Đô thị

Mặt cầu Thăng Long sau 1 năm “thay áo mới”

07/01/2022, 08:02

Hôm nay (7/1), tròn một năm dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long hoàn thành đưa vào khai thác.

Mặt cầu vẫn êm thuận, đảm bảo chất lượng là minh chứng việc ứng dụng công nghệ mới trong sửa chữa mặt cầu rất thành công.

img

Mặt cầu Thăng Long những ngày này

Mặt cầu êm thuận

Ngày 5/1/2022, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên cầu Thăng Long, mặt cầu bằng phẳng, êm thuận, từng đoàn xe khách, xe tải, xe con nối đuôi nhau chạy thông suốt trên đường Vành đai 3 từ Thủ đô Hà Nội đi sân bay Quốc tế Nội Bài, các tỉnh phía Bắc và ngược lại với tốc độ 80km/h.

Là người chuyên chở hàng gốm sứ về Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hùng (Thổ Tang, Vĩnh Phúc) cho hay, trước đây khi mặt cầu chưa được sửa chữa tôi rất ngại chạy qua cầu nên phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian, chi phí.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công tác kiểm soát tiến độ, chất lượng được thực hiện quyết liệt ngay từ khi triển khai thi công, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiểm soát chất lượng, đôn đốc tiến độ. Nhà thầu tham gia dự án cũng đã triển khai với tinh thần quyết tâm cao, huy động tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ. Đến thời điểm hiện nay, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

GS.TS. Tống Trần Tùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN


“Mặt cầu lồi lõm, xe chạy bị xóc, hàng hóa trên xe rất dễ vỡ. Đã có chuyến hàng xe về đến Hà Nội phải đền cho chủ hàng. Từ khi các hư hỏng mặt cầu được khắc phục, chạy xe qua cầu tôi thấy yên tâm hơn, không lo vỡ hàng hóa, thời gian lưu thông nhanh hơn”, anh Hùng nói.

Lái chiếc xe hơi 4 chỗ chạy bon bon qua cầu Thăng Long về thăm gia đình bên nội ở huyện Đông Anh, vợ chồng anh Đông ríu rít vui mừng vì từ nay có thể đưa con về thăm ông bà thường xuyên hơn.

“Trước đây, ngại về vì mặt cầu hư hỏng nguy cơ mất ATGT. Có nhiều khi qua cầu hay bị ùn tắc vì mặt cầu xấu, xe chạy chậm”, anh Đông nói.

Cầu Thăng Long - cây cầu huyết mạch của Thủ đô, nằm trên đường Vành đai 3, nối Thủ đô Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Bắc, đã được sửa chữa thành công toàn bộ mặt cầu.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được khởi công ngày 16/8. Sau gần 5 tháng thi công, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra và đã chính thức được thông xe tròn 1 năm (7/1/2021).

Trong suốt thời gian đó, khoảng 270 kỹ sư, công nhân thường xuyên bám trụ công trường, thi công 3 ca liên tục để kịp hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết. Dự án hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam thực hiện, từ tìm giải pháp công nghệ đến thử nghiệm, kiểm định, thiết kế, tư vấn giám sát và thi công.

Theo ông Vũ Hải Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ, phương án sửa chữa lần này đã được lựa chọn kỹ càng, trên cơ sở kết quả phân tích so sánh, tổng hợp thực tiễn sửa chữa mặt cầu thép trên thế giới để tìm ra phương án phù hợp nhất. An toàn - Chất lượng - Tiến độ luôn là yêu cầu được chủ đầu tư cũng như các đơn vị tư vấn, nhà thầu nghiêm túc thực hiện”, ông Tùng nói.

GS.TS Tống Trần Tùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN nhận định, quá trình trực tiếp chứng kiến thi công mới thấy hết sự kỳ công, kỹ lưỡng trong từng công đoạn, chi tiết của quá trình thi công. Nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng trong lần sửa chữa lớn này như công nghệ hàn Plasma, kết nối giữa bản thép bề mặt cầu với lớp bê tông siêu tính năng UHPC.

“Đến nay, giải pháp công nghệ này đã mang lại hiệu quả, đảm bảo êm thuận cho mặt cầu Thăng Long. Giải pháp dùng bê tông siêu tính năng liên hợp với bản mặt thép của cầu qua hệ thống đinh neo và lưới thép sẽ đảm bảo ổn định, chống trượt so với đổ bêtông nhựa trực tiếp lên bản mặt thép như trước đây”, GS.TS. Tống Trần Tùng nói.

GS. Trần Đức Nhiệm, giảng viên Trường Đại học GTVT cho hay, dù việc sửa chữa cầu Thăng Long có sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, lần đầu áp dụng trên diện rộng nhưng đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, kỹ sư, tư vấn, nhà thầu thi công trong nước đã làm chủ được các giải pháp công nghệ, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, qua đó mở ra khả năng ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong ngành GTVT, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mở rộng áp dụng công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long cho các dự án giao thông khác ở Việt Nam.

Độ bền đến 30 năm

Cầu Thăng Long được đưa vào sử dụng từ năm 1985. Sau hơn 35 năm sử dụng, phần mặt cầu đã trải qua nhiều lần sửa chữa.

Ông Vũ Hải Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ cho biết, sau 15 năm đưa vào khai thác, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị hư hỏng và đã được sửa chữa nhỏ. Đến năm 2009 mặt cầu được sửa chữa lớn, bóc hết lớp thảm bê tông nhựa phần đường ô tô.

Tuy nhiên, lần sửa chữa đó không được thành công vì không tạo được lớp dính bám giữa bê tông nhựa với bản mặt thép, đồng thời không tăng cường được độ cứng của bản thép mặt cầu nên đã xảy ra những hư hỏng lớn.

Từ năm 2014 - 2017, mặt cầu phát sinh nhiều hư hỏng và được bảo trì qua các năm. Trong khi đó, mỗi ngày trung bình có tới gần 50 nghìn lượt xe qua cầu, nhiều xe có tải trọng lớn hơn mức cho phép. Việc sửa chữa mặt cầu đã trở nên cấp bách.

Đầu năm 2018, Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu đầu tiên, tiếp xúc với những người làm cầu phía Liên Xô cũ để tìm kiếm phương án sửa chữa.

Đến cuối năm 2019, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN chuẩn bị đầu tư và đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu, thử nghiệm, tham quan học tập kinh nghiệm tại các công trình đã được sửa chữa thành công ở nước ngoài để tìm giải pháp phù hợp áp dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

“Công nghệ được sử dụng là công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bê tông cốt sợi thép siêu tính năng UHPC có cường độ chịu nén gấp 3 lần bê tông thông thường, sau đó quét keo epoxy dính bám trước khi thảm bê tông nhựa polime dày tối thiểu 4cm. Với phương án này mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng UHPC tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm”, ông Tùng cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 cho hay, sau 145 ngày liên tục không kể nắng mưa, ngày đêm, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã miệt mài thi công, hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ như hàn gần 1,5 triệu đinh neo, lắp đặt 800 tấn cốt thép, rải 2.000m3 bê tông siêu tính năng; quét keo epoxy dính bám và thảm bê tông nhựa polyme hơn 27.200m2.

Nhớ lại những ngày tháng khi nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sửa chữa mặt cầu Thăng Long, ông Nguyễn Trung Sỹ, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ cho hay, khi công nghệ mới, vật liệu mới được áp dụng không tránh khỏi sự nghi ngờ của giới nghiên cứu và nhà khoa học trong ngành.

Quá trình lựa chọn công nghệ đã có những “tranh cãi” nảy lửa của các nhà khoa học, nhất là đối với việc hàn đinh neo.

“Sau quá trình đó những kỹ thuật đúng, tiến bộ của khoa học đã được áp dụng sửa chữa mặt cầu. Quá trình thực hiện có đủ lo lắng, nghi ngờ, nhiều kỹ sư trong quá trình thực hiện dự án đã có thời điểm muốn rút ra khỏi dự án vì thấy tính rủi ro. Tuy nhiên, với bản lĩnh nghề nghiệp của nhiều cán bộ, kỹ sư đã hoàn thành thành công dự án. Dự án sẽ tồn tại bền vững cùng với tuổi thọ giàn kết cấu thép của cầu”, ông Sỹ nói.

Nhận thức và hành động đúng, dự án mới thành công

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được ứng dụng công nghệ, giải pháp mới trong sửa chữa.

Quá trình lựa chọn giải pháp có nhiều vấn đề, ý kiến khác nhau, thậm chí là bức xúc. Bộ GTVT đã chọn vấn đề bức xúc nhất để tập trung chỉ đạo, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Trong ứng dụng công nghệ mới không tránh khỏi có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, qua quá trình khi đã xác định đúng, trúng vấn đề, phương án, giải pháp thì quyết tâm làm và dám chịu trách nhiệm.
“Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết liệt trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ GTVT tập trung chỉ đạo từng khâu, tháo gỡ từng nút thắt, đồng lòng trong thực hiện dự án. Phải “thông” trong tư tưởng, nhận thức đúng vấn đề và hành động đúng thì dự án mới thành công”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.