Điện ảnh

“Mắt biếc” thoát khỏi trang giấy, có bế tắc trên màn ảnh?

26/12/2019, 22:08

Câu chuyện tình đơn phương hơn nửa đời người của Ngạn dành cho Hà Lan khiến nhiều người tiếc nuối.

img
"Mắt biếc" đang là bộ phim gây "sốt" ngoài rạp chiếu

Sự cải biên thoát khỏi bế tắc

Từ khi ra đời, truyện “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã theo chân nhiều thế hệ cùng lớn lên và trở thành một trong những tập truyện bán chạy nhất của nhà văn này. Mối tình đơn phương của gã trai si tình Ngạn dành cho cô bạn Hà Lan mang tới nhiều rung cảm, day dứt. Trải qua bao nhiêu biến cố, mối tình ấy vẫn chẳng có lối ra và cuối cùng, Ngạn chọn cách rời bỏ làng Đo Đo, rời bỏ Trà Long (con gái của Hà Lan) để ra đi và mang theo những đau đớn về một tình yêu chẳng biết bao giờ được đáp đền.

Khá bám sát nội dung trong truyện gốc nhưng bộ phim "Mắt biếc" của Victor Vũ lại có những cải biên, dù không nhiều nhưng cũng làm thay đổi và mang tới một hướng mở khác cho nhân vật. Từng bước chạy vô vọng của Hà Lan khiến người ta có niềm tin về một tương lai mới cho cả cô, cả Ngạn và cả Trà Long, dù chẳng biết tương lai ấy có hay không.

img
Nhân vật Hồng (Thảo Tâm đóng) là một vai diễn đặc biệt trong phim

Trong bộ phim lần này, Victor Vũ đã đưa vào một nhân vật mới không có trong nguyên tác, đó là Hồng (Thảo Tâm đóng). Hồng xuất hiện dù không làm ảnh hưởng tới đường dây của câu chuyện gốc, nhưng lại gây một tác động rất lớn tới góc nhìn của khán giả về mối tình trong phim. Nhiều người so sánh, Hồng chính là một Ngạn thứ hai trong phim, nhưng cô lại mang tới một hình ảnh hoàn toàn khác về suy nghĩ và cách xử lý chuyện tình cảm.

Cũng như Ngạn, Hồng dành cả tuổi thơ và thanh xuân để bên cạnh một người không yêu mình, nhưng cô cũng đủ dũng cảm và lý trí để có thể thoát khỏi sự bế tắc trong mối tình của mình, chứ không chìm đắm mà “mắc kẹt” trong tình yêu như Ngạn. Cách Hồng dứt khoát với chuyện tình cảm mang tới như một thông điệp mà mỗi khán giả sẽ có cảm nhận riêng khi xem bộ phim.

Những nhân vật như bước ra từ trong truyện

Không đi tìm những ngôi sao phòng vé, Victor Vũ đã dành “đất” để các diễn viên trẻ thể hiện tài năng của mình. Và lựa chọn của anh đã không hề sai khi dàn diễn viên được khen ngợi như bước ra từ những trang truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Dàn diễn viên với những cái tên như Trần Nghĩa, Trúc Anh, Trần Phong, Khánh Vân, Thảo Tâm… đều hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình.

Trần Nghĩa được coi là một phát hiện mới trong điện ảnh. Với dáng vẻ gầy gò, gương mặt khắc khổ, anh thể hiện thành công một chàng Ngạn si tình đáng thương, nhút nhát khi mãi vẫn không thể thổ lộ tiếng yêu dù là ngập ngừng với người con gái mình yêu. Cái hay của Trần Nghĩa là diễn xuất nội tâm bằng ánh mắt. Từ cái nhìn âu yếm dành cho Hà Lan, tới ánh mắt “không hoan nghênh” dành cho Dũng, hay sự đau đớn và dằn vặt trước những biến cố của Hà Lan… đều được Trần Nghĩa lột tả qua ánh mắt.

img
Trần Nghĩa lột tả tâm trạng của Ngạn với diễn xuất bằng ánh mắt

Ngay từ những tấm poster đầu tiên của phim, hình ảnh của Trúc Anh (vai Hà Lan) đã khiến dân tình xuýt xoa bởi đôi mắt tròn, đẹp long lanh của mình. Trúc Anh sở hữu vẻ đẹp thuần khiết nên đã mang tới một Hà Lan xinh đẹp nhưng rất đỗi trong trẻo.

Dù là từ làng Đo Đo lên thành phố, dù thay đổi môi trường sống nhưng vẻ đẹp trong sáng của Hà Lan vẫn không thay đổi. Có chăng, chỉ có lòng cô là đổi thay. Diễn xuất của Trúc Anh có phần hơi hời hợt, nhưng nó lại phù hợp đến lạ cho nhân vật Hà Lan.

img
Trúc Anh xinh đẹp vào vai Hà Lan với đôi mắt trong veo, đẹp nhưng buồn

Trần Phong cũng lột tả được hình ảnh của Dũng – gã trai phong trần, “bad boy” với nụ cười nhếch mép đầy mỉa mai, khiêu khích với Ngạn khi chiếm được tình cảm của Hà Lan. Trong khi đó, Khánh Vân đã mang tới hình tượng một Trà Long hoàn hảo trong mắt người xem. Nụ cười má lúm đồng tiền cùng vẻ đẹp tươi tắn giúp cô ghi điểm khi hóa thân thành một Trà Long trong sáng về tâm hồn, để nối dài câu chuyện chuyện tình mà Ngạn dành cho mẹ cô.

Bên cạnh đó, khá khen cho đội ngũ tạo hình của bộ phim khi các nhân vật từ niên thiếu cho tới khi trưởng thành luôn có sự thay đổi đáng kể theo thời gian. Tạo hình các nhân vật không khiến khán giả cảm thấy “lố” hay sượng dù các diễn viên ngoài đời đều ở độ tuổi tương đương nhau.

Hình ảnh đẹp, âm nhạc cao trào

Điểm mạnh của Victor Vũ với tất cả các tác phẩm của mình là hình ảnh. Anh từng hút hồn khán giả với những cảnh đẹp mê hồn của Phú Yên trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và lần này, khung cảnh ở Huế cũng khiến khán giả lay động. Anh tinh tế lựa chọn cây Ngô đồng đặc biệt tại làng Hà Cảng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) để làm bối cảnh cho câu chuyện trong phim. Sở dĩ, cây Ngô đồng này đặc biệt vì nó mọc độc lập ở ven đường nên còn được gọi là “cây cô đơn”. Nó hiển hiện trên phim ở làng Đo Đo như mối tình đơn phương mà Ngạn dành cho Hà Lan, từ khi anh còn là cậu bé khắc chữ lên “cây cô đơn’” ấy hai từ: Mắt biếc.

img
"Cây cô đơn" hiển hiện như mối tình vô vọng của Ngạn dành cho cô bạn thân

Bối cảnh trong phim diễn ra vào những thập niên 1960 – 1980, có một số phân đoạn cảnh nhà tranh vách đất ở làng Đo Đo tạo cảm giác sắp đặt hơi khiên cưỡng. Tuy nhiên, phần bối cảnh rừng sim - nơi ghi dấu ấn của hai người, những cánh đồng xanh rì và chốn thành thị với những chiếc xe đạp, xe vespa… lại tạo được hiệu ứng tốt hơn. Trang phục của nhân vật cũng được quan tâm và khá tinh tế, từ những chiếc dép của Ngạn tới bộ áo dài trắng nhăn nhúm của Hà Lan.

Điều quan trọng không thể thiếu trong bộ phim là phần âm nhạc. Phan Mạnh Quỳnh đã viết ba bài hát xuất sắc dành cho bộ phim này, từ “Có chàng trai viết lên cây”, “Từ đó” hay “Hà Lan”. Cả ba ca khúc đều mang những nỗi niềm khắc khoải, xót thấu tim gan khi đặt mình vào tâm trạng của Ngạn. Nếu như bối cảnh, câu chuyện, diễn xuất của nhân vật trong “Mắt biếc” đều tương đối hoàn chỉnh nhưng chưa thực sự đủ đô để khiến người khác rơi lệ, thì chính âm nhạc của phim chính là một phần tác nhân để đẩy những giọt lệ cảm thông và cảm thương của khán giả ra ngoài.

img
Một cảnh trong bộ phim "Mắt biếc"

Tuy nhiên, phim vẫn không phải không có điểm trừ. 110 phút của phim thực sự chưa đủ để truyền tải hết câu chuyện tình mà Nguyễn Nhật Ánh phải dùng tới 200 trang giấy để kể. Phần đầu bộ phim với những ký ức về thời thơ ấu diễn ra khá nhanh, khiến khán giả chưa kịp nắm bắt được những kỷ niệm và sự sâu sắc để làm Ngạn yêu thương Hà Lan đến thế. Bởi xét cho cùng, Ngạn yêu Hà Lan ở làng Đo Đo nhiều hơn tất thảy.

Từng cột mốc, giai đoạn của cuộc đời mà hai nhân vật trải qua cũng được kể tương đối nhanh để đi đến hết câu chuyện nên cảm xúc chưa thể đẩy lên mức cao trào. Chỉ tới cuối bộ phim, khi những giọt nước mắt của Ngạn lăn dài trên chuyến tàu, khóc cho một mối tình day dứt, tuyệt vọng, mọi thứ mới như vỡ òa.

Dẫu vậy, “Mắt biếc” đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của nó, mang tới một tác phẩm chỉnh chu và giàu sức hút, chạm tới cảm xúc của khán giả. Bộ phim cũng như một cái kết ngọt ngào cho điện ảnh Việt 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.