Tuyệt đối không sử dụng thuốc Đông y theo kiểu mách nước |
Với quan niệm thuốc Đông y vừa lành vừa mát, hoàn toàn không gây hại, không bổ ngang cũng bổ dọc… nhiều người đã sử dụng tùy tiện, dẫn tới ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong.
Tử vong do dùng thuốc tùy tiện
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tháng nào cũng có trường hợp ngộ độc thuốc Đông y nhập viện với các triệu chứng rất nặng: Tổn thương gan, viêm gan do nhiễm độc, suy thận vô niệu... Nhiều trường hợp, dù bệnh viện đã khẩn trương tiến hành lọc máu, nhưng bệnh nhân vẫn tử vong hoặc để lại những di chứng hết sức nặng nề. Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, trong những vụ ngộ độc thuốc Đông y xảy ra, nổi lên tình trạng ngộ độc thủy ngân, chì, lưu huỳnh, phốt pho…
"Để ngăn ngừa ngộ độc thuốc Đông y, người bệnh cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời”. ThS. Hoàng Khánh Toàn |
Bác sỹ Sơn kể, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H. (Hải Phòng) điều trị bệnh khớp bằng thuốc Đông y. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh nhân buộc nhập viện do ngộ độc, gây suy gan, suy thận nặng. Hay như trường hợp chị Nguyễn Minh T. (Ninh Bình), nghe giới thiệu nên lặn lội về tận Bắc Ninh cắt thuốc Đông y để điều trị vô sinh. Chỉ sau 10 ngày uống thuốc, chị thấy đau bụng, cảm giác trống ngực, đưa đến viện thì được xác định ngộ độc chì với nồng độ gần 60mcg/dL.
Đáng tiếc hơn, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H., (60 tuổi, Bắc Ninh) vốn bị bệnh tăng huyết áp, đang uống thuốc điều trị, bệnh khá ổn định. Vì nghe lời khuyên của hàng xóm nên bà H. bỏ thuốc Tây chuyển dùng thuốc Đông y cho mát và bổ... Được một thời gian ngắn, bà H. đã phải nhập viện trong tình trạng suy tim rất nặng với các rối loạn nhịp tim phức tạp và được chẩn đoán viêm cơ tim do thuốc Đông y. Sau hơn 4 tháng điều trị, bệnh nhân đã tử vong.
Báo động Đông y “chui”
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, một trong những nguyên nhân gây ngộ độc cho người bệnh khi dùng thuốc Đông y là những tồn dư hóa chất dùng bảo quản, chế biến thuốc, chống ẩm mốc như: Lưu huỳnh, phốt pho, thủy ngân...
Còn theo lương y Vũ Quốc Trung, Phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng (Hà Nội), ngộ độc thuốc Đông y có thể do độc tố tồn tại trong chính bài thuốc, bởi thuốc Đông y có nhiều nguồn gốc: Động vật, thực vật, côn trùng, khoáng vật… mỗi loại có thể có tới hàng nghìn vị, trong đó một số vị thuốc bản thân trong nó đã chứa chất độc (ví dụ như mã tiền dùng sai liều lượng có thể gây chết người). Do đó, khi sử dụng thuốc Đông y, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng, hoàn toàn có thể bị ngộ độc.
“Hiện có rất nhiều cơ sở Đông y “chui” (không có giấy phép), người bán thuốc không đủ kiến thức, bán thuốc chất lượng kém. Cũng không loại trừ, một số thầy “lang băm” hiện nay do muốn bài thuốc của mình nhanh có hiệu quả đã tự ý kết hợp với một số loại thuốc Tây y. Điều này về mặt y thuật là phản khoa học còn về mặt y đức là dối trá, cần bị lên án”, ông Trung cho biết.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc Đông y trôi nổi trên thị trường hoặc lấy thuốc từ các cơ sở thuốc Đông y “chui”. Bên cạnh đó, người bệnh không nên sử dụng thuốc theo “lời mách”, bởi một số bài thuốc, vị thuốc dù giống nhau nhưng chỉ có công dụng với người này mà hoàn toàn vô dụng hoặc phản tác dụng đối với người khác.
Ngoài ra, lương y Vũ Quốc Trung khẳng định, về mặt quản lý Nhà nước đối với thuốc Đông y, hiện nay đã có đầy đủ những chế tài, quy định việc hành nghề bốc thuốc Đông y, trong đó có những quy định xử phạt cụ thể, rõ ràng, nghiêm túc. Vấn đề cần làm bây giờ là thực hiện nghiêm những quy định đó để xử lý triệt để những cơ sở bốc thuốc “chui” hoặc những “lang băm” hành nghề trôi nổi trên thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận