thành đến thân trụ, đang chuẩn bị công xà mũ; đúc được 28/80 phiến dầm cầu vượt đường sắt.
Còn với cầu Đậu, liên danh nói trên cũng đã xong toàn bộ mố, trụ, trụ xi măng đất phía đầu đường mố M1 và đúc và lao được 20/20 dầm. “Cầu vượt đường sắt, Trường Sơn thi công dầm và 240m đường gom. Đến nay, đã đúc được 28/80 phiến dầm, còn đường gom chỉ mới có 140m mặt bằng. Dù vậy, công ty vẫn đang huy động 2 máy lu to, 2 máy múc to, 1 máy ủi và nhiều xe vận tải để thi công đắp nền K95”, một kỹ sư chỉ huy công trường của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn cho biết.
Bên trái tuyến phía Đông cầu vượt đường sắt đã thi công xong trụ, chuẩn bị đến xà mũ...
Chậm GPMB vì... phải làm đúng quy định
Theo thống kê, đến nay các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương mới bàn giao được 15,8/27,5km mặt bằng tính cả 2 bên (đạt 57,69%; có 3 đoạn dài 8,5km đã được đầu tư từ dự án cũ).
Cụ thể, huyện Diễn Châu đã bàn giao các đoạn không liên tục từ Km 0+00 - Km 9+180 (tính cả bên trái và phải tuyến) được khoảng 10.000m/18.360m. Yên Thành bàn giao các đoạn không liên tục từ Km 9+180 - Km 24+400 (tính cả bên trái và phải tuyến) được khoảng 13.000m/27.218m. Và Đô Lương bàn giao các đoạn không liên tục từ Km 24+400 - Km 35+225 (tính cả bên trái và phải tuyến) được khoảng 7.700m/9.600m.
Đặc biệt đoạn từ Km 0 - Km 5, Bộ GTVT chỉ đạo phải hoàn thành trước tháng 7/2023 để kết nối, đồng bộ với Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Thế nhưng, theo thống kê, phần đường mới chỉ có 3 điểm có mặt bằng để thi công, điểm dài nhất chỉ hơn 400m.
Theo một kỹ sư tại hiện trường của Ban QLDA4 (Cục Đường bộ Việt Nam): Ngay từ khi triển khai thi công (tháng 10/2022), các nhà thầu đã đồng loạt huy động rất nhiều thiết bị, máy móc. Có thời điểm nhà thầu huy động đến 14 - 15 máy lu loại trên 25 tấn, trong khi đó yêu cầu chỉ cần 1 nửa.
Thế nhưng phía Tây đường sắt vẫn chưa có mặt bằng để thi công.
Trước tình hình mặt bằng “xôi đỗ”, vị trí nào có mặt bằng, Ban chỉ huy nhà thầu thi công ngay. Ngắn thì làm đến cấp phối đá dăm, dài thì thảm luôn, thời gian còn lại tập trung đúc cấu kiện để khi có mặt bằng là hoàn thiện.
Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án, Ban QLDA4 cho biết thêm: Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km 0 - Km 36 có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.300 tỷ đồng. Dự án đã triển khai 3/3 gói thầu xây dựng, với tổng giá trị thực hiện được khoảng 117,696 tỷ đồng. Trong đó, gói 1 được 33,978 tỷ đồng, gói 2 được 35,544 tỷ đồng và gói 3 được 48,174 tỷ đồng.
“Lo lắng nhất hiện nay là cầu vượt đường sắt, vì nằm trong đường găng tiến độ. Cầu có 2 đơn nguyên độc lập, phải xong đơn nguyên bên trái tuyến, thông xe rồi mới thi công đơn nguyên còn lại. Nếu có mặt bằng trong tháng 3, đoạn tuyến này cũng rất khó hoàn thành vào tháng 7. Còn qua tháng 3 mà chưa có mặt bằng thì không thể nào hoàn thành được”, ông Châu nói và cho biết thêm: Để đẩy nhanh GPMB, Ban đã cử người tham vào hội đồng bồi thường; chủ động hỗ trợ các địa phương làm việc với các sở, ban, ngành; trong quá trình kiểm đếm, cán bộ Ban có mặt đi cùng với hội đồng bồi thường huyện để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng… Tuy nhiên, có những việc Ban không thể làm thay, nên rất mong các huyện và tỉnh Nghệ An đẩy nhanh hơn nữa công tác GPMB.
Đặc biệt, đoạn từ Km 0 - Km 5 theo chỉ đạo của Bộ GTVT phải hoàn thành trước tháng 7/2023 nhưng đến nay hầu hết chưa có mặt bằng
Ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: Công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo QL7 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Hiện, huyện đang nỗ lực triển khai để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Theo ông Hiên, tiến độ GPMB ở dự án này còn chậm là có nhiều nguyên nhân, như: Lịch sử quản lý đất đai trải qua nhiều thời kỳ, việc mở rộng, nâng cấp QL7 cũng đã tiến hành nhiều lần nên việc thu thập, xác minh hồ sơ, thống nhất phương án đền bù gặp nhiều khó khăn…
“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, phải làm bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Huyện sẽ làm theo kiểu cuốn chiếu, làm đến đâu bàn giao mặt bằng đến đó.
Dự án mở rộng QL7 sau khi hoàn thành, kết nối với cao tốc Bắc - Nam và các tuyến đường đang khai thác sẽ tạo thành động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những hộ dân sống hai bên mặt đường sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ việc tăng giá trị đất, kinh doanh buôn bán thuận lợi.
Theo lãnh đạo Ban QLDA 4, Cục Đường bộ Việt Nam: Nếu không có mặt bằng trong tháng 3 này thì không thể hoàn thành đoạn tuyến Km 0 - Km 5 vào tháng 7 tới
Hội đồng bồi thường luôn làm việc công khai, dân chủ, cam kết đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Mong muốn người dân - nhất là những hộ bị ảnh hưởng tham gia giám sát và đồng thuận, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết để dự án về đích đúng tiến độ, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, địa phương cũng rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành.
Với những trường hợp đã khẳng định thực hiện đúng quy trình, giải quyết hợp tình hợp lý và vận động tuyên truyền đầy đủ. Thế nhưng vẫn cố ý không chấp hành, đòi hỏi quyền lợi trái pháp luật, huyện sẽ kiên quyết bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế”, ông Hiên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận